MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lục đục với Mỹ, Rodrigo Duterte tìm đường hợp tác với Trung Quốc

17-10-2016 - 12:59 PM | Tài chính quốc tế

400 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Philippines sẽ tháp tùng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tới Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du 4 ngày nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong bối cảnh mối quan hệ Manila và Washington đang cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Trước khi được bầu vào cương vị Tổng thống Philippines, ông Duterte hứa sẽ lái mô tô nước tới rạn san hô đang bị Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chứng hồi tháng 6, Tổng thống Duterte liên tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc bất chấp những tranh chấp lãnh thổ. Điều này ngày càng được thể hiện rõ trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ - Philippines đang gặp trục trặc.

Ngày 18/10, Rodrigo Duterte sẽ dẫn đầu phái đoàn Philippines sang thăm Trung Quốc với kỳ vọng thúc đẩy hợp tác song phương. Giáo sư Li Jinming, chuyên gia về nghiên cứu quốc tế của Đại học Hạ Môn, Trung Quốc, nhận định: “Chuyến thăm của ông Duterte là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy căng thẳng Philippines - Trung Quốc đã hạ nhiệt”.

Theo các chuyên gia, chuyến thăm sẽ là cơ hội lớn để thiết lập quan hệ thương mại Trung Quốc – Philippines, vốn gặp nhiều trở ngại sau những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch, vựa cá và khí đốt hàng đầu thế giới. Trước chuyến thăm, ông Duterte cũng nhấn mạnh đây là cơ hội để cải thiện mối quan hệ đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác bất chấp tranh chấp trên biển.

Chính sách hợp tác với Trung Quốc của ông Duterte được cho là giống với người tiền nhiệm Gloria Arroyo, người đảm trách cương vị tổng thống Philippines giai đoạn 2001 – 2010. Tuy nhiên, nhiều chương trình hợp tác giữa bà Arroyo với Trung Quốc đã bị tổng thống kế nhiệm Benigno Aquino hủy bỏ vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong suốt nhiệm kỳ, ông Aquino thăm Trung Quốc lần đầu vào năm 2011. Chuyến thăm năm 2013 đã bị hủy bỏ vì căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ. Năm 2014, ông Aquino tới Trung Quốc lần thứ 2 nhưng để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Khi tranh chấp lãnh thổ nổ ra, ông Aquino luôn tỏ rõ sự cứng rắn với Bắc Kinh và tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ.

Tuy nhiên, mọi sự xa lánh dưới thời ông Aquino đang được người kế nhiệm Duterte xóa bỏ. Trong chuyến thăm sắp diễn ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc – Philippines chắc chắn sẽ hạn chế đề cập tới các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc về vụ Manila kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đổi lại, Trung Quốc có thể gia tăng các khoản đầu tư vào Philippines, đặc biệt là các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Phần lớn người dân Philippines đã quá ngán ngẩm cảnh ùn tắc giao thông, hệ thống phương tiện giao thông công cộng xấu xí, lỗi thời và mạng lưới điện nham nhở.

Bản thân Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez cũng thừa nhận các khoản đầu tư từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là ưu tiên số một của Manila. Trong khi đó, phía Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp thúc đẩy nhập khẩu nông sản như chuối và dứa, hai loại trái cây chủ lực của Philippines.

Tuy nhiên, theo giáo sư Jinming, Duterte đã thể hiện sự xa cách với nước Mỹ nhưng vẫn chỉ dừng lại ở lời nói. Các học giả cho rằng Philippines sẽ không thể tách biệt với Mỹ nên phần lớn chỉ tò mò về thời gian mối quan hệ băng giá giữa Washington và Manila là bao lâu. Nhiều khả năng, những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Philippines sẽ chỉ là tạm thời.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên