MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương 6-10 triệu đồng/tháng đột nhiên được 'cho' hàng trăm tỷ đồng: Lái xe, nhân viên của Trịnh Văn Quyết cho mượn tên, ký khống, bị khởi tố

27-02-2024 - 00:09 AM | Doanh nghiệp

Tại Cơ quan điều tra, các cá nhân trên đều khai nhận toàn bộ hành vi của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được hưởng lợi gì từ hành vi vi phạm của mình.

Trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết, tài liệu điều tra xác định, các cổ đông chỉ góp gần 1.198 tỷ đồng vốn điều lệ vào Faros nhưng từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống 3.102 tỷ đồng làm tăng vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau khi cổ phiếu của Faros lên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Faros thu được 4.818 tỷ đồng, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong số các cá nhân là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, nhiều cá nhân đứng tên cổ đông, ký khống các hợp đồng, chứng từ làm tăng vốn điều lệ của Faros, tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, các cá nhân này khai không được hưởng lợi ích vật chất từ việc làm trên mà chỉ được hưởng lương hằng tháng.

Trong đó, có các cá nhân khai lương chỉ từ 6-12 triệu tháng bao gồm: Ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land, là chồng của Trịnh Thị Thúy Nga và là em rể của ông Trịnh Văn Quyết (10 triệu đồng/tháng); Bà Hoàng Thị Thu Hà, em họ của ông Trịnh Văn Quyết (7 triệu - 12 triệu đồng/tháng; Trịnh Tuân, cháu họ của ông Trịnh Văn Quyết (10 triệu đồng/tháng); Trương Văn Tài, lái xe riêng cho Trịnh Văn Quyết (6 triệu đồng/tháng) và Nguyễn Minh Điểm, nhân viên Công ty BOS (8 triệu đồng/tháng).

Riêng về ông Trương Văn Tài, từ tháng 6/2014, ông Tài làm lái xe riêng cho ông Trịnh Văn Quyết. Kết quả điều tra đến nay cho thấy, dù không bỏ tiền mua cổ phần và góp vốn vào Công ty Faros, nhưng theo yêu cầu của em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Minh Huế, ngày 19/5/2015, ông Tài đã ký 2 hợp đồng khống nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phần của Nguyễn Văn Mạnh và Trịnh Văn Đại tại Công ty Faros, tương đương 20 tỷ đồng.

Từ ngày 27/5/2015 - 1/12/2015, với danh nghĩa cá nhân, ông Tài ký 10/14 chứng từ với giá trị 302 tỷ đồng/261 tỷ đồng (có 4 giấy nộp tiền mặt giá trị 59 tỷ đồng mang tên Tài nhưng không phải do ông Tài ký) để bà Huế dùng danh nghĩa ông Tài thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền vào, rút tiền quay vòng góp vốn.

Việc này làm tăng giá trị vốn góp của ông Trương Văn Tài từ 20 tỷ đồng, tương đương 2 triệu cổ phiếu lên 230 tỷ đồng, tương ứng 23 triệu cổ phần trong lần tăng vốn thứ 2, thứ 3, khiến vốn điều lệ của Công ty Faros tăng từ 225 tỷ đồng lên 3.037,5 tỷ đồng.

Trước khi Công ty Faros được niêm yết, ngày 28/1/2016, theo yêu cầu của bà Huế, ông Trương Văn Tài ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trả lại 23 triệu cổ phần cho bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, thực tế ông Tài không được nhận tiền.

Tương tự, mặc dù không bỏ tiền nhưng theo chỉ đạo của bà Trịnh Thị Minh Huế, với danh nghĩa cá nhân, ông Nguyễn Văn Mạnh, bà Hoàng Thị Thu Hà đã ký các hợp đồng nhận chuyển nhượng khống, hợp đồng mua lại của Faros để trở thành cổ đông góp vốn vào Faros. Còn ông Trịnh Tuân cũng theo yêu cầu của bà Huế đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua 15 triệu cổ phần. Sau đó, Trịnh Tuân ký khống 8 chứng từ với tổng số tiền 154,8 tỷ đồng để bà Huế sử dụng danh nghĩa Tuân làm thủ tục hợp thức hồ sơ, tạo dòng tiền góp 150 tỷ đồng vốn khống vào Faros trong lần tăng vốn thứ 4.

Trong các lần tăng vốn của Faros, bà Huế đã chỉ đạo ông Mạnh, bà Hà, ông Tài ký các chứng từ khống để bà Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền góp vốn vào Faros, nâng khống giá trị vốn góp của các cá nhân này lên. Sau đó, bà Huế tiếp tục chỉ đạo các cá nhân này ký khống các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần nhưng thực tế họ không được nhận tiền.

Sau khi niêm yết, bà Huế lại sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên các cá nhân này để thực hiện việc mua bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các cá nhân này cũng không nhận được tiền.

Bên cạnh đó, với danh nghĩa Thành viên HĐQT của Faros, mặc dù không tổ chức họp nhưng theo chỉ đạo của bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Hà vẫn ký hợp thức các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, HĐQT về việc thông qua việc tăng vốn điều lệ lần thứ 1 và lần thứ 2 để bà Trịnh Thị Minh Huế làm căn cứ thực hiện việc nâng khống vốn điều lệ Faros; ký khống hợp đồng chuyển nhượng 2 triệu cổ phần cho bà Đặng Thị Hồng.

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Minh Huế còn nhờ ông Mạnh đứng tên là Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng An Du và Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam và Trịnh Tuân đứng tên người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Chế biến và phân phối nông sản ITH (sau đó đổi tên là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ITH) nhưng bà Huế là người quản lý, sử dụng con dấu và điều hành mọi hoạt động của 3 Công ty này. 

Với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam, mặc dù không điều hành công ty, không thỏa thuận giao dịch nhận tiền vay, ủy thác đầu tư nhưng ông Mạnh đã ký 6 Hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh khống, nhận khống 405 tỷ đồng của Faros để bà Trịnh Thị Minh Huế sử dụng làm căn cứ để tạo dòng tiền hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn khống, làm tăng vốn điều lệ của Faros.

Kết luận điều tra cho biết, sau khi Faros niêm yết, ông Mạnh, ông Tuân và bà Hà đã ký nhiều chứng từ để bà Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản các cá nhân và công ty, hạch toán hợp thức che giấu việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Faros.

Riêng ông Nguyễn Minh Điểm nhân viên Công ty BOS, dưới sự chỉ đạo của bà Trịnh Thị Thúy Nga, mặc dù không nhận tiền ủy thác đầu tư, vay vốn của Faros nhưng vẫn ký 2 hợp đồng vay tiền, ủy thác đầu tư, ký nhận tiền trên 3 phiếu chi, "nhận khống" 124 tỷ đồng của Faros và ký khống trên mục người nộp tại 1 phiếu thu "trả lại" 24,9 tỷ đồng cho Faros để Huế làm thủ tục chuyển tiền hợp thức việc rút tiền góp vốn ra khỏi tài khoản của Faros, hạch toán kế toán, hợp thức việc góp vốn khống và sử dụng vốn góp tại Faros trong lần tăng vốn thứ 1, thứ 2.

Tại Cơ quan điều tra, các cá nhân trên đều khai nhận toàn bộ hành vi của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được hưởng lợi gì từ hành vi vi phạm của mình.

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên