MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luôn hoảng loạn khi thị trường giảm sốc, những bài học nào cần rút ra?

Đừng quên, trên thị trường chứng khoán luôn có những người thông minh chỉ chờ, thậm chí tạo ra sự hoảng loạn của đám đông và “kiếm sống” trên sự hoảng loạn đó.

Thị trường chứng khoán đã hơn 16 tuổi nếu tính từ ngày giao dịch đầu tiên. Nhưng, có vẻ như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn liên tục mắc những sai lầm rất cũ. Trong chuỗi bài kỷ niệm ngày truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam 28/11 tới đây, chúng tôi xin đưa ra những kinh nghiệm ứng xử với tài khoản trước nguy cơ thị trường chứng khoán giảm sốc.

Chắc hẳn nhà đầu tư vẫn còn nhớ sự kiện Brexit, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất 34 điểm như thế nào và sau đó phục hồi thần tốc ra sao. Tương tự vậy, chỉ vài tháng sau Brexit, nhà đầu tư đã nhanh chóng quên đi bài học cũ. VnIndex mất hơn 20 điểm ngày diễn ra sự kiện bầu Tổng thống Mỹ.

Vì sao một sự kiện xảy ra ở “trời tây”, không liên quan đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam ít nhất là trong vài tháng, nửa năm mà lại có thể cướp đi của thị trường chứng khoán Việt mấy chục nghìn tỷ vốn hóa? Theo một nhà đầu tư gạo cội trên thị trường, nhà đầu tư nên nghĩ cho thật kỹ sẽ học được rất nhiều điều.

Đừng đùa với tiền bạc, hành động nháo nhào mua bán là sai lầm cực lớn

Không ít nhà đầu tư cứ thấy thị trường giảm là nháo nhào bán để tránh rủi ro. Tương tự, có người mua mà không hiểu vì sao lại mua lúc đó. Họ nháo nhào hành động. Bạn có biết vì sao lại nháo nhào hành động không? Nguyên nhân rất dễ hiểu: Họ không có sự chuẩn bị trước đó và khi sự kiện xảy ra, não bộ của họ chưa hấp thụ đầy đủ thông tin còn thị trường thì diễn biến quá nhanh. Họ nháo nhào mua bán rồi khóc ròng nếu sai, hả hê nếu may mắn trúng.

Nhưng, sự thật là, bình tĩnh chưa chắc thắng nổi thị trường thì nháo nhào mua bán chắc chắn khả năng bị thua lỗ cao hơn khả năng thắng cuộc.

Làm thế nào để không nháo nhào hành động để rơi vào trạng thái thua lớn hơn thắng? Cách duy nhất là phải ổn định tâm lý đầu tư. Không có con đường hoa hồng nào rải sẵn cho nhà đầu tư tiến bước cả, người chiến thắng thường là người phải “đổ mồ hôi”, hao tổn trí não.

Trước những sự kiện lớn, những người chiến thắng thường:

-Thứ nhất: Biết được bao giờ sự kiện sẽ xảy ra. Ví như Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ là 2 sự kiện được coi là lớn nhất năm nay, mọi người đều biết bao giờ nó sẽ xảy ra.

-Thứ hai: Hiểu được sự kiện có thể tác động đến túi tiền của bạn theo cách gì. Ví dụ, Brexit xảy ra thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài có thể theo chiều hướng nào? Nếu theo chiều hướng đó, thị trường chứng khoán nơi bạn đang rót tiền đầu tư bị ảnh hưởng như thế nào?

Hãy nhớ kỹ, thứ bạn mua là cổ phiếu của công ty. Công ty mà bạn góp cổ phần có thực sự bị ảnh hưởng thực sự hay không về kinh doanh hay cổ phiếu của công ty có bị ảnh hưởng do khối ngoại nọ kia hay không. Nếu, cổ phiếu không đứng trước những nguy cơ đó thì tại sao phải hành động cuống cuồng?

-Thứ ba: Lượng hóa được mức độ ảnh hưởng thực và mức độ có thể “té nước theo mưa”. Điều này khó hơn một chút nhưng nếu chịu khó tích lũy thông tin mà giới truyền thông đã khai thác triệt để thì phần nào nhà đầu tư sẽ lượng hóa được. Một khi đã lượng hóa được mức độ tác động thực có thể có của sự kiện, nhà đầu tư sẽ biết rằng thị trường có thể sẽ diễn biến như thế nọ, thế kia và chủ động hành động. Ngoài ra, người giỏi kiếm tiền là người biết khi thị trường phản ứng thái quá so với tác động thực đã được lượng hóa thì không chóng thì chầy, thị trường sẽ trả về đúng giá trị lượng hóa.

-Thứ tư: Biết vạch ra kế hoạch hành động cho mình. Điều này hết sức quan trọng. Lượng hóa được tác động của sự kiện, nhà đầu tư hoàn toàn có thể lựa chọn hành động cho mình: Bán trước-cover lại cổ phiếu khi thị trường giảm sâu; Giảm tỷ lệ margin trước khi thị trường giảm điểm (một khi thị trường giảm sâu, áp lực margin sẽ càng khiến thị trường trở nên thảm hại, hành động giảm tỷ lệ margin trước khi sự kiện xảy ra sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn rất nhiều trong “bão”); Chuẩn bị tiền nếu muốn “hốt” cổ phiếu (đừng chờ khi giảm sâu mới cuống cuồng đi huy động tiền để mua cổ phiếu, cơ hội đến rất ngắn và những người chuẩn bị kỹ càng thì cơ hội thắng cao hơn)…

Đừng quên để ý thị trường luôn có những kẻ rất thông minh

Những người thông minh là những người nắm vững những điều trên và họ góp phần tạo ra sự hoảng loạn của đám đông và “kiếm sống” trên sự hoảng loạn đó.

Thị trường chứng khoán luôn luôn có những người có tiềm lực tài chính cực mạnh (tạm gọi là big boy), mạnh hơn túi tiền của hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ cộng lại.

Làm một bài toán đơn giản thế này. Nếu big boy nắm 10 triệu cổ phiếu A. Khi sự kiện xảy ra, thấy thị trường đạt đến ngưỡng tác động đã lượng hóa và nhà đầu tư trên thị trường bắt đầu lo lắng, hoảng loạn thì họ sẽ té nước theo mưa. Họ sẵn sàng bán ra 1 triệu cổ phiếu giá sàn và đám đông đang hoảng loạn càng hoảng hơn, họ bán tống bán tháo. Khi sự hoảng loạn lên đến tận cùng, họ vơ vét cổ phiếu giá rẻ và chờ cổ phiếu quay về với giá trị đúng.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên