Lương bổng của Bao Thanh Thiên đáng bao nhiêu tiền trong thời nay? Con số khiến hậu nhân phải "há hốc mồm" nhưng vẫn chưa xứng với công lao của ông
Một vị quan anh minh còn là thiên tài xử các vụ án khó thì phải nhận mức lương bao nhiêu mới xứng đáng đây?
Năm 960, Trần Kiều binh biến, Triệu Khuông Dận xưng đế, thành lập nên nhà Tống.
Cuối thời nhà Đường, vì nội bộ triều đình trọng võ khinh văn nên dẫn đến toàn bộ vương triều sinh linh đồ thán. Mầm họa này tuyệt đối không được tiếp diễn, nếu không số phận triều đại tiếp theo dù có phát triển đến đâu cũng sẽ lụi tàn.
Triệu Khuông Dân đã quyết định áp dụng chính sách “trọng văn áp võ”. Từ đó, vương triều nhà Tống xuất hiện hàng loạt quan văn xuất chúng. Trong đó có một vị quan văn anh minh nổi tiếng không ai không biết đến, đó chính là quan thần thời Bắc Tống - Bao Chửng.
Bao Chửng hay Bao Thanh Thiên, sinh năm 999 tại Hợp Phì thuộc Lư Châu (hiện nay là An Huy).
Năm 1027, Bao Chửng nhờ vào tài năng học cao hiểu rộng để đăng khoa Trạng Nguyên, sau đó được đảm đương chức quan trong Đại lý tự. Tuy nhiên, thời gian này, bố mẹ của Bao Chửng đã quá lớn tuổi nên ông bèn từ quan về nhà báo hiếu.
Sau khi bố mẹ qua đời, năm 1037, Bao Chửng trở về kinh đô, cuối cùng được nhận chức tri huyện An Huy. Về sau, một đường thăng quan tiến chức, Bao Chửng đã vươn đến chức quan tam phẩm trong triều và để lại tiếng vang trong lịch sử Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người chắc hẳn đều có chung một sự hiếu kỳ: Bao Chửng nắm giữ chức quan rất cao nên lương bổng mỗi tháng nhất định rất nhiều. Vậy thì nếu quy đổi thành tiền tệ thời nay thì đáng giá bao nhiêu?
Thật ra, bổng lộc của Bao Chửng thời bấy giờ cũng được xem là rất cao. Trong “Tống Sử” có ghi chép, bổng lộc mỗi tháng của Bao Chửng là 1.500 quan tiền. Ngoài ra, triều đình còn cấp thêm gạo, vải vóc và các phụ cấp sinh hoạt khác. Nếu tính tổng toàn bộ giá trị thì lương một năm của Bao Chửng sẽ ở mức 18.000 quan tiền.
Ở mỗi thời kỳ, giá trị đồng tiền đều khác nhau. Vào thời Tống, chế độ tiền tệ không được quản lý chặt chẽ. Nhiều người có thể tự chế tạo ra tiền, từ đó gây rối loạn dòng tiền trong thị trường.
Trong thời bấy giờ, 1000 đồng sẽ bằng 1 quan tiền, tương đương với 1 lượng bạc. Thế nhưng hệ quy đổi này không phải thống nhất trong toàn quốc, mà mỗi địa phương cũng có sự khác biệt tùy theo tình hình thực tế.
Về sau, “Tống Sử Thực Hóa Chí” có để lại thông tin, 1000 quan tiền bằng 1 lượng bạc. Theo đó, ở thời Tống, 1 lượng bạc có thể mua được 250kg - 400kg gạo. Chính vì vậy, 1 lượng bạc có thể đổi thành 800 - 1.900 NDT.
Bổng lộc một năm của Bao Chửng là 18.000 quan tiền, tương đương với 18.000 lượng bạc. Nếu cho 1 lượng bạc bằng 1000 NDT thì lương một năm của ông phải là 18 triệu NDT (64,3 tỷ VND). Đây thật sự là một con số khá lớn.
Tuy nhiên, nhận định này chỉ dựa theo một vài thông tin lịch sử liên quan. Sự thật còn phải tích hợp với nhiều yếu tố khác như trình độ phát triển trong xã hội và giai cấp thời bấy giờ.
Trong tư liệu lịch sử ghi chép, triều Tống đạt được sự phát triển kinh tế và văn hóa chưa từng có. Không chỉ sản lượng nông nghiệp tăng cao chóng mặt, mà nghề in ấn, chế tạo giấy cũng đạt được nhiều thành tựu không kém. Đồng thời, giao dịch ngoại thương cũng trở nên phổ biến hơn.
Từ đó, thu nhập tài chính của thời Tống đạt mức cao nhất trong lịch sử, cao gấp 10 lần so với triều Minh và gấp 4 lần so với triều Thanh sau này. Chính vì vậy, lương bổng của Bao Chửng cao cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, những cống hiến của Bao Chửng dành cho thời Tống không thể được cân đo đong đếm bằng tiền tài. Cả đời của ông công chính liêm minh, không đam mê quyền quý, luôn cứu giúp dân lành, trừ gian diệt bạo, thu phục lòng dân, tạo nên tiếng thơm muôn đời.
Nguồn: Sohu
Pháp luật và bạn đọc