Lục hết túi không có nổi 100 nghìn, mẹ chiến sĩ Đoàn 337 ngậm ngùi: 'Mẹ không còn đủ tiền để đi đón con'
Nhận tin con trai tử nạn cùng 21 đồng đội trong vụ sạt lở núi tại Quảng Trị, bà Bình tức tốc gói ghém đồ đạc lên đường ngay lập tức. Thế nhưng, đến khi lục hết các túi áo, không còn quá 100.000 đồng để đi tiền xe, bà đành nuốt nước mắt chảy ngược: "Thôi con ở lại, chờ đồng đội đưa về, mẹ không còn đủ tiền để đi đón con".
- 21-10-2020Tình người trong cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình: Dân đội mưa lạnh, ăn mỳ tôm sống đi cứu trợ nhà ngập lụt
- 20-10-2020Theo chân đoàn cứu trợ đạp nước dữ vào tâm lũ Quảng Bình tiếp tế cho người dân bị cô lập: Bao nhiêu vất vả bấy nhiêu tình!
- 20-10-2020Phụ nữ Quảng Trị nấu ăn miễn phí cho thân nhân của 22 chiến sĩ hy sinh ở Sư đoàn 337 và người dân vùng ngập lũ
Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Thái và Nguyễn Anh Duy (cùng SN 2000) là 2 chiến sĩ cuối cùng được đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở tại Đoàn 337 vào lúc 14h30 ngày 19/10. Họ đều ở độ tuổi đôi mươi, là đồng chí, là bạn bè chí cốt của nhau. Ngay thời điểm đội cứu hộ tiếp cận, cả hai bị đất đá san lấp ngay cạnh bể chứa nước. Đêm hôm trước 22 chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ chống sạt lỡ cho đồng bào người Vân Kiều trên địa bàn. Thái và Duy trở phòng lúc nửa đêm, cùng nằm ngủ cạnh nhau. Và cứ thế, họ nằm sát bên nhau, mãi cho đến lúc mất.
"Mẹ không có đủ tiền xe vào Quảng Trị để đi đón con!"
Sáng ngày 18/10, trời Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn mưa như trút. Tin tức bão lũ dâng cao khiến lòng bà Nguyễn Thị Bình (48 tuổi) bồn chồn không yên.
Bà lấy chiếc điện thoại trắng đen gọi cho cậu con trai. Phía bên đầu dây, chuông rung từng hồi rồi tắt ngúm. Nghĩ con trai đang đi làm nhiệm vụ, sóng điện thoại lúc có lúc không, bà Bình quay trở lại, cùng chồng dọn lũ.
Đến 11h, một cán bộ chạy xe tới nhà. Như một linh tính không yên, bà Bình thấy nhói trong tim. Vài phút sau, vị cán bộ lặng lẽ nói: "Em Thái mất tích trong một vụ sạt lở ở Quảng Trị".
Bà Bình lùng bùng tai, không còn nghe được gì nữa.
Bà Bình khóc thành tiếng khi nghĩ về cuộc gọi con dặn dò mình rất kỹ cách đây 5 hôm.
5 hôm trước, 9h tối, Thái gọi điện về nhà. Trong cuộc gọi, cậu trai dặn dò mẹ: "Không có con ở nhà, cố gắng dọn lũ. Bố mẹ già rồi, làm ít, còn giữ gìn sức khoẻ". Bà Bình chưa kịp hỏi lại tình hình bão lũ trong con thì Thái đã tắt máy, nghe một cuộc gọi khác.
Bà chẳng ngờ cuộc gọi chưa được 5 phút cách hôm ấy, đó là lần cuối cùng bà được nghe giọng cậu con trai.
"Cả ngày hôm đó, danh sách danh tính đưa lên mạng, tôi phải nhờ mấy người có điện thoại xem giúp tên con trai mình. Mãi đến 15h chiều, thấy Thái đã có tên tôi mới thực sự tin đó là sự thật" - bà Bình khóc.
Ngay lập tức, bà Bình quyết định vượt lũ vào Quảng Trị tìm con. Bà gói ghém 2 bộ đồ vào chiếc túi vải, rồi đi lục hết tất cả túi áo tìm tiền. Cầm số tiền lẻ trên tay còn chưa đủ mua được 2 chiếc vé, bà khóc thành tiếng.
Đội tìm kiếm chạy đua với thời gian để đưa nạn nhân ra ngoài.
Cả tháng trời nay, Quảng Bình mưa dai. Vợ chồng bà hành nghề thợ hồ, xem như ông trời buộc cho nghỉ không công dài hạn. Cái vò gạo trong nhà đã hết từ lâu, hai trái thận của chồng đã hư thì luôn cần thuốc, con gái lớn thì đang mắc bệnh trầm cảm,… Bao nhiêu đen đủi đó ập xuống một lần. Nhưng bà Bình không ngờ rằng, có ngày, cả số tiền để giúp bà đi tìm con, bà cũng chẳng có.
"Thôi thì đợi quân đội đưa con về, giờ mình không còn đủ khả năng rồi…", bà nói. Ông Phạm Văn Thắng (51 tuổi) lẳng lặng gật đầu. Rồi cả hai vợ chồng quay mặt sang 2 hướng, lặng lẽ nhìn vào mưa, khóc.
Ngày 19/10, nắm thông tin hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Bình không đủ điều kiện để vào Quảng Trị tiếp nhận thi thể con trai, tỉnh đội tỉnh Quảng Bình đã chủ động điều động phương tiện để đưa gia đình bà đi.
7h ngày 20/10, sau 2 ngày con gặp nạn, bà Bình được gặp lại con. Nhưng với bà, bao nhiêu ấy cũng là hạnh phúc.
Vì bà biết, đến cuối cùng, Thái có xa mẹ, cậu vẫn đã tìm mọi cách để bà được gặp lại con lần cuối.
Gặp nạn trên đường đi tìm thi hài con
10 sáng ngày 18/10, chị Trần Phương (người nhà của quân nhân Nguyễn Anh Duy) nhận được cuộc gọi từ người đồng đội của cháu trai. Phía đầu dây bên kia, người đồng đội nói trong tiếng nấc: "Duy mất tích trong một vụ sạt lở núi tại Đoàn 337", chị Phương khóc thành tiếng.
Cả ngày hôm đó, chị Phương gọi điện báo tin cho từng người trong gia đình. Nhưng tới số điện thoại của chị gái, bà Trần Duyên (48 tuổi, mẹ ruột Duy), chị chỉ biết im lặng.
Nguyễn Anh Duy là nạn nhân cuối cùng được đưa ra khỏi vụ sạt lở
Năm Duy lên lớp 4, nhà nghèo, bố cậu đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài để cải thiện kinh tế. Dằng dặc suốt 6 năm, đến năm con trai qua lớp 10, ông mới trở về Việt Nam.
Ở cạnh gia đình chẳng được bao lâu thì ông được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư. 4 tháng sau, một ngày cách đây 2 năm, ông mất. Bà Duyên quỵ ngã, nằm liệt giường suốt 2 tháng trời mới có thể tin đó là sự thật.
Cả ngày 18/10, tin tức đội tìm kiếm đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường Đoàn 337, bà Duyên cứ ngồi thẫn thờ, khóc lặng. Mỗi lần có tên một người được đưa ra khỏi đống đổ nát, bà lại chắp tay, hy vọng không vang lên 3 tiếng "Nguyễn Anh Duy". Nhưng hy vọng đó, càng về cuối càng mong manh.
Người nhà vẫn nuôi hy vọng đến cuối cùng.
Ngày 19/10, cả gia đình bà quyết định chạy thẳng từ Nghệ An vào Quảng Trị. Cũng cùng ngày, trên xe, cả nhà nghe tin, 14h30, Nguyễn Anh Duy là người cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát. Ai nấy đều khóc.
Chiếc xe đi đến Hà Tĩnh gặp nước chảy siết cuốn đi, nước tràn vào nửa buồng xe. Cả gia đình phải nhờ cứu hộ đưa vào đất liền, quay về Vinh. Trong đêm, họ mua vé máy bay vào Sài Gòn, sáng sớm tiếp tục bay ra Huế rồi đi xe vào Quảng Trị để có thể sớm tìm gặp được Duy.
Chịu tang chồng chỉ mới 2 năm, giờ bà Duyên phải chịu tang tiếp người con trai út của mình
Xây được cái ô buồng ngủ cho mẹ rồi con cưới vợ
Qua Tết, Thái và Duy đều sẽ xuất ngũ. Năm Tết này, bà con từ Sài Gòn cũng về quê ăn Tết. Bà Duyên đang đợi mãi bữa cơm ấm cúng, đầy đủ tất cả các thành viên.
Nhà Thái thì nghèo! Nghèo có sổ tại Hải Thành (Quảng Bình). Năm Thái lên lớp 9, bố cậu mắc bệnh thận, Thái quyết định bỏ học giữa chừng. Cậu đi làm thuê, cố gắng trở thành trụ cột gia đình.
Bà Bình đi tìm con khi trong túi áo chẳng còn một đồng tiền.
Quân phục của các nạn nhân vẫn còn trong đống đổ nát.
Ngày cậu đi lính, người mẹ không có lấy một đồng tiền cho con, chỉ dúi 2 hộp bánh, bảo: "Vào trong đó san sẻ cho các bạn cùng ăn".
Công việc ở Đoàn 337 là bảo vệ biên giới, giúp đỡ đồng bào người dân sống trong khu vực. Suốt mùa bão lũ, Thái đi làm nhiệm vụ suốt, 5-6 bữa có thời gian thì lại gọi điện về cho mẹ một lần.
Hôm bố lên cơn đau, cậu hứa với mẹ: "Qua Tết con ra ngũ, con có được một số tiền sẽ đưa bố vào Huế mổ thận. Rồi khi nào xây được cho mẹ cái ô buồng ngủ thì con mới cưới vợ…".
Lời hứa ấy, giờ, người con trẻ mãi không thể nào thực hiện được cho cha mẹ già.
Pháp luật và Bạn đọc