MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành được 3 triệu mua vàng dù sống ở thành phố lớn

27-05-2024 - 07:32 AM | Lifestyle

Ai bảo 10 triệu không đủ sống nào?

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân, một cô gái tên H.M.C đã liệt kê những bí quyết giúp cô để dành được 3 triệu mỗi tháng. Số tiền này được cô dùng để mua vàng. Điều đáng nói chính là thu nhập của cô gái này chỉ ở mức 10 triệu đồng/tháng - Một con số mà phần lớn mọi người đều cho rằng rất khó trang trải cuộc sống ở thành phố lớn như TP.HCM.

Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành được 3 triệu mua vàng dù sống ở thành phố lớn- Ảnh 1.

Nguyên văn bài chia sẻ của H.M.C

Để trang trải chi phí sinh hoạt ở TP.HCM với ngân sách 7 triệu đồng/tháng sau khi đã dành ra 3 triệu để mua vàng, H.M.C đã đặt giới hạn cho từng khoản chi hàng tháng. Cụ thể như sau:

  • - Tiền ăn: 2.000.000đ. Vì tự nấu ăn tại nhà và sức ăn của con gái cũng “khiêm tốn”, nên trung bình 1 ngày, H.M.C chỉ cần chi khoảng 71 nghìn đồng tiền ăn.
  • - Tiền thuê nhà: 1.600.000đ. Đây là tiền thuê nhà cùng chi phí điện nước và phí dịch vụ hàng tháng. H.M.C cho biết vì cô đang ở ghép cùng 3 bạn khác nữa nên tiền thuê nhà khá rẻ.

- Đồ gia dụng: 500.000đ. Khoản tiền này được H.M.C dùng để mua các sản phẩm thiết yếu như dầu gội, sữa tắm, gia vị nấu ăn,... Những món đồ này không phải tháng nào cũng cần mua nhưng H.M.C vẫn đặt ngân sách riêng cho chúng, nếu còn dư sẽ dồn sang tháng sau.

  • - Mỹ phẩm: 700.000đ. Kể từ khi đặt mục tiêu tiết kiệm, H.M.C đã tối giản quy trình skincare. Thay vì skincare 7749 bước, giờ đây H.M.C chỉ dùng những món cơ bản. Việc này vừa giúp cô tiết kiệm, vừa không làm da bị bí. Nói chung là vẹn cả đôi đường.
  • - Đi chơi: 1.000.000đ. Vì đi làm kiếm tiền cũng khá stress nên H.M.C cho rằng việc chi tiền để “chữa lành” là cần thiết. Cô chủ yếu dùng tiền trong quỹ này để đi ăn, đi cà phê gặp gỡ bạn bè.
  • - Dự phòng: 1.000.000đ. Khoản này được H.M.C tích lũy để phòng khi ốm đau hoặc có việc bất ngờ cần tiền. Nếu tháng đó không dùng tới, cô sẽ chuyển số tiền này sang khoản tiết kiệm hoặc để nguyên đó, cộng dồn vào quỹ dự phòng của tháng sau.
Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành được 3 triệu mua vàng dù sống ở thành phố lớn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với cách phân bổ chi tiêu như thế này, H.M.C cho biết cuộc sống của cô ở TP.HCM vẫn khá thoải mái.

“Tháng nào ít tiền, mình sẽ mua hạt đậu vàng, khoảng 2-3 phân vàng. Còn không, mình sẽ đợi gom đủ tiền rồi mua 1 chỉ vàng cho đỡ mất giá” - H.M.C chia sẻ.

Học được gì từ cách quản lý chi tiêu của cô gái này?

Đầu tiên là hãy bớt than vãn “10 triệu chẳng đủ sống”, vì rõ ràng, có người không những đủ sống mà còn dư tiền mua cả vàng. Vậy thì vấn đề không phải nằm ở con số 10 triệu, mà chính là cách quản lý chi tiêu của chúng ta.

Trong trường hợp bạn đang có mức thu nhập 10 triệu, thậm chí là hơn, mà cuối tháng vẫn nhẵn túi chẳng dư đồng nào, hãy kéo lên trên để đọc lại cách phân bổ chi tiêu của H.M.C, hoặc có thể tham khảo 2 gợi ý giúp bạn quản lý tiền nong hiệu quả hơn ngay dưới đây.

1 - Đặt ngân sách chi tiêu theo tuần

Tiền đã “ting ting” chảy về tài khoản, việc bạn cần làm chính là thanh toán hết các chi phí cố định như tiền thuê nhà hoặc các khoản nợ đến hạn phải trả.

Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành được 3 triệu mua vàng dù sống ở thành phố lớn- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tiếp theo, phải tính tới các chi phí mang tính sinh tồn khác, điển hình là tiền ăn và tiền đổ xăng. Tùy vào nhu cầu của mỗi người mà mức ngân sách cho 2 khoản này sẽ khác nhau. Để tìm ra con số hợp lý, hãy thử nhìn lại chi phí đi lại và ăn uống của những tháng trước để biết nên đặt mức ngân sách bao nhiêu. Sau đó, lấy con số ấy chia cho 4 (4 tuần) là ra ngân sách chi tiêu của một tuần. Nhìn vào con số ấy để tự dằn lòng lại mỗi lần đi siêu thị nhé!

Lo xong tiền ăn, tiền đi lại mới tới các thú vui khác như cà phê, du lịch hoặc mua sắm.

2 - Đừng để hết tiền trong một tài khoản

Lý do rất đơn giản: Để hết tiền trong 1 tài khoản khiến bạn khó kiểm soát mức độ chi tiêu. Việc đặt ngân sách chi tiêu cho từng khoản chi cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu tiền cứ ở chung một chỗ.

Bí quyết là hãy mở thêm ít nhất 1 tài khoản ngân hàng, để riêng tiền ăn cả tháng vào đó. Còn chi phí phục vụ việc đi lại, tốt nhất là rút ra thành tiền mặt. Rạch ròi từng khoản chi, không để chúng lẫn vào nhau, mới dễ bề quản lý.

Theo Ngọc Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên