MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng tăng từ 7-10% chưa phản ánh chân thực lợi nhuận ngân hàng cả năm 2020

04-11-2020 - 13:36 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Mức lợi nhuận 7-10% của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chưa phản ánh đầy đủ những khó khăn mà ngành đang phải đối mặt và đây cũng chưa phải là con số lợi nhuận thực cho cả năm 2020.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Một trong những điểm đáng lưu ý trong BCTC quý 3 của hệ thống ngân hàng là khác với bối cảnh chung của kinh tế trong nước và thế giới, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt, vượt qua những lo ngại được HĐQT của nhiều ngân hàng nêu ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4-6 vừa qua.

Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng trưởng khá thì nợ xấu 9 tháng đầu năm cũng tăng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Nợ xấu tăng, lợi nhuận cũng tăng, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều, thanh khoản dư thừa. Những vấn đề trên có đáng lo ngại?

Để làm rõ hơn con số lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm, cũng như có những dự báo về tình hình kinh doanh của các ngân hàng trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực về vấn đề này.

Lợi nhuận ngân hàng tăng từ 7-10% chưa phản ánh chân thực lợi nhuận ngân hàng cả năm 2020 - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Thống kê BCTC hệ thống ngân hàng quý 3 cho thấy nợ xấu ngân hàng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm. Theo ông đây có phải là điều đáng lo ngại? 

TS. Cấn Văn Lực: Một điều rõ ràng có thể thấy là nợ xấu ngành ngân hàng đến 30/9 tăng tương đối mạnh, khoảng 30% so với cuối năm 2019 ở nhóm các ngân hàng niêm yết và xu hướng này sẽ tiếp tục, nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng.

Có 2 nguyên nhân chính để đưa ra nhận định trên. Một là do độ trễ của dịch COVID-19 với các khách hàng của ngân hàng. Thứ 2 là do các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tư 01 vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm. Vì thế khi Thông tư 01 hết hiệu lực, các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ thì nợ xấu ắt sẽ tăng cao hơn nữa.

Theo tính toán của chúng tôi, dự báo đến cuối năm nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%. Tất nhiên, nợ xấu tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trước dự báo nợ xấu tăng mạnh như vậy, theo ông ngành ngân hàng cần làm gì để ứng phó?

TS. Cấn Văn Lực: Nợ xấu tăng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ lợi nhuận đến khả năng tăng vốn điều lệ (do vốn điều lệ tăng 1 phần từ lợi nhuận giữ lại và khi lợi nhuận thấp thì dòng tiền giữ lại để tăng vốn cũng ít).

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tính toán lại thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để không tạo cú sốc cho nợ xấu tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng buộc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận tăng thấp trong 2 năm 2020, 2021 để có nguồn lực cho xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong thời gian vừa qua năng lực tài chính của các ngân hàng đã tăng lên khá nhiều nên khả năng chống đỡ với các cú sốc, năng lực để xử lý nợ xấu đã tốt hơn.

Một trong những điểm đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh 9 tháng của ngành ngân hàng là nhiều ngân hàng vẫn báo lãi lớn trong khi nền kinh tế chung tăng trưởng chậm, nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Ông lý giải sao về hiện tượng này?

TS. Cấn Văn Lực: Ở khối ngân hàng niêm yết, mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm là từ 7-10%. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết những khó khăn mà ngành ngân hàng đang gặp phái. Nguyên nhân đầu tiên là do trích lập dự phòng thông thường sẽ được các ngân hàng trích lập cho cả năm, sẽ tăng mạnh vào cuối quý 4. Thứ 2 là sẽ có độ trễ tác động của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng khi khó khăn của khách hàng mới chỉ bắt đầu. Thứ 3 là Thông tư 01 hiện nay vẫn giữ nguyên nhóm nợ, nên nợ xấu được tạm giữ đó.

Những nguyên nhân trên cho thấy số liệu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 7-10% trong 9 tháng đầu năm chưa phản ánh hết những khó khăn, thách thức, cũng như lợi nhuận thực của ngành ngân hàng cho cả năm.

Với những khó khăn nêu trên, liệu NHNN có nên nới trần tỷ lệ nợ xấu cho các TCTD vào năm 2020 và cả 2021 không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: NHNN buộc phải chấp nhận thực tế nêu trên vì lý do bất khả kháng, dịch bệnh ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế chứ không phải chỉ riêng ngành ngân hàng.

Quyết định 1058 của Chính phủ đặt mục tiêu đẩy nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào cuối năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại có thể thấy để đạt được mục tiêu này là không thể. Ước tính, năm 2020 nợ xấu nội bảng sẽ khoảng 3%, còn nợ xấu gộp (gồm cả nợ xấu các TCTD bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) đến cuối năm sẽ ở mức khoảng 4,5% và sang năm 2021 con số này sẽ tăng lên tới 5-5,5%.

Có thể nói đến thời điểm hiện tại, NHNN sẽ buộc phải thay đổi kế hoạch và quan điểm với nợ xấu ít nhất trong năm 2020 và 2021.

Xin cảm ơn ông!

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên