Lượng đường khủng khiếp có trong một cốc trà sữa: Bằng 4 lon Red Bull cộng lại
Chỉ cần uống một cốc trà sữa trân châu 500 ml, bạn đã tiêu thụ vượt quá lượng đường cho phép trong 2 ngày.
- 07-10-2018Uống trà sữa trân châu, cô gái bị viêm khớp thái dương hàm: Lời cảnh báo cho những cô gái hay làm việc này khi uống trà sữa
- 04-09-2018Tâm sự gửi các bạn trẻ: Đừng quá nuông chiều bản thân, có thời gian thì bớt hẹn hò trà sữa lại, mau kiếm tiền đi!
- 09-08-2018Chuyện đau lòng có thật: Mẹ bất lực nhìn con bị tử thần đưa đi vì... trà sữa trân châu
Trà sữa , một loại đồ uống cực kỳ phổ biến ở các nước Đông Á trong đó có Việt Nam, đang nằm ngoài vùng phủ sóng của các radar theo dõi tác động sức khỏe. Điều đó có nghĩa là những người mua trà sữa, đa số là người trẻ, không hề và không có cách nào để biết được tác động tiềm ẩn của thứ đồ uống này tới cơ thể họ.
Bằng cách định nghĩa mình là loại đồ uống pha chế tại quầy, trà sữa không cần dán nhãn dinh dưỡng, không cần liệt kê bảng thành phần và thậm chí có thể lách được thuế đường của nhiều quốc gia (chỉ có phạm vi điều chỉnh với các loại đồ uống bán sẵn đóng chai hoặc đóng lon).
Ý thức được đường không tốt cho sức khỏe , nhiều người sẽ chủ động gọi trà sữa giảm đường. Nhưng những con số giảm 75%, 50% hay 30% đường là cực kỳ mơ hồ. Không ai biết trong một cốc trà sữa thực sự có bao nhiêu gam đường.
Lượng đường khủng khiếp trong một cốc trà sữa: Bằng 4 lon Red Bull cộng lại
Chính xác thì: Có bao nhiêu đường trong một cốc trà sữa?
Để giúp công chúng trả lời câu hỏi này, kênh truyền hình NewsAsia đã đặt hàng một loạt thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Bách khoa Temasek Singapore. Họ đã tới 6 cửa hàng trà sữa có thương hiệu nổi tiếng, mua về nhiều đồ uống để các sinh viên tại Temasek kiểm tra lượng đường ẩn trong đó.
Các sinh viên này đang theo học ngành Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm Ứng dụng, họ đã sử dụng một khúc xạ kế để đo lượng đường hòa tan trong các mẫu phẩm. Kết quả gây sốc nhưng không bất ngờ.
Tất cả các loại đồ uống bán trong hàng trà sữa đều chứa cực kỳ nhiều đường. Chẳng hạn, một cốc trà bí đao 500 ml chứa khoảng 80 gam đường. Cùng dung tích, một cốc trà sữa đường nâu chứa tới 92,5 gam đường.
Khủng khiếp nhất là trà sữa trân châu, một cốc 500 ml chứa tới 102,5 gam đường. Hàm lượng đường này cao hơn bất kể một loại nước tăng lực nào có mặt trên thị trường bao gồm Monster (55 gam trong 500 ml), Red Bull (55 gam trong 500 ml), Mountain DEW (62,5 gam trong 500 ml), Samurai (100 gam trong 500 ml).
Trong so sánh, một cốc trà sữa trân châu 500ml có lượng đường gấp gần 3 lần một lon Coca-Cola 330ml, gần 4 lần một lon RedBull 250 ml.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, một người trưởng thành trung bình không nên ăn quá 50 gam đường mỗi ngày. Như vậy, chỉ cần uống một cốc trà sữa trân châu 500 ml, bạn đã tiêu thụ vượt quá lượng đường cho phép trong 2 ngày.
Siti Saifa, giảng viên Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm Ứng dụng tại Trường Cao đẳng Bách khoa Temasek cho biết: ngay cả khi bạn giảm đường xuống còn 1 nửa thậm chí 1 phần tư, một cốc trà sữa vẫn chứa quá nhiều đường cho một ngày.
Cô lưu ý đó còn chưa kể lượng đường có trong trân châu, các loại topping thậm chí cả trái cây được cho thêm vào trà sữa mà thí nghiệm sử dụng khúc xạ kế ở Temasek chưa đo được.
Đo lượng đường trong trà sữa bằng khúc xạ kế
Bản chất gây nghiện của đường và "đại dịch" trà sữa
Nhiều chuyên gia ở Singapore đang cảm thấy lo ngại khi chứng kiến những hàng dài thanh thiếu niên và trẻ em xếp hàng ở các cửa hàng trà sữa. Loại thức uống chứa trà và sữa thường gây lầm tưởng cho người tiêu dùng rằng nó tốt hơn các loại nước ngọt.
"Nếu chúng ta nhìn vào bản chất gây nghiện của đường, không có gì đáng ngạc nhiên khi những đồ uống này đang trở nên phổ biến, và rất nhiều phụ huynh coi đây là một lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe so với các loại nước ngọt giải khát", Bonnie Rogers một huấn luyện viên sức khỏe tại Singapore cho biết.
Nhưng thực tế, chỉ cần uống một cốc trà sữa thôi bạn đã nạp vào cơ thể một lượng đường "kinh khủng khiếp", cô nói.
"Khi bạn công thêm các nguồn đường khác từ đồ ăn vặt và thậm chí cả các loại đường phức từ cơm và trái cây, kết hợp với thực trạng lười vận động ở trẻ em và người lớn nói chung, tất cả vẽ ra một bức tranh đáng sợ".
Giữa cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường đang hoành hành ở Singapore, khi hơn nửa triệu người dân đang phải sống chung với căn bệnh này (cao hơn mức trung bình của toàn thế giới), Bộ Y tế Singapore đã bắt đầu lấy ý kiến người dân về luật đánh thuế và cấm một số loại đồ uống có đường.
Thế nhưng, quy định này chỉ điều chỉnh các loại đồ uống đóng gói bán sẵn như nước giải khát đóng chai, đóng lon. Rogers coi đó là một điểm mù của radar sức khỏe, khi các loại đồ uống pha chế tại quầy như trà sữa không được chú ý tới.
NewsAsia kể một câu chuyện của Tân Hồng Minh là một tài xế Grab 31 tuổi ở Singapore. Trước đây, khi còn là một nhân viên IT, anh Tân uống trà sữa mỗi ngày vì có ngay một quầy bán hàng trong công ty anh. Khi chuyển nghề lái xe, anh chỉ ghé quán trà sữa mỗi tuần một lần, nhưng mua tới 3 cốc một.
"Hầu hết mọi người đều thấy trà sữa quá ngọt, nhưng bản thân tôi thấy càng ngọt càng ngon", anh nói. Màu sắc và sự đa dạng là những gì hấp dẫn anh Tân mua trà sữa. Thêm vào đó, anh nói mình có thể cảm thấy vị đắng của trà, tin rằng trà trong thức uống có phần tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, nó còn giúp anh tỉnh táo hơn khi lái xe.
Hiệu ứng "tàu lượn siêu tốc" sau khi ăn đường
Có một lý do tại sao những người tiêu dùng như anh Tân tìm đến một loại đồ uống như trà sữa. Những đồ uống này gây ra một hiệu ứng "tàu lượn siêu tốc" trên cơ thể, Rogers nói. "Nó đẩy mức năng lượng của bạn lên thật cao và rồi đột nhiên rút cạn nó khiến bạn thấy đói, mệt mỏi và phải tiếp tục phải tìm đến đường để đẩy mức năng lượng trở lại".
Trong bối cảnh của một bức tranh lớn hơn, nếu một người ngủ không ngon, chịu nhiều căng thẳng hoặc ăn một chế độ giàu carbohydrate, cơ thể họ sẽ thèm đường liên tục. Trà sữa xuất hiện trên thị trường để khỏa lấp khoảng trống đó, và đã rất thành công vì là một loại đồ uống dễ tiếp cận, Rogers nói.
Bạn có nên uống trà sữa hay không?
Cuối năm 2018, bên lề Hội nghị Bộ trưởng về Bệnh tiểu đường đầu tiên được tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này nói rằng ông không muốn quá khắt khe với các quy định liên quan đến đồ uống có đường như trà sữa.
Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, ông Gan Kim Yong nói. Chính phủ có thể giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về hậu quả nếu họ lựa chọn một loại đồ uống nào đó có nhiều đường.
"Chúng tôi thực sự không muốn tước đi sự lựa chọn của người tiêu dùng một cách không cần thiết. Chúng tôi muốn cho mọi người lựa chọn, nhưng đồng thời, chúng tôi muốn giúp mọi người lựa chọn đúng", ông Gan cho biết.
Theo ông, Bộ Y tế Singapore sẽ tiếp cận vấn đề này bằng cách giáo dục và nâng cao nhận thức công chúng, nhằm thông tin cho họ biết bản chất sức khỏe của các loại thực phẩm mà họ chọn tiêu thụ.
"Sức khỏe vẫn là trách nhiệm của từng cá nhân. Sự lựa chọn đem lại lợi ích [hoặc rủi ro] cho chính bản thân bạn, do đó bạn cần có trách nhiệm", ông Gan nói.
Vậy để đối mặt với câu hỏi có nên uống trà sữa hay không, bây giờ bạn có thể nhìn vào lượng đường khủng khiếp có trong đó để lựa chọn.
Tham khảo Channelnewsasia
Trí Thức trẻ