MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật hóa xử lý nợ xấu: Đảm bảo dòng vốn thông suốt

14-08-2021 - 14:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Luật hóa xử lý nợ xấu: Đảm bảo dòng vốn thông suốt

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị phải có sự vào cuộc tích cực đóng góp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để cùng với NHNN sớm hoàn tất báo cáo lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp Quốc hội năm sau. Theo đó, mới có thể thông qua luật trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

Cần thiết phải "luật hóa"

Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Quan sát báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của hơn 20 ngân hàng niêm yết có thể thấy, tuy tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm, nhưng nợ nhóm 4, 5 (nhóm nợ có nguy cơ mất vốn cao) gia tăng. Chưa kể nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng do các ngân hàng vẫn đang được áp dụng Thông tư 03. Trong khi tác động của đợt dịch lần này rất phức tạp diễn ra trên diện rộng, nguy cơ nợ xấu gia tăng nhanh là hiện hữu.

Luật hóa xử lý nợ xấu: Đảm bảo dòng vốn thông suốt - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhanh rủi ro nợ xấu của các ngân hàng

"Mặc dù các ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng trong nửa đầu năm, nhưng nguy cơ nợ xấu do Covid-19 là rất lớn. Trong khi đó, lợi nhuận ngân hàng có hạn và không thể trích lập dự phòng rủi ro kịp thời nếu nợ xấu diễn biến quá nhanh. Thậm chí không loại trừ khả năng nợ xấu trong tương lai còn lớn hơn nợ xấu trong quá khứ", một chuyên gia ngân hàng bày tỏ quan ngại.

Lường trước nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra, nhất là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ví là bảo bối xử lý nợ xấu cho các ngân hàng chỉ còn một năm nữa là hết hiệu lực, NHNN đã đề nghị "luật hóa" các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu. Rõ ràng là NHNN có lý do để lo ngại, bởi khi hết hiệu lực, toàn bộ cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425,40 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể dẫn đến tình trạng: Các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19 sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, trong khi các TCTD thiếu cơ chế để xử lý nợ xấu. Vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm với thời hạn 5 năm, trong khi còn nhiều vấn đề tồn đọng trong quá trình triển khai chưa được giải quyết. Chưa kể, quy định một số luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD.

Hiện tranh chấp tài sản đang là vấn đề phức tạp nhất, gây khó khăn nhất đối với các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ nếu không có quy định rõ ràng. Thế nhưng hiện chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định TSBĐ nào đang tranh chấp khi xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42.

"Trách nhiệm người vay rất kém. Nợ không trả được khi xử lý TSBĐ tìm mọi cách trì hoãn gây khó khăn, thậm chí tạo ra sự tranh chấp giả mạo để không phải xử lý TSBĐ. Trong khi hành lang pháp lý bảo vệ người cho vay thì yếu, nên đi thu hồi nợ rất khó khăn. Cho nên việc luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu là rất phù hợp, cần thiết trong hoạt động nền kinh tế chung chứ không chỉ riêng ngành Ngân hàng. Việc có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ mong muốn có công cụ rõ ràng, quyết liệt hơn để xử lý, thu giữ TSBĐ. Thời điểm này, các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, việc thu giữ TSBĐ, đặc biệt là các khu vực đang bị phong tỏa hoặc có người bị cách ly phải tập trung phòng, chống dịch nên chưa xác nhận, hỗ trợ ngân hàng trong việc thu giữ TSBĐ. "Chúng tôi lo ngại sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan công an tham gia chứng kiến, việc thu giữ TSBĐ của ngân hàng gặp khó, chậm tiến độ", vị này bày tỏ lo ngại.

Luật phải bao quát tổng thể nền kinh tế

Ủng hộ việc luật hóa quy định xử lý nợ xấu, nhưng một chuyên gia lâu năm làm việc trong Ngành cho rằng, không nên chỉ căn cứ vào quy định cũng như những vướng mắc phát sinh trong phạm vi bó hẹp của ngân hàng tại Nghị quyết 42 để xây dựng khung Luật Xử lý nợ xấu. Thay vào đó phải nhìn trên bối cảnh tổng thể của nền kinh tế để xây dựng luật. "Muốn nâng tầm lên thành Luật Xử lý nợ xấu, NHNN với vai trò cơ quan tham mưu, cần phối hợp các bộ, ngành khác để rà soát các bộ luật liên quan, đánh giá kỹ những yếu tố, quy định và cả tác động của nó trong dài hạn. Có như vậy, luật mới ban hành sẽ mang tính tổng thể, bao quát được các vấn đề, không xảy ra tình trạng thiếu hụt các quy định", vị này chia sẻ quan điểm.

Đối với vấn đề xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cũng đồng tình cho rằng, mặc dù thời điểm này Chính phủ đang rất bận rộn với các chính sách kiểm soát dịch, duy trì hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng việc đưa ra lấy ý kiến xây dựng Luật Xử lý nợ xấu thời điểm này là rất phù hợp, không thể đợi khi Nghị quyết 42 gần hết hiệu lực mới làm được. Vì không như nghị quyết, để xây dựng luật cần phải nghiên cứu rất cẩn trọng, kỹ càng cũng như bao quát các vấn đề liên quan đến các bộ luật khác tránh chồng chéo. Ông cũng đề nghị phải có sự vào cuộc tích cực đóng góp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để cùng với NHNN sớm hoàn tất báo cáo lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp Quốc hội năm sau. Theo đó, mới có thể thông qua luật trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

"Khi luật hóa các quy định rõ ràng, cụ thể hơn giúp cho việc xử lý nợ xấu khả thi, hiệu quả hơn", TS. Hiếu nhấn mạnh và lưu ý hai vấn đề cần phải quy định rõ ràng gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Một là, quy định thu giữ và quyền xử lý TSBĐ của các ngân hàng được đảm bảo. Đây là khâu vướng mắc nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất giúp cho các ngân hàng nhanh chóng xử lý TSBĐ, sớm thu hồi vốn, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Hai là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để sàn giao dịch mua bán nợ xấu vận hành thông suốt. Vì sàn mua bán nợ chưa có tiền lệ nên nếu không có quy định rõ ràng rất khó cho VAMC cũng như các chủ thể tham gia "sân chơi" này.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên