MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi thế từ trung tâm công nghệ tài chính

Trở thành trung tâm công nghệ tài chính của Đông Nam Á là một trong những bước đi của lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP HCM

Ngày 30-11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) và Viện Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức hội thảo "Triển vọng phát triển TP HCM thành trung tâm công nghệ tài chính (fintech) trong khu vực Đông Nam Á".

Cấu phần quan trọng

Nhiều ý kiến nhận định tiềm năng để TP HCM trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á là rất lớn. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020. Thành phố cũng đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao...

Theo HIDS, nhiều tổ chức tài chính của TP HCM đã bắt đầu sử dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo) và các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến khác để phục vụ khách hàng và doanh nghiệp tốt hơn. Tính đến cuối năm 2022, có 1.371 công ty khởi nghiệp công nghệ và 145 công ty khởi nghiệp fintech trên địa bàn, đưa TP HCM trở thành trung tâm fintech nổi bật của Việt Nam.

Lợi thế từ trung tâm công nghệ tài chính - Ảnh 1.

Lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TP HCM sẽ được bổ sung thêm cấu phần quan trọng là trung tâm công nghệ tài chính. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam, TP HCM cần có chiến lược phát triển phù hợp.

Thông tin về tiến độ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng HIDS, cho biết trong lộ trình chung sẽ có thêm một cấu phần là trung tâm fintech. Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đang được thảo luận theo hướng kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết tương đương luật, trong đó cần làm rõ "liều lượng" của trung tâm fintech. "Fintech sẽ đóng vai trò quan trọng trong trung tâm tài chính quốc tế. Sẽ có một số điều khoản để có thể xây dựng những phân khu chức năng liên quan fintech" - ông Vũ đề xuất.

Cải thiện khung pháp lý

Mặc dù TP HCM có tiềm năng để phấn đấu trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á nhưng đô thị này đang phải đối mặt với một số thách thức đặc biệt. Cụ thể: Hệ thống công nghệ thông tin chưa đủ độ tin cậy để bảo đảm an toàn, an ninh mạng; cơ cấu pháp lý và chế độ thuế vẫn còn chặt chẽ và phức tạp nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành tài chính; tình trạng quá tải và xuống cấp cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường...

GS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Việt Nam, nhìn nhận khung pháp lý hoàn chỉnh là một trong những yếu tố quan trọng để TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Các trung tâm tài chính ở Anh, Mỹ, Dubai thành công đều nhờ có cơ sở pháp lý rất mạnh, hỗ trợ cho fintech phát triển, từ đó thúc đẩy dòng tiền luân chuyển giữa các quốc gia.

Còn với TP HCM, chỉ số tài chính và chỉ số chứng khoán hiện ở vị trí khiêm tốn - đứng thứ 112/120 quốc gia. Dẫu vậy, "trong nguy vẫn có cơ" và có nhiều triển vọng bứt phá".

GS Andreas Stoffers đề xuất kết hợp tài chính công nghệ vào định hướng phát triển của TP HCM và Việt Nam để tạo cơ sở hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và củng cố nội lực kinh tế. Đây cũng là xu hướng của nhiều trung tâm tài chính quốc tế hiện hữu.

Theo ông Jesse Arlen Smith, Giám đốc công nghệ và kinh doanh của Crayon Group, trong lộ trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế, mỗi nước có những bước đi không giống nhau, thậm chí có thể "nhảy cóc", bỏ qua một số giai đoạn. Việt Nam đang có tốc độ phát triển công nghệ nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây nên ứng dụng công nghệ sẽ tạo thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Nếu muốn có những bước "nhảy cóc", Việt Nam có thể phải chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định. "Bằng cách trao quyền nhiều hơn cho những người ra quyết định để họ có được sự hỗ trợ, tin tưởng, TP HCM có thể trở thành trung tâm fintech của khu vực" - ông Jesse Arlen Smith nhận định.

Các chuyên gia góp ý ngành tài chính của TP HCM cần tích cực hơn nữa để hoạt động như một trung tâm fintech của khu vực. Đơn cử, phát triển hàng hóa tài chính đa dạng hơn, có hệ thống pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng hơn để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp fintech phát triển.

Ngay từ bây giờ, TP HCM cần ưu tiên ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và có chiến lược dài hạn để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á. Quan trọng hơn cả, thành phố cần làm rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình so với các nước trong khu vực, qua đó xác định được lợi thế so sánh để xây dựng chiến lược phù hợp.

Cơ chế mở để thu hút nhà đầu tư

TS Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp TP HCM, nhấn mạnh đã tới lúc cần định hướng rõ nét chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TP HCM. Khung pháp lý hiện nay chưa theo kịp sự thay đổi của thị trường ngoại hối, fintech..., do đó cần có sự cải thiện.

"Để Việt Nam có thể xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, theo tôi, không cần chỉ tay cụ thể rằng nhà đầu tư phải làm gì, mà quan trọng là có một cơ chế mở tạo thuận lợi cho họ. Với vị trí thuận lợi, khi có chính sách tốt, cơ chế thông thoáng mở đường cho ứng dụng công nghệ, fintech... cùng với khâu giám sát, hậu kiểm hợp lý, chúng ta sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư" - ông Tuấn tự tin.

Lợi thế khác biệt của TP HCM

Các chuyên gia của HIDS đánh giá TP HCM có lợi thế khác biệt để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế. Chẳng hạn, từ hàng chục năm qua, TP HCM đã là một đô thị đa văn hóa, đa dân cư, cũng là một đô thị kinh tế tập trung hầu hết những sáng kiến quan trọng nhất của đất nước.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, TP HCM là nơi thành lập ngân hàng thương mại đầu tiên, sau đó là thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối... và gần đây nhất là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thành phố cũng đi đầu cả nước về tích hợp, ứng dụng fintech.

Theo Thái Phương

NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên