MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương cao vẫn khó tìm lao động vận tải biển

Lương cao vẫn khó tìm lao động vận tải biển

Với mức lương khá phổ biến từ 15-20 triệu đồng/tháng đối với lao động lành nghề và hơn 220 triệu đồng với vị trí thuyền trưởng, máy trưởng nhưng các công ty vận tải biển vẫn không tìm được lao động trong nước, phải thuê nhân công nước ngoài với chi phí rất cao.

Phải thuê lao động nước ngoài

Theo ông Phạm Minh Chiến - Trưởng phòng Thuyền viên - Công ty CP TMDV Hàng hải Hưng Phát, trong thời gian qua, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng thực tế nhu cầu vận tải biển vẫn tăng cao. Ngay doanh nghiệp nơi ông làm việc đang quản lý và khai thác nhiều đội tàu công suất trên 320.000 tấn, nhu cầu tuyển dụng nhân lực để hoạt động trên tàu là rất lớn.

“Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trên tàu, công ty phải hợp tác với các công ty vệ tinh để tuyển dụng lao động nước ngoài như Singapore, Philippin, Ấn Độ,… và phải trả chi phí cao gấp nhiều lần so với việc sử dụng nhân lực trong nước. Vấn đề sử dụng lao động nước ngoài trên tàu cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó bất đồng lớn nhất là về ngôn ngữ, phong cách làm việc,…”- ông Chiến cho biết.

Cùng nhận định trên, ông Võ Lê Anh Dũng - Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác quốc tế INLACO (INLACO SAIGON) cho biết, ngành vận tải biển vẫn có mức tăng trưởng cao và điểm chung hiện nay của các công ty vận tải trong lĩnh vực này là “ đau đầu về vấn đề nguồn nhân lực”.

Theo ông Dũng, hiện nay mức lương của sinh viên hàng hải vừa ra trường phổ cập là khoảng 15-20 triệu đồng và sau thời gian trưởng thành trong nghề với các chức danh như thuyền trưởng, máy trưởng thì mức thu nhập có thể lên đến 10.000 USD (hơn 220 triệu đồng), nhưng tại nhiều công ty vẫn thiếu hụt nhân lực.

Ông Dũng cho rằng, nhu cầu tuyển dụng của các công ty vận tải biển rất lớn, nhưng nguồn lao động trong nước khan hiếm, khiến các công ty phải thuê nhân lực từ nước ngoài với chi phí cao. “Công tác truyền thông cho đào tạo nhân công ngành hàng hải còn hạn chế. Các cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng hải cần phối hợp với doanh nghiệp để thay đổi chiến lược tuyển sinh, tăng cường đào tạo nhân lực chuyên sâu thì mới giải quyết được vấn đề này trong tương lai”, ông Dũng nói.

Cùng chia sẻ khó khăn trên, ông Phạm Văn Chiến - Trưởng phòng tư vấn Công ty CP Khí và Hoá chất Việt Nam cho biết, công ty hiện có nhiều đội tàu sử dụng nhân công từ thủy thủ thợ máy đến thuyền trưởng là khoảng 1.300 người, chưa tính đội ngũ trên bờ. Hiện nay mức lương sàn trong ngành hàng hải từ 16-20 triệu đồng.

Ông Chiến nhìn nhận, mặc dù mức lương cao nhưng xã hội vẫn có định kiến với nghề lênh đênh sông nước, sống xa nhà quanh năm. “Nghề đi biển vẫn kén nhân sự, nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ, người đi biển vẫn có thể liên lạc và theo dõi gia đình qua các trang mạng xã hội dễ dàng”, ông Chiến nói.

Gặp khó từ khâu tuyển sinh

Nhìn nhận thực tế, ông Trương Thanh Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hàng hải II cho biết, những năm qua, giá cước của tàu container tăng đột biến, thậm chí có những thời điểm tăng 10-15 lần. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đều có nhu cầu mua thêm tàu biển. Đồng thời, họ cũng tăng lương cho thuyền viên và tăng cường kêu gọi nguồn nhân lực cho ngành hàng hải.

“Nhưng hiện tại các công ty đều đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Ví dụ Công ty Cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam hiện nay có 81 tàu thì chỉ tuyển được lượng thuyền viên cho 30 tàu, số còn lại phải thuê lao động nước ngoài”- ông Dũng cho biết.

Theo ông Trương Thanh Dũng, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Hàng hải II đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, vận tải biển, logistics… Bộ GTVT đã chấp thuận cho trường được thực hiện các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất, ngang tầm với các trường đại học trong ngành. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển sinh còn khó khăn, chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động, đây cũng là một thách thức lớn đối với trường và các doanh nghiệp vận tải biển.

“Đây là ngành đặc thù bởi nhiều phụ huynh không mặn mà cho con mình sống xa nhà quanh năm. Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh phức tạp ở các quốc gia- nơi đặt các cơ sở và công ty liên kết, đã khiến nhiều phụ huynh không chấp nhận cho con theo ngành học này. Sắp tới, nhà trường sẽ tăng cường công tác tuyển sinh. Đồng thời thay đổi nhận thức về tư duy ngành học trong công tác tư vấn tuyển sinh đầu vào”- ông Trương Thanh Dũng cho hay.

Theo HỮU HUY

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên