Lợi nhuận của VPBank quý 1/2022 ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, kỷ lục mới trong ngành ngân hàng
Chỉ riêng một quý, lợi nhuận của nhà băng này đã bằng nỗ lực phấn đấu cả năm của nhiều ngân hàng khác cộng lại.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ lãnh đạo VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I năm nay của ngân hàng có mức tăng trưởng rất cao và có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và các khoản thu nhập bất thường.
Với kết quả ước tính quý I như trên, dự báo năm 2022 VPBank rất có thể sẽ có được một bước tăng trưởng nhảy vọt về lợi nhuận. Trước đó, trong buổi trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư đầu năm, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã khẳng định sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới về cả lợi nhuận, quy mô vốn chủ sở hữu và cả quy mô khách hàng trong năm nay.
Một trong những bước đi hiện thực hóa mục tiêu kể trên được VPBank thực hiện đầu tháng Ba vừa qua là gia hạn thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm. Việc làm mới lại hợp đồng giữa VPBank và AIA được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Nhiều chuyên gia dự đoán VPBank có thể thu về một khoản tài chính đáng kể từ thỏa thuận này, cùng với những lợi ích khác về sau này.
Đầu năm nay, VPBank cũng đã mua lại 97% cổ phần tại Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities, đánh dấu sự trở lại của ngân hàng trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ liên quan đến thị trường chứng khoán.
Trong một báo cáo phân tích gần đây, Công ty Chứng khoán MB đã dự báo rằng VPBank sẽ có một năm đột biến về tăng trưởng lợi nhuận. Theo MBS, khả năng sinh lợi của VPBank có thể đến từ 3 yếu tố: 1) tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng; 2) chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành; 3) thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con.
Tính đến cuối năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng có số vốn chủ sở hữu trong nhóm đầu hệ thống, đạt hơn 86.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,3%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020.
Cổ phiếu VPB tăng giá mạnh, thanh khoản bùng nổ trong phiên giao dịch đầu tháng 4
Hai phiên giao dịch gần đây, ngày 31/3 và 01/4, cổ phiếu VPB của VPBank tăng giá mạnh, chốt phiên 01/4 tại 38.600 đồng (tăng 3,8%) và thiết lập mức cao nhất kể từ ngày 28/10/2021. Không chỉ tăng giá mạnh, VPB còn được nhà đầu tư tranh mua với hàng loạt lệnh gom lớn, đưa khối lượng giao dịch phiên 01/4 lên đến gần 37 triệu đơn vị, cao gấp hơn 3 lần bình quân 10 phiên gần nhất.
Nhịp sống kinh tế