Lợi nhuận quý 3 các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 17,8% bất chấp dịch bệnh, riêng nhóm VN30 vượt trội với mức tăng 21,3%, biên lãi gộp lên cao nhất 5 năm
VNDIRECT cho rằng, kết quả tích cực của POW đến từ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của NT2 nhờ giá bán bình quân cao hơn trong bối cảnh giá dầu Brent tăng. Còn đối với HPG, doanh nghiệp được hưởng lợi bởi mức tăng về khối lượng giá bán bình quân của thép.
Thống kê đến hết ngày 3/11, 717 công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán, tương ứng 86% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021.
Theo ước tính của CTCK VNDIRECT, lợi nhuận ròng quý 3 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng bình quân là 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HoSE có kết quả khả quan hơn với mức tăng 22,6%.
VNDIRECT đánh giá, kết quả trên phần nào khá bất ngờ khi GDP quý 3 giảm 6,2% trong bối cảnh giãn cách xã hội trên toàn quốc nghiêm ngặt. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng mạnh 54,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể về các nhóm ngành, sau nửa đầu năm bùng nổ, nhóm ngân hàng đã nhường "sân khấu chính" cho doanh nghiệp thép và dịch vụ tài chính. Theo đó trong quý 3, các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ cả sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 17,2% so với quý 3/2020. Với nhóm dịch vụ tài chính mà chủ yếu là các công ty chứng khoán, lợi nhuận quý 3 tăng 119,3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Ngược lại, ngành ngân hàng ghi nhận giảm tốc khi tăng trưởng chỉ đạt 13,1% so với mức tăng 79% và 34% trong quý 1 và quý 2 trước đó. Nhóm vốn hóa lớn thứ 2 sàn chứng khoán là ngành BĐS ghi nhận lợi nhuận chỉ tăng 6%, thấp hơn so với mức 96% trong quý 2 trước đó và 18% trong quý 3/2020.
Thậm chí, do các biện pháp đóng cửa và hạn chế di chuyển trong tháng 8 và 9, ngành đồ uống, ô tô, bán lẻ, vận tải ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ròng nặng nề trong quý 3 với mức giảm lừ 18%-65% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các ngành khác tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm xây dựng và vật liệu (-32%), khai khoáng (-37%).
Bên cạnh đó, nhóm ngành thực phẩm tăng trưởng lợi nhuận 5,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên ghi nhận những tác động trái chiều. Trong đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi là xuất khẩu gạo và đường; trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và sản xuất thịt đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Nhóm VN30 tăng trưởng lợi nhuận vượt trội 21,3% trong quý 3
Các DN thuộc nhóm VN30 và vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 21,3% và 20,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ (tương ứng tăng 12,2% và giảm 24%). Theo đó, có tới 14 công ty trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng LN tích cực, dẫn đầu là POW (360%), HPG (174%), và VHM (84,3%).
.
Trong nhóm ngân hàng, TPB và TCB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lần lượt là 40,2% và 40% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, PNJ (-178%), VIC (-123%) và VRE (-96%), PLX (-91%), NVL (-4%) là những cái tên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp này đều bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và hạn chế vận tải trong quý 3 vừa qua.
Theo VNDIRECT, biên lợi nhuận gộp (không bao gồm ngành ngân hàng) trong quý 3 đã tăng đáng kể, đạt 24% - mức cao nhất trong 5 năm. Nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp của ngành bất động sản (18,3%), hóa chất (14,8%) và thép (19,3%) khả quan hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính toàn thị trường tiếp tục giảm.