MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023?

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023?

So với bức tranh kết quả kinh doanh kém khả quan của nhiều doanh nghiệp nhóm tiêu dùng, bất động sản, hóa chất,... doanh thu và lợi nhuận quý III/2023 của các doanh nghiệp “họ Viettel" dù có sự phân hóa nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

Theo dữ liệu của SSI Research, quý III/2023, tổng doanh thu toàn thị trường (dữ liệu cập nhật ngày 1/11) giảm 0,6% so với cùng kỳ và 0,1% so với quý trước. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp giảm 5% so với cùng kỳ sau khi liên tục ghi nhận mức giảm mạnh hai chữ số trong 3 quý trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi nhóm ngành dầu khí ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 828% so với cùng kỳ; nhóm tài nguyên cơ bản tăng 166% và nhóm ngành dịch vụ tài chính tăng 138% thì nhóm ngành tiêu dùng tiếp tục giảm (trong đó nhóm bán lẻ giảm 67,8%, hàng cá nhân và gia dụng giảm 41,4%, ô tô và phụ tùng giảm 54,5%, thực phẩm & đồ uống giảm 7%); nhóm hóa chất thậm chí còn giảm tới 70,3% hay nhóm bất động sản cũng giảm 32,4% và nhóm ngân hàng giảm 1,4% so với cùng kỳ.

Giữa bối cảnh nhiều nhóm ngành kinh doanh "đi lùi", các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực.

Trong đó, lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã CTR) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế (Viettel Global, mã VGI) cũng đã về lại mức nghìn tỷ đồng, trong khi Công ty CP Tư vấn và dịch vụ Viettel (Viettel Consultancy, mã VKT) dự kiến sẽ lãi kỷ lục trong năm nay.

Viettel Global trở lại mức lãi nghìn tỷ đồng

Là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp “họ” Viettel (hơn 30.438 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận các quý của Viettel Global lại kém ổn định nhất trong nhóm khi liên tục tăng, giảm theo các khoản trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với các công ty ở nước ngoài.

Sau khi lỗ sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng trong quý II/2023, sang quý III/2023 Viettel Global đã trở lại mức lãi nghìn tỷ đồng. Quý vừa qua, công ty đạt doanh thu thuần 7.325 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động.

Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 3.749 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023? - Ảnh 1.

Viettel Global cho biết, kỳ này công ty vẫn tiếp tục trích lập quỹ dự phòng đầu tư và phải thu đối với Công ty Viettel Myanmar, trích lập dự phòng nợ phải thu với Công ty Viettel Cameroun và ảnh hưởng bởi lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty mẹ và các công ty thị trường (gồm Viettel Burundi và Viettel Tanzania) nên đã tác động lớn đến chỉ số tài chính trong kỳ.

Cụ thể, trong kỳ công ty tiếp tục trích lập dự phòng phải thu khó đòi 817 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ song giảm đáng kể so với mức trích lập 2.246 tỷ đồng trong quý II.

Việc giảm trích lập dự phòng và lãi tỷ giá 1.316 tỷ đồng gấp đôi mức lỗ tỷ giá 689 tỷ đồng đã giúp Viettel Global trở lại mốc lãi nghìn tỷ trong quý III/2023 với lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt đạt 2.109 tỷ đồng và 1.409 tỷ đồng, giảm 11,6% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm gần 30% so với quý III/2022, đạt 1.100 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt hơn 20.629 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm mạnh 82% so với cùng kỳ, xuống còn 784 tỷ đồng.

Năm 2023, Viettel Global đặt kế hoạch doanh thu 28.000 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 3.014 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 76% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đều tăng nhẹ so với đầu năm, đạt lần lượt là 50.800 tỷ đồng và 29.915 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn tiếp tục giảm mạnh xuống còn 3.150 tỷ đồng, giảm 735 tỷ đồng so với quý trước và giảm 2.800 tỷ đồng so với đầu năm. Đến cuối quý III, công ty đang có hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm gần 40% tổng tài sản.

Qua giai đoạn bùng nổ doanh thu, Viettel Post vẫn lãi lớn

Quý III/2023, doanh thu của Viettel Post giảm hơn 11% so với cùng kỳ, đạt 4.792 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp doanh thu dưới mức 5.000 tỷ đồng. Trong khi trước đó, giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý IV/2022, công ty luôn duy trì mức doanh thu trên 5.000 tỷ đồng.

Dù doanh thu giảm sút, song Viettel Post vẫn lãi sau thuế 103 tỷ đồng trong quý III, tăng 84% so với cùng kỳ 2022. Kết quả này nâng lợi nhuận 9 tháng của công ty lên mức 276 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023? - Ảnh 2.

Theo Viettel Post, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng chủ yếu nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp bằng cách tiết giảm các chi phí trên mỗi đơn hàng. Quý III/2023, cứ 100 đồng doanh thu, Viettel Post thu về 4,7 đồng lợi nhuận gộp, trong khi cùng kỳ 2022, con số tương đương chỉ ở mức 2,4 đồng.

Năm 2023, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.464 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022 nhưng kỳ vọng lợi nhuận sau thuế có thể tăng gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 376 tỷ đồng. Với kết quả doanh thu 9 tháng đạt 14.483 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 78,4% kế hoạch doanh thu và 73,4% mục tiêu lợi nhuận năm.

Đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 5.949 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (5.109 tỷ đồng), trong đó, có 2.516 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng 8,7% so với đầu năm. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, vay nợ của công ty tăng 13,3% so với đầu năm lên 1.470 tỷ đồng.

Viettel Construction tăng trưởng ổn định

Viettel Construction là doanh nghiệp tăng trưởng ổn định nhất trong nhóm doanh nghiệp “họ” Viettel khi luôn duy trì được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức hai chữ số kể từ giai đoạn đại dịch COVID-19 đến nay.

Trong đó, doanh thu các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt đạt 6.360 tỷ đồng, 7.461 tỷ đồng và 9.398 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng lũy tiến theo các năm, lần lượt đạt 274 tỷ đồng (2020), 375 tỷ đồng (2021), 443 tỷ đồng (2022).

Trên đà tăng trưởng, năm 2023, Viettel Construction đề ra mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với năm 2022. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Viettel Construction sẽ phá kỷ lục lợi nhuận đạt được năm ngoái.

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023? - Ảnh 3.

Quý III vừa qua, công ty báo doanh thu thuần đạt 3.083 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu giúp lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt hơn 232 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh lên mức gần 23 tỷ đồng khiến nợ vay 9 tháng tăng mạnh lên mức 67,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty chỉ vay nợ 4,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi trước thuế 176 tỷ đồng, lãi sau thuế 141 tỷ đồng, đều tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Construction đạt doanh thu thuần 8.124 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm, hoàn thành 78,4% kế hoạch năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 373 tỷ đồng, tăng 17% và hoàn thành 76,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Construction lần lượt là 6.873 tỷ đồng và 1.825 tỷ đồng, tăng lần lượt 13,8% và 12,3% so với đầu năm. Đến cuối quý II, công ty đang có 1.654 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong khi đó, nợ và nợ thuê tài chính là 1.550 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm.

Viettel Consultancy kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục năm 2023

Trong khi CTR, VGI, VTP đều công bố kết quả kinh doanh theo quý thì Viettel Consultancy (mã VTK) hầu như chỉ công bố kết quả theo năm. Báo cáo tài chính kể từ khi niêm yết (2010) đến nay cho thấy, doanh thu của Viettel Consultancy vẫn tăng đều qua các năm và lợi nhuận duy trì ổn định.

Trong năm tài chính gần nhất, công ty báo doanh thu đạt kỷ lục gần 218 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch và tăng 60% so với doanh thu thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết, đạt 20,7 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng 21,8% so với năm 2021.

Lợi nhuận nhiều nhóm ngành giảm mạnh, nhờ đâu doanh nghiệp “họ” Viettel vẫn "hái ra tiền" trong quý III/2023? - Ảnh 4.

Với đà tăng trưởng khá tốt trong năm 2022, Viettel Consultancy đặt kỳ vọng lớn hơn vào năm 2023 với doanh thu dự kiến là 280 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 24,6 tỷ đồng, tăng 19,2%.

Công ty cũng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản năm 2023 lên 244 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu lên 133 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,3% và 7,7% so với năm 2022.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Consultancy lần lượt đạt 187 tỷ đồng và 124 tỷ đồng, tăng 17,9% và 8,5% so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi đến cuối năm giảm 15%, còn 68 tỷ đồng, trong khi, nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) tăng 41,5%, lên gần 64 tỷ đồng.

Theo Hoàng Hà

Thị trường Tài chính Tiền tệ

Trở lên trên