Lũ lên quá nhanh, lúa mất trắng
Do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, lũ lên nhanh khiến nông dân trồng lúa ngoài đê bao ở ĐBSCL trở tay không kịp.
- 04-08-2017Thiệt hại hàng trăm triệu đồng do mua nhầm lúa giống
- 01-08-2017Khoai môn trên đất lúa thu nhập cao
- 25-07-2017Đổ xô trồng lúa Nhật: Nhiều rủi ro
Nông dân 3 tỉnh đầu nguồn là An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang thu hoạch nông sản trong nước lũ.
Hàng ngàn hecta ngập úng
Vụ lúa hè thu và thu đông năm 2017, nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang gieo sạ 86.323 ha. Cuối tháng 7, gần 40.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông nhưng bị ảnh hưởng của mưa lớn gây ngập úng cục bộ khoảng 4.650 ha. Đến đầu tháng 8, mưa lớn kết hợp với lũ đầu nguồn về sớm gây thiệt hại nhiều diện tích lúa đang chín và mới gieo sạ. Theo nhiều nông dân, vụ này năng suất lúa ở đây chỉ bằng 50%-80% so với vụ hè thu trước. Với tình trạng mưa dầm như hiện nay, nông dân sẽ bị lỗ nặng.
Bà Phạm Thị Vẹn (ngụ ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất) cho biết hơn 30 công (1.000 m2) lúa của bà đang chìm trong nước, trong đó 20 công lúa Nhật không kịp thu hoạch. Chỉ thu được tổng cộng 5 tấn lúa, sau khi trừ hết các chi phí sản xuất, gia đình bà lỗ gần 300.000 đồng/công.
Nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang thu hoạch lúa trong nước lũ Ảnh: NGỌC TRINH
Hộ bà Bùi Thị Đầy (ngụ ấp Thái Hưng) có 44 công lúa đang vào đợt thu hoạch nhưng đã ngập sâu trong nước lũ. "Lúa ngã gây hao hụt quá nhiều. Giá thuê người cắt lúa hiện lên đến 500.000 đồng/công nhưng không dễ tìm. Lúa bị ngập úng, chất lượng giảm, thương lái không thèm mua dù đã đặt cọc trước" - bà Đầy nói.
Ông Phạm Thành Tâm - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện An Phú, tỉnh An Giang - ước tính hiện có 67/7.000 ha lúa thu đông ngoài đê bao bị chìm trong nước, nguy cơ mất trắng.
Hộ ông Nguyễn Văn Ba (ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) trồng 6 công lúa thu đông sớm, còn 25 ngày nữa là tới thu hoạch nhưng đã bị nước lũ nhấn chìm. Tiếc của, ông Ba ngụp lặn dưới cánh đồng mênh mông nước cố thu hoạch nhưng mỗi công chỉ được 2 bao lúa còn xanh. Cùng ấp, bà Nguyễn Thị Non xuống giống 18 công lúa thu đông sớm nhưng chỉ thu hoạch được 200 kg. "Năm nay thấy lũ lên nhanh nên tôi vội đầu tư 6 triệu đồng để mua thuốc phun cho lúa chín sớm nhưng cũng không kịp" - bà Non nói như khóc.
Về việc diện tích lúa ngoài đê bao bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lên nhanh, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, giải thích cùng kỳ năm rồi, nông dân trong xã xuống giống 120 ha lúa ngoài đê bao nhưng may mắn "ăn chắc". Năm nay, địa phương khuyến cáo không nên xuống giống ngoài đê bao nhưng bà con vẫn lét lút gieo sạ 70 ha. Khi lũ về sớm bất ngờ, hầu hết trở tay không kịp, mất trắng hoàn toàn.
Dồn sức khắc phục
Toàn xã gieo sạ 6.997 ha lúa nhưng có hơn 2.100 ha bị ngập úng nên Mỹ Thái là 1 trong 4 xã của huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có diện tích lúa bị ngập úng nặng bởi ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày qua. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái 1, thừa nhận phần nhiều diện tích lúa bị ngập úng là do không có đê bao khép kín, nhiều diện tích trồng ngoài đê bao nên địa phương kiến nghị các ngành chức năng sớm có đê bao hoặc gia cố những bờ bao đã hư hỏng để lúa không bị ngập úng.
Theo ông Đào Xuân Nha, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng bờ bao cho các vùng ngập úng. Ngoài ra, huyện cũng đang huy động phương tiện máy móc, thiết bị hiện có trong dân để bơm thoát nước cho các khu vực ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - nhận định còn nhiều diện tích chưa thu hoạch thuộc khu đê bao 3.200 ha ở 3 xã cù lao Long Phú Thuận. Đây là khu đê bao bảo vệ lúa, rau màu và được kiên cố hóa bằng hệ thống đường nhựa. Tuy nước lũ rất khó uy hiếp khu vực này nhưng do mưa quá lớn trong mấy ngày qua nên phải huy động hệ thống máy bơm tiêu thoát nước để tránh ngập úng. "Huyện đang vận động bà con tranh thủ thu hoạch sớm hơn 100 ha lúa tại khu 1 của xã Thường Phước 1 để tránh lũ vì hệ thống đê bao ở đây chưa chắc chắn. Đây là những diện tích lúa xuống giống trễ so với lịch thời vụ" - ông Buôn nói.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết đã đề nghị UBND các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và TP Rạch Giá tập trung vận động nhân dân chấp hành tốt lịch gieo sạ, chủ động đắp đập, bờ bao, máy bơm... bảo đảm ngăn lũ, bơm thoát nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo tình hình và diễn biến mưa lũ thực tế, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó, bảo vệ cây trồng, tránh thiệt hại, kịp thời khắc phục những hậu quả do mưa bão gây ra.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho vụ hè thu và thu đông, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch xả lũ đầu nguồn tại 2 đập tràn Trà Sư và Tha La nhằm kiểm soát lũ, lưu lượng nước đổ về vùng Tứ giác Long Xuyên, kết hợp vận hành hợp lý hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi trọng yếu trong vùng lũ...
Bắp, mè cũng bị thiệt hại
Ông Dương Văn Tỷ (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết dù năm nay, gia đình ông xuống giống gần 3 ha bắp và mè sớm hơn năm ngoái đến hơn nửa tháng nhưng cũng không thu hoạch kịp vì nước lũ lên quá nhanh. "Cây bắp chết, hạt còn non thì chỉ còn cách duy nhất là năn nỉ người chăn nuôi cắt về cho bò ăn. Nếu cố gắng thu hoạch thì số tiền bán bắp cũng không đủ bù chi phí thuê người hái, tách hạt" - ông Tỷ phân tích.
Gần đó, hộ anh Nguyễn Văn Lĩnh trồng 1 công mè và chỉ còn 15 ngày nữa là thu hoạch nhưng đã bị ngập nước. Tiếc công sức bỏ ra, anh thuê nhân công thu hoạch rồi dùng xuồng đưa hạt mè qua bên bờ kênh phía đối diện để phơi với hy vọng giảm lỗ.
Người lao động