MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa gạo trúng mùa được giá

09-10-2020 - 15:27 PM | Thị trường

“Sản xuất trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa cao có lợi cho nông dân, xuất khẩu gạo ổn định…” – Cục Trồng trọt cho hay tại Hội nghị sơ kết vụ Thu Đông, triển khai vụ Đông Xuân vùng Nam Bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 9/10 tại Cần Thơ.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, vụ lúa Thu Đông 2020, vùng ĐBSCL gieo sạ 800,5 nghìn ha, tăng 76 nghìn ha; năng suất ước đạt 55,0 tạ/ha, tăng 0,13 tạ/ha và sản lượng đạt 4,40 triệu tấn, tăng 429 nghìn tấn so vụ Thu Đông 2019.

Diện tích tăng chủ yếu ở các tỉnh vùng thượng nguồn do năm nay lũ về muộn, lũ nhỏ và giá bán lúa thương phẩm cao, việc mở rộng diện tích thuận lợi. Tiến độ thu hoạch ước đến ngày 10/10 đạt 300 nghìn ha; năng suất đạt 55,25 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,26 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 1,6 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, giá bán lúa tươi trung bình cho nhóm lúa chất lượng cao và chất lượng trung bình biến động từ tháng 7-9/2020 ở mức 6.000-6.300 đồng/kg, nông dân có lãi từ 2.479-2.779 đồng/kg, trung bình 1ha lúa đạt 6 tấn, dân có lãi trên 15 triệu đồng/ha.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) gạo tháng 9/2020 đạt gần 406.000 tấn, kim ngạch gần 202 triệu USD, giảm 15,35% về lượng và giảm 3,89% về giá trị so với tháng 9/2019. Tuy nhiên, tổng 9 tháng đầu năm 2020, XK gạo đạt hơn 5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,46 tỷ USD, giảm 0,96% về lượng nhưng tăng 11,41% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong hoạt động XK gạo là cơ cấu chủng loại đã và đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm (chiếm 27,33% trong tỷ trọng tổng lượng gạo XK 7 tháng đầu năm 2020), gạo Japonica (chiếm 3,69%), gạo nếp (chiếm 10,13%).

Cả năm 2020, Nam Bộ sản xuất lúa ước đạt hơn 4,3 triệu ha (giảm 31,5 nghìn ha), năng suất ước đạt 60,09 tạ/ha (tăng 0,75 tạ/ha) và sản lượng ước đạt hơn 25,8 triệu tấn (tăng 134 nghìn tấn so với năm 2019). Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 4 triệu ha (giảm 27,6 nghìn ha), năng suất ước 60,50 tạ/ha (tăng 0,76 tạ/ha) và sản lượng đạt hơn 24,4 triệu tấn (tăng 140 nghìn tấn).

Lúa gạo trúng mùa được giá - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. ẢNH: CK

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống 1.550.000ha (tăng 3.500ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020), năng suất 70,34 tạ/ha (tăng 1,17 tạ/ha), sản lượng hơn 10,9 triệu tấn(tăng 205.600 tấn).

Theo phân bố diện tích có khả năng ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn, các tỉnh ven biển có khoảng 937 nghìn ha, chiếm 60% diện tích lúa Đông Xuân toàn vùng. Trong đó, diện tích có khả năng bị ảnh hưởng nếu tình hình khô hạn xảy ra như Đông Xuân 2015-2016 là khoảng 55 nghìn ha.

Ngoài ra, nếu việc xâm nhập sớm, sâu và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và cho vườn cây ăn trái.

Dự kiến xuống giống trong tháng 10 là 335 nghìn ha, sẽ thu hoạch vào tháng 1/2021 (khoảng nửa tháng 12 âm lịch), ước sản lượng khoảng 2,4 triệu tấn lúa, tương đương 1,2 triệu tấn gạo cần được tiêu thụ. 

Tổng cục Thủy lợi cho hay, tại ĐBSCL từ tháng 6-8/2020, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 10%, từ cuối tháng 8 đến nay ở mức thấp hơn từ 10-30% so với TBNN.

Dự báo lũ năm 2020 đến muộn và ở mức thấp, đỉnh lũ đầu nguồn tại Tân Châu ở mức 2,3-2,5m (dưới mức BĐ1), thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào 18-20/10. Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về ĐBSCL thiếu hụt so với TBNN, khả năng xâm nhập mặn đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020 và sẽ cao hơn, gay gắt hơn so với TBNN.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, mùa khô 2020-2021 có thể xảy ra 2 kịch bản. Thứ nhất, mưa trên lưu vực sông Mekong xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế, khả năng xảy ra xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức nghiêm trọng, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016.

Kịch bản thứ hai, mưa trên lưu vực sông Mekong tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, có thể tương đương năm 2019-2020.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, ngành lúa gạo từ đầu năm đến nay đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, XK ấn tượng, giá gạo XK bình quân đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ và nhiều năm mới đạt được.

“Chưa bao giờ từ đầu năm đến nay, giá lúa, giá gạo ổn định như vậy” – ông Doanh nói và cho biết có những nguyên nhân trong đó chúng ta đã sản xuất căn cơ hơn, đáp ứng thị trường, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, sâu bệnh ít, chi phí giảm, liên kết tăng cường hơn…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, dự báo sắp tới hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng, do vậy, theo kinh nghiệm, phải đẩy sớm lịch thời vụ hơn, các địa phương cần quyết liệt, ưu tiên giống lúa ngắn ngày và chịu hạn mặn tốt hơn...

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên