MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư nói gì về việc doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ không lương vì Covid-19?

03-03-2020 - 16:08 PM | Thị trường

Theo luật sư để có thể xác định việc làm của doanh nghiệp có phù hợp với quy định của pháp luật hay không thì cần phải tìm hiểu người lao động được cho nghỉ việc thuộc trường hợp lao động theo hợp đồng hay lao động theo thời vụ.

Mới đây, 1 khách sạn tại khu vực phố cổ đã tạm thời cho nhân viên (người lao động) nghỉ làm trong 4 tháng, và hỗ trợ lương thất nghiệp 1,5 triệu đồng/tháng, được thanh toán vào thời điểm đi làm lại; đối với người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì chi trả 4 triệu đồng/tháng, không phân biệt chức vụ.

Một số luật sư cho biết, giải pháp của doanh nghiệp là thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm với người lao động, nhưng mức lương hỗ trợ mà doanh nghiệp đưa ra chưa thực sự phù hợp với các quy định của pháp luật.

Luật sư nói gì về việc doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ không lương vì Covid-19? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước vấn đề này, luật sư Lê Văn Tú thuộc Công ty Luật Lê và Liên Danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đầu tiên, cần phải xác định người lao động được cho nghỉ việc thuộc trường hợp lao động theo hợp đồng hay lao động theo thời vụ.

"Đối với trường hợp người lao động được cho nghỉ việc là người làm việc theo hợp đồng, thì cần phải xác định việc người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ việc này thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hay ngừng việc.

Nếu lý do người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ việc trong thời gian 04 tháng trên thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do 2 bên thỏa thuận theo quy định tại khoản 5 Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2012 thì việc thỏa thuận tạm hoãn này phải được lập thành biên bản. Và về nguyên tắc, người sử dụng lao động không phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động. Như vậy, đây là việc làm đúng với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ việc vì lý do bất khả kháng như dịch bệnh nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012. Việc làm này của doanh nghiệp là đúng với pháp luật. Tuy nhiên, cần phải biết rằng, hiện nay mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về dịch virus COVID - 19, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất kỳ công bố nào về tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh này. Do đó, trong trường hợp này, việc người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ việc là chưa đúng với quy định của pháp luật".

Luật sư Tú cho biết thêm, "đối với trường hợp người lao động được cho nghỉ việc là người làm việc theo mùa vụ và lý do người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng làm việc là do lý do bất khả kháng theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 thì việc chấm dứt hợp đồng lao động này là đúng với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào với người lao động, khoản tiền 1.500.000 đồng/tháng là chi phí ngoài, hỗ trợ thêm của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Đối với tiền lương hỗ trợ thất nghiệp mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động thì theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng 2020, mức lương tối thiểu tại thành phố Hà Nội là 4.420.000 đồng/ tháng, do đó, mức lương 1.500.000 đồng/tháng mà khách sạn này thanh toán cho người lao động sau khi đi làm lại và 4.000.000 đồng/ tháng đối với người lao động vẫn tiếp tục làm việc là chưa phù hợp với quy định pháp luật".

Do đó, để có thể bảo đảm quyền lợi, theo luật sư người lao động có thể tự mình hoặc nhờ đến sự trợ giúp của công đoàn hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại nơi mình làm việc, hoặc công đoàn cấp trên (nếu nơi người lao động làm việc không có tổ chức công đoàn) để khiếu nại với người sử dụng lao động, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngoài ra, người lao động có thể nhờ đến sự tư vấn của các luật sư để bảo đảm quyền lợi cho mình. 

Minh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên