Luật đấu thầu không phải 'vòng kim cô'
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đề xuất mở rộng hay thu hẹp đối tượng áp dụng đấu thầu có hai luồng ý kiến khác nhau.
- 25-05-2023Thành phố có ít phường nhất Việt Nam
- 24-05-2023Mức độ đắt đỏ của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi như thế nào từ 2015 đến nay?
“Buộc chặt” là làm khó doanh nghiệp
Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Qua thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, thực tế nhiều DNNN thành lập các pháp nhân, công ty con phục vụ sản xuất kinh doanh. Qua tổng hợp số liệu khảo sát đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%; 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con. “Với quan điểm, nơi đâu sử dụng vốn ngân sách thì phải có cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cần cơ chế đấu thầu để công khai, minh bạch”, đại biểu Hà nêu.
Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty con của DNNN, bởi nếu mở rộng thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng, phạm vi rất rộng. Điều này có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) khẳng định, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp nêu trên.
“Dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay”.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
“Bấm nút” tranh luận lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, không phải xây dựng Luật Đấu thầu để tạo ra “vòng kim cô”, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. “Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác, có thể chỉ ký 5-10% vốn của DN kia mà phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết. Ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý, chứ không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tham nhũng, tiêu cực”, ông Nghĩa nêu.
Cần xác định giá gói thầu ngay trong luật
Đề cập đến “giá gói thầu”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng, thời gian qua, những vi phạm chủ yếu trong mua sắm đấu thầu chính từ giá gói thầu. Quy định về điều này đang tồn tại nhiều bất cập. Theo bà Hà, một trong các phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá, phương thức này đang mâu thuẫn với dự thảo Luật Giá sửa đổi. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này”, bà Hà nêu.
“Nếu chúng ta quản lý chặt quá thì mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, lại ách tắc, lại sửa như nhiều lần chúng ta đã làm. Nhưng nếu làm lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Về chỉ định thầu, đại biểu Nhị Hà cho rằng, cụm từ “cần triển khai ngay” được quy định từ Luật Đấu thầu 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do “cần triển khai ngay” đã bị xác định vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. “Vì vậy, khái niệm khi nào cần triển khai ngay phải được cụ thể hóa”, bà Hà kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị làm rõ quy định về phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Nếu bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư…thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh hay không? Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.
Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo xác định đây là một trong các luật khó, không chỉ trong quan điểm chính sách mà còn kỹ thuật pháp lý. Làm sao vừa phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc phát sinh, tháo gỡ được trong quá trình thực hiện nhưng lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đâu là điểm cân bằng của hai việc này là vấn đề rất khó.
“Nếu chúng ta quản lý chặt quá thì mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, lại ách tắc, lại sửa như nhiều lần chúng ta đã làm. Nhưng nếu làm lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, thành vòng luẩn quẩn”, ông Dũng nói thêm.
Tiền Phong