MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa rớt giá, nông dân và doanh nghiệp cùng “ngồi trên lửa”

08-10-2016 - 07:32 AM | Thị trường

Thị trường xuất khẩu trầm lắng khiến giá lúa tại ĐBSCL rớt mạnh trong những ngày qua.

Nông dân trồng lúa đang rất lo lắng vì lúa thu hoạch xong không có người mua, trong khi giá lúa cứ giảm dần.

Giá lúa giảm nhanh

Nhiều nông dân tại Kiên Giang hiện đang kêu trời vì giá lúa giảm mạnh.

Ông Phạm Công Danh (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành) trồng 10ha lúa chất lượng cao OM 4900, cho biết lúa tươi được thương lái mua tại ruộng hiện chỉ 4.200-4.300 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước.

Không chỉ rớt giá, việc tiêu thụ cũng khó khăn. “Nhà tui còn tồn khoảng 4 tấn lúa khô nhưng kêu bán hai tuần nay chẳng có thương lái nào mua” - ông Danh nói.

Tương tự, nhiều nông dân tại An Giang cũng đứng ngồi không yên khi giá lúa rớt mạnh tại thời điểm thu hoạch lúa vụ ba.

Ông Lê Văn Tiết (xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) cho biết các thương lái chỉ đưa ra giá 4.500-4.600 đồng/kg, giảm 200-300 đồng/kg so với gần nửa tháng trước.

“Nhiều ruộng lúa khác còn hơn tháng nữa mới vào vụ, không biết giá cả thế nào, ai nấy đều phân vân” - ông Tiết 
lo lắng.

Một số thương lái chuyên mua lúa tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... xác nhận giá lúa vừa qua giảm rất mạnh vì các doanh nghiệp không mặn mà mua vào.

Ông Huỳnh Ngọc Chuyển, một thương lái, liệt kê cụ thể từng giống lúa bị rớt giá như lúa thường (IR 50404) giá chỉ còn 3.800-4.000 đồng/kg tùy vùng; lúa thơm giá cao nhất cũng chỉ được 5.000-5.100 đồng/kg, giảm bình quân 400-500 đồng/kg so với cùng kỳ 2015.

Chưa kể vùng bị ngập nhiều như Kiên Giang giá mua còn thấp hơn. Giống lúa RVT ở Sóc Trăng, Trà Vinh còn giảm mạnh hơn, năm 2015 bình quân 7.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 5.200 đồng/kg, gồm chi phí vận chuyển từ ruộng ra.

“Theo tụi tôi nắm tình hình, năm nay phải gần cuối tháng 10 dương lịch mới xuất gạo đi được. Trong khi mọi năm từ tháng 8, tháng 9 là các doanh nghiệp lớn đã thu gom rất mạnh. Thời điểm này chỉ còn lúa nếp là có giá khoảng 6.000 đồng/kg nhưng mặt hàng này chủ yếu xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc nên giá cả không thể đoán trước” - ông Chuyển nhận định.

Doanh nghiệp cũng khổ

Nếu như nông dân trồng lúa đang đứng ngồi không yên thì các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cũng sốt ruột không kém. Gần hai tháng qua, kể từ sau khi VN trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines, thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng, các doanh nghiệp thiếu các hợp đồng mới.

Ông Phạm Hoàng Lâm, tổng giám đốc Công ty lương thực Hưng Lâm (An Giang), cho biết thị trường xuất khẩu gạo đang rất yếu vì không có các hợp đồng lớn. Cả tháng nay các doanh nghiệp chào bán gạo mà hầu như không có khách đặt mua.

“Hiện chỉ còn một số đơn hàng gạo thơm bán cho Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều” - ông Lâm cho biết.

Ông Lâm Định Quốc, giám đốc một công ty xuất khẩu gạo tại Sóc Trăng, nhận định các thị trường truyền thống như Trung Quốc và Malaysia giảm mạnh lượng mua khiến tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm có thể còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện lượng tồn kho của các doanh nghiệp cao hơn lượng hợp đồng đã ký khoảng 200.000 tấn nên doanh nghiệp cũng không vội mua vào.

Ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, nêu các thị trường truyền thống của VN như Philippines, Indonesia, Malaysia đều thay đổi cách thức mua gạo so với trước đây, chuyển cho khu vực tư nhân đấu thầu mua gạo thay vì các hợp đồng chính phủ như trước.

Điều đó tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, ngoài Thái Lan và Ấn Độ, VN đang phải ngày càng cạnh tranh với các nhà xuất khẩu mới như Campuchia, Myanmar.

Sẽ xuất khẩu lúa gạo sang Canada

Theo ông Trần Anh Thư - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, trước tình hình hiện nay, lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cần phải tính toán lại chiến lược sản xuất và xuất khẩu.

Theo ông Thư, với loại gạo cấp thấp nếu có thị trường ổn định cần tiếp tục duy trì, nhưng phải áp dụng khoa học kỹ thuật làm giảm giá thành sản xuất để nông dân vẫn có lợi nhuận tương đối.

Bên cạnh đó, VN nên tập trung phát triển giống lúa thơm đặc sản, đầu tư kỹ thuật canh tác và công nghệ chế biến để cho ra loại gạo cạnh tranh hơn với giá bán khoảng 600 USD/tấn.

Ông Phạm Hoàng Lâm cũng đề nghị VN không nên tập trung xuất khẩu các loại gạo theo tỉ lệ tấm như hiện nay mà nên định hướng mạnh xuất khẩu gạo cao cấp và gạo đặc sản.

Để xuất khẩu vào các thị trường cao cấp thì doanh nghiệp phải gắn với nông dân để đảm bảo nguồn lúa gạo chất lượng cao, theo quy trình sản xuất sạch để xuất khẩu ổn định và lâu dài.

“Chúng tôi vừa ký hợp đồng với khách hàng Canada. Dù số lượng ban đầu không nhiều nhưng họ yêu cầu chất lượng cao và sẽ mua ổn định cả năm. Để đảm bảo hợp đồng này, chúng tôi phải đầu tư sâu hơn vào vùng nguyên liệu cho ra sản phẩm chất lượng cao” - ông Lâm nêu hướng đi mới.

Mới xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của VN trong chín tháng đầu năm đạt 3,76 triệu tấn với giá trị 1,69 tỉ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN với 1,18 triệu tấn, giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh khác là Philippines (67,4%), Malaysia (43,3%), Singapore (35,7%), Đài Loan (14,1%)...

Theo Trần Mạnh - Đức Vịnh - Khoa Nam

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên