Lực bán lớn tạo sức ép lên thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán thiếu động lực đi lên. Ảnh: Gia Huy
Áp lực cung tương đối lớn trong khi cầu vẫn ở trạng thái thận trọng đã khiến thị trường chứng khoán trải qua những phiên giao dịch không có nhiều thuận lợi, VN-Index theo đó cũng đã lùi về mức 1.154 điểm.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua chuỗi ngày sóng gió khi liên tục giảm mạnh xuyên "thủng" hàng loạt ngưỡng hỗ trợ. VN-Index kết thúc tháng 9/2023 ở mức 1.154,15 điểm, giảm 69,9 điểm (tương đương 5,71%) so với tháng 8 cùng hàng loạt cổ phiếu giảm sâu. Dù vậy, con số này vẫn cải thiện nhiều nếu so với mức 1.043 điểm hồi đầu năm và nếu xét theo quý, VN-Index vẫn kết thúc quý III tăng 3,03% so với quý II/2023, đồng thời duy trì 3 quý liên tiếp phục hồi tăng điểm.
Theo thống kê từ FiinTrade, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên 3 sàn đạt 24.444 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước, tăng 44,8% so với trung bình 5 tháng và tăng 76,4% so với trung bình 10 tháng. Giá trị giao dịch bình quân này hiện chỉ thấp hơn 11% so với thanh khoản giai đoạn VN-Index lập đỉnh.
Tuy nhiên trong 3 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2023, thanh khoản bình quân trên 3 sàn ở mức khá thấp đạt 18.634 tỷ đồng, giảm gần 50% so với mức cao nhất trong tháng và giảm 30% so với bình quân tháng. Trong khi đó giảm gần 8% so với vùng đỉnh gần nhất. Điều này cho thấy áp lực cung tương đối lớn trong khi cầu vẫn ở trạng thái thận trọng.
Trong tháng 9/2023, áp lực chốt lời xuất hiện ở hầu hết các ngành chủ chốt như bất động sản, chứng khoán, thép, ngân hàng sau chuỗi tăng điểm diễn ra trong nhiều tháng, khiến chỉ số giá các ngành cùng giảm điểm. Ngoại trừ chứng khoán và thép, các ngành còn lại không thu hút được thêm dòng tiền vào.
Trong khi đó, một số ngành có quy mô vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng điểm mạnh trong tháng 9/2023, được hỗ trợ bởi thanh khoản cải thiện tích cực, bao gồm vận tải thủy, cảng biển, hóa chất, dệt may, bán lẻ.
Xét theo nhóm vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch giữa các nhóm vốn hóa trong tháng 9 gần như không thay đổi so với tháng 8/2023. Cụ thể, nhóm vốn hóa vừa VNMID tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (44,7%), tiếp đến là nhóm vốn hóa lớn (39,5%) và nhỏ (10,4%).
Gia tăng bán ròng
Về cung cầu thị trường, nhà đầu tư cá nhân tăng quy mô mua ròng so với tháng trước còn khối ngoại lại đẩy mạnh bán ròng.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.466 tỷ đồng trong tháng 9/2023, tính riêng giao dịch khớp lệnh khối này bán ròng 5.237,6 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào các ngành chủ chốt, bao gồm thép (HPG), ngân hàng (STB, SHB, CTG, LPB), chứng khoán (VCI, SSI, HCM, VND), bất động sản (VIC, VRE, KBC).
Tổ chức trong nước cũng bán ròng hơn 3.283,6 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng hơn 847 tỷ đồng, chủ yếu là VJC, VIX, DIG, VPB, SSI, NVL, HDG, VND. Tương tự, tự doanh cũng bán ròng 103,75 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 463,37 tỷ đồng, tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 7.853,4 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng qua khớp lệnh là 6.548 tỷ đồng. Nhóm này tập trung vào ngành bất động sản (NVL, VIC, DIG, VRE), ngân hàng (STB, VPB, SHB, CTG), thép (HPG), hàng & dịch vụ công nghiệp (GEX).
Nhà Đầu Tư