Lương cao và gần nhà - bạn định nghĩa đó là công việc trong mơ? Cái lợi nhỏ trước mắt dễ làm sụp đổ tiền đồ của bạn!
Lựa chọn công việc chỉ đơn thuần là một hành động lý tính. Ngành nghề, công ty, sếp mới là những nhân tố cần phải lựa chọn khắt khe, cộng thêm với sự nỗ lực của chính bản thân thì chắc chắn công việc mà bạn đã chọn sẽ không bao giờ là kém cỏi.
Một hôm tôi đọc được dòng status của một người bạn trên Facebook:
Thứ nhất, nếu thu nhập của tất cả mọi công việc đều giống nhau thì bạn còn lựa chọn công việc hiện tại của mình không?
Thứ hai, bạn hy vọng con cái của bạn sau này làm công việc hiện tại của bạn không?
Thứ ba, nếu bạn chỉ còn sống được 10 năm nữa, bạn sẽ làm gì để không phải hối tiếc?
Trong lòng các bạn đã có câu trả lời cho ba câu hỏi này chưa?
Tôi đã thực sự chững lại 10 phút để nghĩ câu trả lời của mình.
Mỗi ngày chúng ta có 16 tiếng tỉnh táo, trừ đi thời gian ăn uống, sinh hoạt thì công việc chiếm tới 60%-80% thời gian. Sự nghiệp và hôn nhân là hai nhân tố lớn gây ra sự biến đổi tới cuộc đời mỗi người. Công việc không như ý sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe tâm lý và việc nâng cao giá trị bản thân. Vậy thế nào là một công việc tốt và làm sao để có được một công việc tốt?
Đầu tiên bạn phải có sự lựa chọn đúng đắn
Xét về vấn đề chuyên ngành, khả năng nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ theo đuổi lĩnh vực không quá yêu thích, nhưng họ cũng không yêu thích gì chuyên ngành hiện tại. Thực ra sự do dự lớn nhất đó là theo đuổi những gì mà mình yêu thích hay là đi theo chuyên ngành của mình. Theo đuổi sở thích thì không có ưu thế còn theo đuổi chuyên ngành lại không có cảm hứng.
Cho dù bạn đi theo chuyên ngành hay làm những việc mà mình yêu thích thì cũng sẽ có hai khả năng một là tiền đồ tươi sáng, hai là gai góc đầy đường.
Quan trọng là bạn muốn làm trong lĩnh vực ngành nghề gì? Công ty có hiệu quả như thế nào? Đi theo những người Sếp ra sao? Thời đại, ngành nghề, công ty, bộ phận, Sếp…mỗi một môi trường lớn hay tiểu sinh thái nhỏ, mỗi một sự biến đổi nhỏ đều có sự ảnh hưởng lớn tới việc phát triển thuận lợi trong công việc của bạn.
Sức ảnh hưởng nhỏ về khuynh hướng trong lòng của bạn không bao giờ có thế sánh bằng với sức ảnh hưởng tác động của môi trường bên ngoài.
Bởi vậy lựa chọn công việc chỉ đơn thuần là một hành động lý tính. Ngành nghề, công ty, Sếp mới là những nhân tố cần phải lựa chọn khắt khe, cộng thêm với sự nỗ lực của chính bản thân bạn thì tôi nghĩ rằng công việc mà bạn đã chọn sẽ không bao giờ là kém cỏi cả.
Nếu như bạn chọn sai cả 3 nhân tố trên thì cho dù bạn có yêu công việc đến mấy, cũng sẽ không có được thành quả gì cả.
Đầu tiên phải có sự lựa chọn đúng đắn thì mới có cơ hội càng cố gắng, càng may mắn.
Vậy một công việc tốt sẽ có những tiêu chí nổi bật nào?
Ngành nghề, công ty và Sếp nghe có vẻ đều rất khó lựa chọn.
Lòng người khó đoán, những người mới xông pha trong công việc thường sẽ rất khó trong việc nhìn rõ bộ mặt thật của những người cũ. Vậy có phương pháp nhận biết đơn giản hay khả dụng nào để giúp những người làm việc tốt đáng được ca ngợi bộc lộ hết tài năng hay không?
Tiêu chí 1: Có khả năng nổi bật để nâng cao giá trị bản thân
Bản chất của công việc là tối đa thương mại hóa thời gian ở nơi làm việc. Chỉ có việc không ngừng nâng cao năng lực, sáng tạo càng nhiều giá trị hơn nữa trong thời gian làm việc tại công ty mới có được một mức lương cao. Để trong tương lai khi mà sức lực của bạn không còn như lúc trẻ, bạn vẫn có thể duy trì chất lượng cuộc sống hiện tại hoặc có một cuộc sống tự do hơn.
Trạng thái lý tưởng nhất của đời người có lẽ là "kiềm nén trước và phát huy sau". Khi còn trẻ, sinh lực dồi dào, ít điều phải bận tâm nên sẽ thích hợp với việc phấn đấu, học hỏi bản lĩnh, để đến lúc về già khi mà cơ thể đã yếu đuối mệt mỏi, nhiều thứ bận tâm, bởi vậy chỉ khi trước đó bạn đã tích lũy đủ thì mới có thể ung dung tự tại ứng phó với mọi khó khăn, thử thách.
Nếu ngược lại, lúc trẻ quá tự do tản mạn không chịu nỗ lực học hỏi khi về già mọi thứ đều sẽ hạn hẹp, thất bại sẽ tiếp nỗi thất bại.
Do vậy, bỏ ra cùng một thời gian và trí lực, làm những công việc giúp bạn thăng cấp mới là nhiệm vụ trọng yếu.
Dưới tiêu chuẩn này chúng ta hãy cùng nhau xem xét những nhân tố nào không thuộc trong phạm trù nâng cao giá trị bản thân.
Môi trường làm việc tốt đẹp ư? Địa điểm làm việc thuận lợi? Nhiều hotgirl? Lương hơn chục triệu? Đi làm không cần quẹt thẻ? Thời gian nghỉ phép linh động?...
Những nhân tố này không thể đảm bảo việc "nâng cao giá trị bản thân" được. Bởi vậy khi suy nghĩ về việc có nên tiếp nhận công việc này không thì những nhân tố này sẽ không được coi trọng cho lắm.
Vậy thì những nhân tố nào mới càng quan trọng hơn:
Công ty có phải là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực hay ngành nghề đó không? Trình độ kỹ thuật, chất lượng quản lý, chất lượng sản phẩm có tiên tiến hay không? Sếp quản lý trực tiếp bạn có ưu tú hay không?
Có thể học được những phương pháp làm việc chuyên nghiệp trong ngành hay không?
Có thể tiếp cận được với những kỹ thuật tiên tiến nhất hay không?
Có được tham gia các dự án mang tính sáng tạo hay không?
Có những người bạn đối tác ưu tú hay không?
Chọn mặt gửi vàng, đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của môi trường, môi trường ở đây không chỉ đơn thuần là môi trường văn phòng làm việc mà là môi trường xã giao.
Tiêu chí thứ 2: Tập trung một đội ngũ những người làm việc đơn giản
Người trẻ kinh nghiệm thiếu sót làm thế nào để có thể nhanh chóng phán đoán một công ty có đáng tin cậy hay không?
Thực ra chỉ cần bạn bắt đầu vào làm việc được khoảng một tháng là có thể cơ bản đoán được:
Những người đồng nghiệp có thành tích nổi bật, làm việc có trách nhiệm có được bổ nhiệm vào những vị trí cốt cán hay không?
Những đồng nghiệp có doanh số lớn có được công ty khen thưởng hay không?
Những người làm việc có thâm niên liệu có được báo đáp xứng đáng thường niên hay không?
Những người thích tán gẫu, không có việc gì làm, đầy tiêu cực có bị đẩy lùi sang một bên không?
Hợp tác giữa các bộ phận dễ dàng hay khó khăn?
Các công việc mang tính phê duyệt theo quy trình có quá phức tạp hay cứng nhắc hay không?
Những ý kiến hợp lý từ khách hàng đối với sản phẩm của công ty có nhận được phản hồi hay không?
Một công ty không có chế độ thưởng phạt rõ ràng, tổ chức rời rạc, luôn chùn bước trước khó khăn thì sớm muộn gì cũng sẽ tụt lùi mà thôi. Những công việc như vậy thường có tính rủi ro lớn, bất giác sẽ làm mất đấu trí của bạn. Người trẻ nếu bước vào làm việc tại một công ty như vậy sẽ rất dễ bị đồng hóa, bởi suy cho cùng con người đều có tính lường biếng.
Bạn muốn trở thành một người như thế nào thì hãy hợp tác cùng với người như thế?
Tiêu chí thứ 3: Sản phẩm của công ty đủ tốt để bạn tình nguyện giới thiệu với người thân và bạn bè xung quanh
Ý nghĩa tồn tại của một đơn vị tổ chức công ty nào đó là ở việc có thể giúp xã hội giải quyết một vấn đề nào đó. Sở dĩ có một số ít công ty trở nên vĩ đại là do họ không chỉ giải quyết được những vấn đề nhất định mà còn góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xã hội.
Nhưng trong xã hội thực tế vẫn còn tồn tại không ít những công việc mang ý nghĩa tiêu cực cho xã hội, về điểm này có thể nhìn thấy rõ trên hoạt động, phương thức kinh doanh và sản phẩm của họ.
Ví dụ như những công ty cung cấp các dịch vụ sao chép giả mạo, môi giới phát tờ rơi, dán quảng cáo trên đường, những công việc lách luật nhằm thu được lợi ích trước mắt, sản phẩm giả mạo kém chất lượng…
Một tiêu chí phán đoán tương đối đơn giản đó là bạn có tình nguyện giới thiệu sản phẩm của công ty mình tới bạn bè và người thân không? Nếu bạn không những yên tâm mà còn vô cùng tự hào thì chứng tỏ công ty của bạn tương đối đáng tin cậy.
Vậy phải làm thế nào để có những sự lựa chọn sáng suốt trong cả 3 yếu tố ngành nghề, công ty và Sếp đây?
Bắt đầu từ công việc đầu tiên của bạn hãy học cách phán đoán chiều hướng phát triển của các ngành nghề
Khoảng 5 năm trước, tôi có một cơ hội thay đổi công việc với mức lương cao đó là một công ty buôn bán tivi, tôi có quen biết với anh sếp bên đó, chúng tôi nói chuyện rất hợp nhau. Nhưng sau khi suy nghĩ tôi lại quyết định từ bỏ cơ hội đó. Nguyên nhân là bởi buôn bán ti vi là một ngành nghề sắp xế chiều, hiện tại những người xem ti vi chủ yếu chỉ là người già và trẻ nhỏ. Trong tương lai các thiết bị điện tử tiên tiến hơn, tiện dụng hơn sẽ thay thế phần lớn số lượng ti vi.
Những người như chúng ta liệu còn thói quen xem ti vi nữa không? Dĩ nhiên là rất ít, bởi vậy ngành nghề này sẽ phải đối mặt với việc chuyển ngành hoặc nâng cấp thay thế hoặc thậm chí là bị đào thải trực tiếp…những điều này đều có khả năng phát sinh. Gần đây tôi có lên mạng tìm lại thông tin về công ty đó nhưng hầu hết không thấy họ có cập nhật gì mới. Đến bây giờ khi nhìn lại tôi thấy lựa chọn làm việc trong công ty internet ngày đó quả là một sự lựa chọn đúng.
Bởi vậy mới nói làm việc gì cũng cần phải biết nhìn xa trông rộng, đừng nên chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà đánh mất tiền đồ, nếu như khả năng phán đoán thực sự còn chưa tốt có thể học hỏi thêm những người đi trước có kinh nghiệm khác.
Phải đặc biệt chú ý tới doanh thu của công ty có phải đang phát triển ổn định hay không?
Những công ty đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì có thể thấy được báo cáo tài chính gần đây của họ nhưng nếu là công ty chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì hãy dựa vào tình hình tiêu thụ sản phẩm của nó. Có rất nhiều người cho rằng bản thân mình có được thăng chức thăng lương hay không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa mình và Sếp. Những người có suy nghĩ như vậy sẽ rất dễ gặp phải những kết cục nằm ngoài dự kiến.
Điều quan trọng nhất là công ty có đủ không gian để giúp bạn thăng chức hay tăng lương hay không?
Tôi đã từng làm việc hơn một năm cho một công ty và tôi là nhân viên xuất sắc nhất trong bộ phận kinh doanh, trong vòng hơn một năm đó tôi được công ty biểu dương khen thưởng ba lần nhưng mức tăng lương mà tôi nhận được chỉ là một triệu rưỡi trong vòng hơn một năm.
Công ty, đơn vị và Sếp đều rất khẳng định bạn nhưng thực tế lại không có khả năng để báo đáp bạn, bởi doanh thu của công ty đang ngày càng đi xuống, doanh thu một khi đã sa sút thì mọi phúc lợi, chế độ đãi ngộ đều sẽ bị cắt giảm, đây chính là những gì mà tôi đã từng đích thân trải nghiệm.
Một điểm rất dễ bị bỏ qua đó là Sếp còn muốn phấn đấu hay không?
Một vị Sếp tốt trong mắt mọi người đó là một người dễ tính, hiền hòa, phê bình kín nhưng biểu dương công khai.
Nhưng thực tế bạn sẽ phát hiện ra một điều rằng một người Sếp tốt sẽ là một người khi bạn làm việc tốt ngoài việc tăng lương cho chính mình còn sẽ nghĩ tới việc tăng lương cho cả bạn nữa.
Một vị Sếp có tính cách ôn hòa sẽ khiến bạn thoải mái trong chốc lát nhưng một vị Sếp có ý chí và tinh thần chiến đấu mới là đáng quý.
Thật ra trong xã hội này cũng có những vị Sếp khó tính thẳng thắn phê bình bạn những lại kiên nhẫn chỉ ra khuyết điểm của bạn thậm chí là lấy mình làm gương để dẫn dắt bạn, bạn cũng nên phải trân trọng họ.
Ngoài ra bạn cũng chú ý một số điều dưới đây để lựa chọn cho mình một công việc thực sự tốt
Hãy hỏi kinh nghiệm từ những người giỏi, những người xuất sắc
Phải luôn hỏi hoặc nhờ sự tư vấn từ những người giỏi, những người xuất sắc thực sự chứ không phải là người bạn thân tín. Những người bạn tin tưởng thường sẽ là người thân, bạn học, bạn chí cốt của bạn. Họ là những người thân cận với bạn nên thường sẽ cùng một mức trình độ với bạn, bởi những người có khoảng cách quá lớn thường sẽ rất khó trở thành bạn bè, nên họ chỉ có thể đưa ra những ý kiến tương đối cho bạn mà thôi.
Xem đối tác công ty có ưu tú hay không
Nếu thực sự không thể phán đoán được qua các yếu tố khác bạn có thể xem xét tới các bên đối tác của công ty đó. Cho dù là những công ty mà bạn chưa từng nghe thấy tên tuổi nhưng chỉ cần họ hợp tác với những đối tác ưu tú, những đối tác nổi tiếng vậy chứng tỏ bạn đã lựa chọn đúng, bởi những người đối tác giỏi đều không phải là kẻ ngốc.
Những người tự giác luôn là những người làm việc tốt
Một người có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm thì dù đi đến đâu cũng sẽ giỏi. Ngược lại những người trì hoãn ứng phó với công việc, tăng ca thêm nửa tiếng liền mặt nặng mày nhẹ, kén cá chọn canh mà lại không chịu học hỏi thì dù có gặp được một công việc tốt cũng sẽ rất uổng phí.
Có lẽ bạn chưa từng gặp một ai đó thức khuya dậy sớm, cần cù siêng năng, tính cách cởi mở mà lại ca thán cuộc sống bất công và tôi cũng chưa từng gặp một người trẻ tuổi nào chăm chỉ, có trách nhiệm, nỗ lực học tập, tấm lòng rộng mở mà lại luôn không có cơ hội cả.
Trí thức trẻ