"Lớp học" đáng yêu trên vỉa hè: Một bác bảo vệ vừa giữ xe vừa dạy chữ cho cậu nhóc bán hàng rong ở Sài Gòn
Dưới tán cây si già giữa lòng Sài Gòn, có một lớp học vô cùng đặc biệt, không bảng đen phấn trắng, không bàn ghế chỉnh tề, thầy vừa dạy học vừa lo giữ xe còn trò thì vừa giải toán vừa chạy đi bán hàng phụ bà ngoại.
Bữa nọ thằng Phước tâm sự với chú Hữu:
- Con nghe nói mai mốt chú sắp nghỉ làm ở đây. Trước khi nghỉ, chú giúp con cái này được hông chú?
Chú Phước cười hè hè:
- Mày nghe tin ở đâu nhanh dzậy? Chú chưa nghỉ liền đâu, mày muốn chú giúp cái gì?
Thằng Phước bẽn lẽn nói:
- Chú dạy cho con đọc chữ được không?
17 tuổi đầu, lăn lộn đủ ngõ ngách ở cái thành phố này, lần đầu tiên thằng Phước ngỏ lời với một người để xin học chữ. Mới đầu, chú Phước tưởng nó giỡn chơi, ai dè nó không biết chữ thiệt, thôi thì thằng nhỏ đã có lòng muốn học, thì ông chú cũng không ngại khó khăn:
- Ngày mai đem tập vở ra đây chú dạy cho mày!
Lớp học trên vỉa hè của bác bảo vệ và cậu bé bán hàng rong.
Lớp học dễ thương trên vỉa hè Sài Gòn
Phước tên thật là Lưu Hoàng Phước (2001) nhưng mọi người thường gọi cậu với cái tên thân thương là Bin. Bố mẹ cậu li hôn từ khi cậu lên 3, thế nên Phước và người anh trai lớn lên cùng với bà ngoại, bên với gánh hàng rong ở vỉa hè.
Bà Tám (ngoại của Phước) buôn bán ở con đường này ngót nghét cũng trên 30 năm, bà cười bảo: "Hết nuôi con giờ tiếp tục nuôi cháu. Hồi ba thằng Bin bỏ đi, má nó cũng buồn rồi đi nơi khác làm ăn. Để lại hai đứa nhỏ cho bà lo, cu Bin thì bị chậm phát triển trí tuệ mà bà cũng nghèo nên học hết lớp 1 thì bà cho nó nghỉ học".
Ngoại Tám đã 70 tuổi vẫn ngày ngày bán buôn để chăm lo cho cháu.
Mỗi ngày Phước phụ bà buôn bán, lăn lộn với đời dần dần cậu nhóc cũng lanh lợi hơn, và đâu đó trong cậu vẫn ấp ôm giấc mơ con chữ. Phước mua sách lớp 1 về nhà tự học, nhưng không có người chỉ bảo, lúc cần hỏi cũng không biết phải hỏi ai, riết rồi đâm ra nản.
Mỗi ngày Phước đều phụ ngoại bán hàng.
Chú Hữu là bảo vệ kiêm giữ xe của nhà hàng đối diện gánh hàng rong của ngoại Tám, mỗi khi rảnh rỗi Phước lại chạy sang chỗ chú để ngồi chơi. Lâu ngày hai chú cháu cũng trở nên thân thiết, rồi bỗng một ngày Phước ngỏ ý muốn được chú dạy chữ. Thế là lớp học nhỏ ra đời.
Lớp học diễn ra ngay tại nơi chú Hữu làm việc.
Dưới tán cây si, lớp học đặc biệt của hai chú cháu vẫn đều đặn diễn ra vào mỗi buổi trưa trong lúc Phước phụ ngoại bán hàng. Gọi là lớp cho sang, chứ lớp chỉ có hai cái ghế, một cái cho thầy, một cái cho trò. Ghế vừa là chỗ ngồi vừa là bàn để kê vở ghi chép. Thầy vừa dạy học vừa lo dắt xe, giữ xe cho khách, còn trò thì vừa học vừa ngó nghiêng phụ ngoại bán nước.
Lớp chỉ có hai chiếc ghế, cho thầy và cho trò.
Ngó ngộ vậy, nên ai đi ngang qua cũng không khỏi ngạc nhiên, rồi mỉm cười trước sự dễ thương của hai thầy trò. Mà cũng may có ông si già che bóng mát chứ buổi trưa nắng ầm ầm, học kiểu này chưa say chữ đã say...nắng.
Học con chữ, học làm người
"Binnnn! Chạy qua lấy cho cô chai nước!" - một cô khách gọi lớn.
Thằng nhỏ đang nắn nót biên chữ thiệt đẹp thì dừng bút: "Dạaaa!", rồi bật dậy chạy cái vèo qua chỗ ngoại lấy chai nước. 2 phút sau cậu đã có mặt tại "lớp học" để tiếp tục sự nghiệp học hành. Chú Hữu bảo: "Hai chú cháu học như chạy giặc vậy đó, học được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chủ yếu là cho nó biết đọc biết viết, biết tính toán để sau này có làm gì cũng dễ. Chú thì cũng học dở ẹc hà, mà mình có bao nhiêu dạy bấy nhiêu thôi, miễn là nó vui".
Lớp học vỉa hè của hai chú cháu.
Vốn quen với việc bán buôn nên Phước học toán rất nhanh, bài tập nào cũng được thầy cho 10 điểm, anh chàng khoái ra mặt. Ngược lại môn Tiếng Việt thì có phần khó khăn hơn, mặc dù đã 17 tuổi đầu nhưng cu cậu vẫn phải đánh vần từng chữ cái và rất khó khăn để đọc một câu hoàn chỉnh rõ ràng, rành mạch.
Phước vẫn phải tập đánh vần từng chữ.
"U.. Ô.. I uôi, bờ uôi buôi hỏi buổi" - thầy thị phạm cho trò.
Trò đọc lại: "U..Ô..I uôi, bờ buôi hỏi bưởi". "Bưởi nè" - thầy lấy viết gỏ cái cốp lên tráng, anh chàng cười hè hè: "Nhầm nhầm, buổi chớ hông phải bưởi". Nói rồi ảnh lấy cuốn vở tập viết ra đưa cho thầy: "Chú! chú! Chấm điểm!". Chú Hữu cầm cuốn tập nhằn mày: "Chữ o này sao mà con viết nó méo xẹo vậy, mốt mình viết 1 đường một thôi nha, tập viết từ từ cho đẹp, thôi bữa cho 8 điểm thôi".
Cô lao công đi ngang qua hỏi thăm hai thầy trò: "Nay học hành được không Bin?". Thằng nhỏ cười hì hì, ông thầy giọng tự hào: "Bin học giỏi lắm đó chị, nay viết chữ đẹp hơn trước rồi".
Cả cái khu này có ai mà không quý thằng Phước, mặc dù nó khù khờ nhưng tính tình hiền lành lại hay giúp đỡ mọi người. Hễ ai cần gì nó cũng chạy qua giúp một tay, ai nhờ chạy đi mua cái gì nó cũng hồ hở chạy đi mà không nề hà nắng nôi. Thành ra sự nghiệp học tập của nó cũng được mọi người ủng hộ lắm. "Mấy bữa trước mọi người nói hễ thằng Bin cần mua sách vở gì thì anh nói tui để tui mua cho nó, người dân ở đây ai cũng mến nó" - chú Hữu kể.
Cậu nhóc vẫn hay giúp đỡ mọi người khi cần.
Daỵ cho Phước con chữ, chú Phước còn mong cậu có thể tránh những thành phần xấu để có thể trở thành người tốt.
Tôi hỏi Phước: "Mốt lớn Bin thích làm nghề gì?"
Thằng nhỏ cắm cúi viết chữ: "Thôi! Thôi! Không nói đâu!".
Ngoài đường người xe vẫn hối hả với vòng quay của cuộc sống nhưng ở góc vỉa hè nhỏ xíu này tôi luôn cảm thấy cuộc đời trôi qua một cách thật dễ thương. Dễ thương như cách thằng Phước ngày ngày cắp sách đi học, như chú Hữu vừa trông xe vừa chăm lo con chữ cho một đứa trẻ xa lạ, và như cách người dân xung quanh động viên hai thầy trò mỗi ngày - một kiểu dễ thương rất Sài Gòn.
Chỉ mong sao Phước có thể học được con chữ, để sau này ngoại trăm tuổi cậu vẫn có thể tự chăm lo cho bản thân.
Trí thức trẻ