Lương 8 triệu thì làm việc văn phòng hay chạy xe công nghệ, sếp Hoàng Nam Tiến: Hãy ra đường và chạy xe ôm công nghệ, 5 năm sau kết quả sẽ rõ
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho rằng mức lương khởi điểm không nói lên tất cả.
- 25-08-2023Được VinFast trả lương lên đến 50 triệu đồng/tháng, ngành học này có điểm chuẩn tăng vọt, gần 7 điểm so với năm ngoái
- 24-08-2023Một ngành học nhiều người trẻ Việt từng chê lương thấp, nhưng sang Nhật thu nhập 29 - 34 triệu/tháng rất nhiều
- 24-08-2023Ngành học khiến 2 thủ khoa khối A ngậm ngùi trượt: Học siêu khó, thu nhập lên đến 50 triệu/tháng
Tháng 4/2023, ông Hoàng Nam Tiến thôi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) và chuyển sang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT.
Gắn bó với tập đoàn FPT với vai trò Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến quyết định "dứt áo ra đi" sau hơn 3 năm cống hiến. Ở vai trò mới, nhiều người kỳ vọng “sếp Tiến” sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa của bản thân, đưa ra nhiều kế hoạch phát triển lĩnh vực giáo dục của tập đoàn FPT.
Nên "chạy Grab" kiếm 12 triệu đồng hay chấp nhận thử việc nhận ít tiền hơn?
Trong video được trường Cao đẳng FPT Polytechnic đăng tải, sếp Hoàng Nam Tiến đã có phần chia sẻ quan điểm của mình về mức lương của những người mới đi làm.
Cụ thể, ông nhận được câu hỏi: "Quan điểm của thầy như thế nào về thực trạng sinh viên mới ra trường, khi đi thực tập hoặc thử việc đúng chuyên ngành nhưng lương không bằng những bạn chạy xe công nghệ/shipper. Những bạn này không có bằng cấp nhưng vẫn có mức lương 1x - 2x triệu đồng?".
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhớ lại câu chuyện với chàng trai trẻ học hành tử tế, giỏi giang, tự tin. Khi cậu đến thử việc, ông đưa ra mức lương tháng 8 triệu đồng. Chàng trai trẻ bất ngờ: "Bây giờ cháu xách xe máy ra đường cũng kiếm được 12 triệu đồng".
"Tôi rất trân trọng công việc của những người làm Grab, vì họ thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta", sếp Tiến bày tỏ. Đồng thời, ông nhắc nhở chàng trai trẻ: "Con hãy cầm xe và tiếp tục 'chạy Grab'. 5 năm nữa, lương của con vẫn 12 triệu đồng".
Ông nói thêm: "Một người chấp nhận lương thử việc 8 triệu đồng, 5 năm nữa, nếu không nhận được mức lương 30 triệu đồng thì quá kém cỏi. Nếu không, sau 5 năm, ít nhất lương của người đó phải trên 30 triệu đồng. Đó là sự khác biệt của việc chấp nhận học trong doanh nghiệp, trưởng thành nhanh chóng và không hài lòng với những gì mình đang có!".
Như vậy, theo quan điểm của ông Hoàng Nam Tiến, mức lương khi mới học việc không phải yếu tố quan trọng nhất đối với một người. Đó chỉ là bước đệm để những người trẻ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống để đi đường dài.
Trước khi làm lớn hãy trở thành người làm thuê xuất sắc trước
Sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ với Trí Thức Trẻ: "Thế hệ chúng tôi, khi ra trường, thậm chí còn được nhà nước phân công công việc. Vì vậy, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm tiền hay khởi nghiệp như thế hệ các bạn bây giờ. Thực sự, suy nghĩ rất khác nhau. Lúc đó, chúng tôi chỉ mong được vào những công ty nhà nước thật lớn ở lĩnh vực như dầu khí, hàng không, ngân hàng… mà thôi.
Tôi chẳng nhớ được lúc nào mới kiếm được 1 tỷ đầu tiên. Nhưng có lẽ phải rất rất lâu, hơn 10 năm sau khi ra trường, có vị trí ở FPT rồi, tôi mới có 1 tỷ. Cũng cảm thấy thực sự khác với các bạn bây giờ.
Ngày hôm nay, thế giới đã thực sự mở. Tôi thường xuyên gặp các bạn trẻ, tại Hà Nội hay TP. HCM, thậm chí ở Cần Thơ, đang nói đến NFT, game, blockchain… nói đến những công việc, những cơ hội kinh doanh thậm chí ở Silicon Valley, mà không phải để chém gió, thực sự các bạn làm thật, và vô cùng tự hào khi các bạn có thể làm việc với các kỹ sư ở Silicon Valley. Hơn thế nữa, các bạn còn tự startup, tạo ra những cơ hội khác biệt.
Chỉ mới gần đây thôi, là câu chuyện về một chàng trai khởi nghiệp với game NFT. Thế nhưng, tôi cũng muốn nói thẳng thắn, đó là cơ hội đến với rất ít người, không phải các bạn không đủ tài năng, không đủ kiên nhẫn, thông minh để làm việc, mà thật sự còn cần có may mắn, may mắn rất đặc biệt thì mới kiếm được tiền tỷ như vậy".
Ông Hoàng Nam Tiến từng kể rằng, khi nói chuyện tại các diễn đàn với các bạn trẻ, có rất nhiều bạn sinh viên đã hỏi: "Em có nên bỏ học để trở thành tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg không?". Ông Tiến thường hỏi lại, rằng bố mẹ bạn có giàu như bố mẹ Bill Gates không, hoặc bạn có nghĩ rằng mình thông minh gần bằng ông ấy?
“Việc học không chỉ kết thúc sau khi rời ghế nhà trường. Mà cần phải học liên tục để nâng cao tay nghề, học để mưu sinh, học thêm để thỏa mãn ước mơ của bản thân của gia đình, học để giải thoát bản thân, nhưng quan trọng nhất là học để tìm ra được phiên bản tốt nhất cho chính mình”, ông cho biết.
"Các bạn trẻ hãy học thật sâu, rồi đi làm, đi làm trên toàn cầu để hưởng mức lương 100.000 đến 200.000 USD mỗi năm. Như thế là có thể có tiền tỷ rồi" - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT kết luận.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường