Lực lượng công an đang quyết liệt bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh
Chiều ngày 27/11 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tiếp tục tiếp xúc với cử tri Quận 1, 4. Tại buổi làm việc, các cử tri đã đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn, đề cập trực tiếp tới những vấn đề xã hội đang quan tâm.
- 17-11-2016Tướng Vương: Trịnh Xuân Thanh bị lệnh truy nã đỏ
- 17-11-2016Bộ trưởng Nội vụ nợ câu trả lời bằng văn bản về Trịnh Xuân Thanh
- 16-11-2016Còn bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” như Trịnh Xuân Thanh?
- 04-11-2016Thứ trưởng Công an kêu gọi Trịnh Xuân Thanh đầu thú
Ông Đinh La Thăng gặp gỡ cử tri trước buổi làm việc.
Trong phần nêu ý kiến, nữ cử tri Nguyễn Phạm Như Hậu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài và gần đây sự việc của ông Vũ Đình Duy cũng có nhiều dấu hiệu tương tự.
“Chúng ta cần thiết lập lại kỷ cương phép nước, kiểm tra và xử lý nhanh chóng các hành vi tham nhũng, không nhân lượng, nể nang ngay cả với các cán bộ cấp cao, đương chức, không bao che sai phạm. Như vậy nhân dân mới tin tưởng vào chính sách của Nhà nước” – cử tri Hậu nói.
Trả lời câu hỏi này sau đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết đối với vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo và những tập thể, cá nhân liên quan đang bị xử lý đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, chúng ta đã phát lệnh truy nã quốc tế. Hiện các cơ quan chức năng, lực lượng công an đang hết sức quyết liệt để bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước” – ông Đinh La Thăng cho biết.
Cử tri chất vấn các Đại biểu Quốc hội.
Về phòng chống tham nhũng, ông Đinh La Thăng tiếp tục nhấn mạnh “Đảng và Chính phủ coi đây là vấn đề lớn, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, sự phát triển của đất nước”.
“Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, diễn ra trong nội bộ, liên quan đến những người có chức quyền. Chính vì vậy Đảng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu. Trong công tác đã đạt được kết quả nhưng phải làm quyết liệt hơn, quyết tâm cao hơn, nhưng kiên trì, không nóng vội và cảnh giác với các thế lực thù địch, lợi dụng việc này để thổi phòng mặt xấu, phá hoại nhà nước, phá hại khối đại đoàn kết dân tộc”.
“Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu đang tích cực chỉ đạo xử lý những vụ án điểm để từ nay đến hết Quý 1/2017 phải xử lý xong dứt điểm 8 vụ án tham nhũng” – ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Về những ý kiến bày tỏ lo lắng khi Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhưng lại tập trung phát triển nhiệt điện để thay thế, ông Đinh La Thăng thẳng thắn nêu quan đểm:
“Bây giờ làm thủy điện thì chúng ta bảo gây tác động xấu đến môi trường nên không làm! Nhiệt điện bà con cũng bảo không làm! Thế thì chúng ta sử dụng điện gì? Vấn đề là chúng ta sử dụng công nghệ làm sao để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến môi trường. Còn điện hạt nhân là chúng ta tạm dừng chứ không phải không làm. Còn bao giờ làm thì Quốc hội khi đó, con cháu chúng ta khi đó sẽ quyết định”.
Khung cảnh buổi làm việc.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Đinh La Thăng cho hay: “Chúng ta luôn quán triệt quan điểm kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải giữ vững được môi trường để phát triển, giải quyết tranh chấp trên cơ sở Công ước về Luật Biển năm 1982. Khi cần, chúng ta với truyền thống thì một tấc cũng không để mất, và cùng các giải pháp hoà bình để gìn giữ, Đảng, Nhà nước cũng đang xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, chính quy hiện đại”.
Trước những kiến nghị của cử tri về các vấn đề bức xúc hiện nay của TP. HCM, ông Đinh La Thăng nói: “Dù ngân sách khó khăn nhưng TP đang kêu gọi đầu tư để xử lý tình trạng kẹt xe và ngập nước, hai vấn đề này cũng được coi là trọng điểm cần làm trong năm 2017. Tuy nhiên TP có 13 triệu dân mà xử lý triệt để ùn tắc giao thông là rất thách thức. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình nhưng mong cử tri chia sẻ, cùng chung sức với TP”.
“Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội vừa qua. Các đại biểu chất vấn không né tránh, không ngại va chạm nhờ vậy Chính phủ thấy rõ những trách nhiệm của mình. Việc các ĐBQH tranh luận cũng rất hay, như vậy sẽ giúp các thành viên có trách nhiệm trước dân. Tuy nhiên hiện trong bổ nhiệm còn thói quen mang họ hàng, bà con vào công việc, gây nên các ứng xử nể nang. Như vụ của ông Vũ Huy Hoàng, tại sao trong thời gian đương chức, Quốc hội không giám sát?” – cử tri Nguyễn Thị Nguyệt.
Infonet