MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tuyên chiến với "văn hóa 996", dân công nghệ buồn nhiều hơn vui và đây là lý do

04-09-2021 - 10:37 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc tuyên chiến với "văn hóa 996", dân công nghệ buồn nhiều hơn vui và đây là lý do

Chiến dịch cải thiện điều kiện cho người lao động của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty, đặc biệt là một số công ty công nghệ lớn, cắt giảm thời gian làm thêm giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hài lòng chính sách này.

Một số nhân viên tại ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã bị sốc khi phát hiện tiền lương tháng 8 của họ giảm 17% sau khi công ty áp dụng chính sách cải thiện điều kiện cho người lao động của chính phủ Trung Quốc.

Trong thập kỷ trước, các công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng với văn hóa làm việc "996". Cụ thể, những công ty áp dụng văn hóa khắc nghiệt này yêu cầu nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày mỗi tuần.

Nhưng ngược lại, 996 cũng được coi là huy hiệu danh dự và được ca ngợi là một lợi thế cạnh tranh của nước này với các đối thủ Mỹ và Châu Âu. Đây cũng là một sự đảm bảo về mức lương vì luật pháp Trung Quốc quy định rằng người lao động được trả lương gấp đôi khi làm thêm giờ vào cuối tuần và gấp ba vào những ngày nghỉ lễ.

Từ khoảng hai năm trước, một số công nhân trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu phàn nàn về văn hóa 996 quá mệt mỏi. Phong trào này đã thu hút sự ủng hộ từ các nhà chức trách, những người quan tâm đến việc thúc đẩy các giá trị xã hội chủ nghĩa và quyền của người lao động khi tiến hành cải cách các quy định trên phạm vi rộng. Vào tháng trước, tòa án tối cao của Trung Quốc đã tuyên bố văn hóa 996 là bất hợp pháp.

Một giám đốc sản phẩm tại ByteDance nói với Reuters: "Khối lượng công việc của tôi không hề thay đổi, nhưng lương lại thấp hơn".

Các công ty công nghệ khác như nền tảng video ngắn Kuaishou và công ty giao đồ ăn Meituan gần đây cũng đã cắt giảm thời gian làm thêm giờ cuối tuần bắt buộc của nhân viên.

Các nhà chức trách cũng yêu cầu công nhân nghỉ nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao hàng thực phẩm, nơi thường bị lên án thúc ép tài xế tuân thủ thời hạn giao hàng chặt chẽ. Meituan cho biết họ sẽ phổ biến chính sách của nhà nước rộng rãi cho các nhân viên của mình.

Thành phố Hạ Môn ở miền nam Trung Quốc cũng đã yêu cầu các công ty thực hiện "20 phút nghỉ giải lao sau mỗi 4 giờ làm việc" cho nhân viên giao hàng.

Khi nói về cách những tài xế được trả tiền cho mỗi đơn hàng, một người dùng Weibo đưa ra nghi vấn: "Điều này chẳng phải sẽ hạn chế thu nhập của họ sao? Hoặc họ phải lái xe nhanh hơn để giao hàng?".

Tuy nhiên, chính sách này cũng có những hậu quả không mong muốn. Giảm lương cũng có thể gây rắc rối cho việc giữ chân nhân viên và vấn đề đặt ra là liệu các công ty có nên tăng lương để bồi thường cho người lao động vì họ mất giờ làm thêm hay không.

Linh Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên