Lựa chọn nào cho nhà máy đường còn lại ở ĐBSCL?
Hậu Giang, thủ phủ mía ở ĐBSCL, trước đây có 3 nhà máy đường nhưng hiện chỉ còn 1 nhà máy hoạt động và nhà máy này cũng đang “hấp hối” vì “đói” mía.
- 22-12-2020Ngành mía đường: Mức thuế PVTM như thế nào là hợp lý?
- 10-12-2020Thái Lan đang làm gì để bảo hộ ngành mía đường?
- 05-12-2020Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?
Thu hoạch mía ở Hậu Giang Ảnh: C.K
Nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho hay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) thông báo ngưng tiếp nhận mía và kết thúc vụ sản xuất 2020-2021 từ 0 giờ ngày 5/1/2021. Nhà máy Đường Phụng Hiệp của CASUCO cũng là nhà máy duy nhất hiện còn hoạt động tại Hậu Giang và là một trong 3 nhà máy còn hoạt động ở vùng ĐBSCL (trước đây toàn vùng có 10 nhà máy).
Đối với các vùng mía xa, công ty đã có thông báo đôn đốc bà con thu hoạch xong trong tháng 12/2020. Dự báo, sản lượng mía ép cả vụ sẽ không tới 90.000 tấn, chưa bằng 50% của vụ 2019-2020 (206.000 tấn) và chưa bằng 10% của vụ 2016-2017 hay vụ 2017-2018. Thông thường, tháng 4 mới là thời điểm kết thúc vụ sản xuất của nhà máy đường, nhưng hiện đã hết mía.
"Mấy ngày gần đây, mía về không đủ ép, nhà máy phải dừng 3 ngày rồi chạy 3 ngày do nguồn mía cạn kiệt", nguồn tin nói. Những người làm mía đường lo lắng vụ tới liệu có được 50.000 tấn, nếu đủ số này thì cũng chỉ sản xuất được 1 tháng.
Ngày 31/12/2020, CASUCO tổ chức đại hội cổ đông thường niên nhưng chưa có kế hoạch sản xuất cho vụ tới. Ý kiến của các cổ đông được chia ra hai nhóm khác nhau. Một bên muốn tiếp tục duy trì sản xuất, hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách để đường nội có giá tốt so với đường ngoại nhập. Trong khi bên còn lại không đồng tình vì cho rằng, nếu tiếp tục sản xuất sẽ lỗ bởi không đủ nguồn mía nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Những năm gần đây, giá mía bấp bênh, trong khi giá thành sản xuất cao, người dân bỏ mía, diện tích mía giảm dần qua từng năm và niên vụ 2019-2020 chỉ còn khoảng 5.400ha. Mặc dù năng suất ổn định nhưng chi phí sản xuất cao nên người trồng mía vẫn không có lãi.
Tại cuộc giao ban báo chí quý IV/2020 gần đây, đại diện Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, cây mía đã bị loại ra khỏi danh sách nông sản chủ lực của tỉnh.
Tiền phong