Long An gỡ khó để 50% số doanh nghiệp hoạt động ổn định vào ngày 15/10
Mặc dù Long An thực hiện Chỉ thị 15, nhưng các cụm, khu công nghiệp ở huyện Bến Lức giáp ranh với TP.HCM nên nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 vẫn còn cao.
- 26-09-2021Doanh nghiệp thích nghi bằng “4 tại chỗ” và “2 xanh 1 sạch”
- 26-09-2021Tìm đủ 'lao động xanh' để tái sản xuất: Doanh nghiệp gặp khó
- 25-09-2021Doanh nghiệp FDI đề nghị Đà Nẵng tháo gỡ việc lưu thông, nhập cảnh, phủ xanh vaccine
Chiều 27/9, lãnh đạo tỉnh Long An đi kiểm tra và đối thoại trực tuyến với hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Bến Lức, khu vực giáp ranh với TP.HCM để tháo gỡ một số khó khăn với mục tiêu đến ngày 15/10 sẽ có khoảng 40 đến 50% tổng số doanh nghiệp phục hồi hoạt động.
Huyện Bến Lức vẫn còn một số khu vực bị phong tỏa, cách ly. Do đó, trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp ở đây đều chủ động 5K và 4 tại chỗ, (tức là 3 tại chỗ theo quy định và tự tổ chức y tế). Thực tế sau hơn 12 ngày tái khởi động sản xuất, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp vừa, nhỏ khó tiếp cận nguồn vaccine để tiêm mũi 2, doanh nghiệp được tiêm thì tốc độ tiêm chậm, ở từng giai đoạn các quy định phòng dịch chưa cụ thể rõ ràng và chưa linh hoạt... khiến doanh nghiệp bị động trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sau nhiều tháng dịch bệnh kéo dài, hầu hết các doanh nghiệp cũng đang khó khăn về vốn và đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động thay thế.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết, trong những ngày tới địa phương sẽ tập trung tiêm để đạt độ phủ vaccine mũi 2 cho toàn bộ công nhân, để công nhân đáp ứng được điều kiện đi làm và di chuyển bình thường. Đồng thời, Long An cũng sẽ điều tiết linh động một số quy định để hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất ổn định.
"Hiện nay vấn đề khó nhất của chúng tôi là các doanh nghiệp trên địa bàn Long An, nhưng các chuyên gia, đội ngũ tay nghề cao thì nằm ở địa phương khác vẫn còn giãn cách nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã liên kết với TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương làm sao khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động thì đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao phải có được sự di chuyển thông suốt ở tất cả doanh nghiệp ở khu vực phía Nam này", ông Nguyễn Văn Út nói./.
VOV