Lừa đảo trực tuyến lại tiếp diễn
Việc nhẹ, lương cao, chỉ cần ngồi máy tính cầm điện thoại ấn like để nhận thù lao… lừa đảo trên mạng lại bùng nổ.
- 26-06-2023Tắt điện thoại 5 phút mỗi ngày: Vì sao chuyên gia kêu gọi mọi người làm ngay điều này?
- 26-06-2023Đối phó với nạn tin giả, Australia cảnh báo sẽ phạt nặng các 'gã khổng lồ’ công nghệ
- 26-06-2023Malaysia sẽ có biện pháp mạnh với Meta
Anh Trần Thanh Luân (32 tuổi, quê Nam Định) cho biết, trong 5 năm qua, anh làm công việc bán hàng bất động sản, bao nhiêu mồ hôi nước mắt anh mới tiết kiệm được 1 tỷ đồng thì bị mất trắng vì làm cộng tác viên cho 1 nhóm đặt hàng online có tên Lazada (nhóm lừa đảo bán hàng lấy tên Lazada ).
Anh Luân đưa ra tin nhắn từ nhóm Lazada Customer Service: “Thành viên thân mến, chúng tôi luôn đặt danh dự và uy tín cũng như lợi ích của thành viên hệ thống lên hàng đầu trong suốt 11 năm hoạt động. Sau khi bạn hoàn thành đơn hàng bổ sung cuối cùng chúng tôi sẽ hoàn trả toàn bộ tiền hàng và hoa hồng cho bạn. Nếu chúng tôi không thực hiện cam kết, các bạn có thể kiện công ty chúng tôi là Công ty TNHH Recess - trụ sở chính tại lầu 19, 20 Saigon Centre, 67 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh”; “Khi bạn không hoàn thành nhiệm vụ, toàn bộ tiền hàng và hoa hồng của bạn sẽ bị đóng băng vĩnh viễn như khoản phí phạt vì gây tổn thất không đáng có cho người ký gửi nhiệm vụ”.
Theo lời tường thuật lại của anh Luân: Một người có tên Nguyễn Phước Khang đã chủ động kết bạn zalo và làm quen. Sau một thời gian nói chuyện, người này chủ động nhờ anh Luân đặt hộ một đơn hàng qua mạng, dần dần, người này kể về việc kiếm tiền của mình cho anh Luân và nói anh tham gia cùng, vừa có thêm thu nhập mà lại nhàn rỗi.
Bước tiếp theo người có tên Nguyễn Phước Khang giao công việc cho anh Luân. Theo đó, anh Luân đặt đơn hàng online trên mạng, hoàn thành việc thanh toán, chụp màn hình gửi Khang thì được Khang hoàn trả lại số tiền gốc cùng với một khoản hoa hồng. Cứ thế, anh Luân nghe theo lời Khang và tiến hành đặt liên tiếp 3, 4 đơn hàng. Trong 3, 4 lần này, Khang vẫn hoàn trả tiền gốc và tiền hoa hồng cho anh Luân đầy đủ.
“Vì mình cũng muốn kiếm tiền nên đã mụ mị làm theo, đến đơn hàng thứ 5, Khang giao cho tôi đặt một đơn hàng là chiếc tivi có giá hơn 300 triệu đồng” - anh Luân kể và cho biết, khi vừa hoàn thành đơn hàng và chụp màn hình gửi thì anh lại nhận được tin nhắn thông báo đơn hàng vừa hoàn thành bị chậm 10 phút. Vui lòng nộp thêm tiền vào tài khoản dưới đây để nhận lại tiền gốc và hoa hồng.
“Lần này mình mới vỡ lẽ là bị lừa và nhắn tin liên tiếp để đòi lại tiền thì nhận được tin nhắn như trên. Thực ra, tất cả là tin nhắn hệ thống tự động do các đối tượng lừa đảo cài đặt. Tất cả khoản tiền tích cóp đã mất hết, không còn gì nữa” - anh Luân nói.
Sau khi bị lừa, anh Luân đã đến Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) trình báo vụ việc, sau đó anh vào các hội nhóm tìm hiểu thì biết rằng, có rất nhiều người bị lừa như mình nhưng không ai tố giác vì sợ và xấu hổ.
Nhiều người dân cũng cho biết, họ thường xuyên nhận được điện thoại với lời giới thiệu từ các công ty truyền thông, công ty đang có dịch vụ nhận tăng like, tăng view cho các sản phẩm, phim ảnh. Chỉ cần đồng ý nhận việc và làm theo hướng dẫn sẽ nhận được tiền....
Theo khuyến cáo của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), nạn lừa đảo trực tuyến đã được cảnh báo rất nhiều, song tình trạng này vẫn tiếp diễn. Nhiều vụ việc thiệt hại đến cả trăm triệu đồng.
Nổi bật nhất là các vụ lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, đặc biệt khi các đối tượng lừa đảo chuyển dịch “địa bàn” hoạt động từ Zalo sang Telegram. Với mạng Telegram, chúng có thể dễ dàng lập các group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Với thiết kế của Telegram, khi bị phát hiện, các đối tượng có thể nhanh chóng thu hồi các tin nhắn, hình ảnh, xóa group để không bị truy dấu vết.
Các vụ tấn công lừa đảo bằng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn SMS brandname có dấu hiệu chuyển dịch địa bàn hoạt động ra các vùng ngoại thành của các thành phố lớn để lẩn tránh sự truy quét của các lực lượng chức năng. Tuy hình thức và nội dung giả mạo không có yếu tố mới nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa.
Ngoài ra, các vụ việc tấn công mã hóa dữ liệu sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, người dùng cần trang bị các giải pháp sao lưu dữ liệu an toàn, sử dụng các phần mềm an ninh mạng có khả năng chống mã hoá dữ liệu để bảo vệ cho máy tính, máy chủ.
Giới chuyên gia đưa ra lời khuyên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đối với người lao động, để tìm kiếm việc làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ về công ty, đơn vị, doanh nghiệp mà mình dự kiến xin vào, tìm hiểu tính chất công việc, vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó. Tìm hiểu, kiểm tra pháp nhân của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, chế độ, quyền lợi cách thức ký hợp đồng..., tìm hiểu rõ ràng, minh bạch rất quan trọng để tránh bị lừa đảo.
Bên cạnh việc nâng cao cảnh giác, người dân cũng đang rất mong chờ các biện pháp mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan quản lý như khóa sim rác, khóa tài khoản ngân hàng rác giúp sớm dẹp vấn nạn lừa đảo, mang lại sự trong sạch cho môi trường mạng.
So với năm 2022, các cuộc lừa đảo bằng cuộc gọi qua Zalo, Facebook Messenger ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện của công nghệ Deepfake khiến cho các nạn nhân dễ bị mắc lừa vì được mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, những đối tượng lừa đảo còn giả mạo cả công an khiến cho nạn nhân không biết đâu là thật, là giả.
Đại đoàn kết