Lương giảm và nguy cơ thất nghiệp tăng, người tiêu dùng Trung Quốc quay lưng với hàng hiệu, thị trường hàng "dupe" lên ngôi
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã tác động mạnh đến túi tiền của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Giữa bối cảnh đó, thị trường hàng "dupe" đang bùng nổ mạnh mẽ, trở thành giải pháp thay thế hấp dẫn cho các sản phẩm cao cấp đắt đỏ.
- 21-09-2024Từng bị toàn mạng chế giễu vì gọi túi Charles & Keith là "hàng hiệu xa xỉ", cô gái 17 tuổi khiến tất cả những ai từng chê bai phải lặng im sau 2 năm
- 20-09-2024Nàng mẫu với nét đẹp lai Á - Âu nổi tiếng từ 9 tuổi, hơn 10 năm sau khoe thần thái "ngút ngàn" bên mẫu túi xách hàng hiệu
- 07-09-2024Mê cái cách hotboy tuyển Việt Nam thay đổi bản thân: Từ “boy hàng hiệu” hoá thanh niên tiêu biểu
Thế hệ tiêu dùng mới và sự trỗi dậy của hàng "dupe"
Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc không còn là một khái niệm trừu tượng đối với Trịnh Khiết Văn (23 tuổi), nhân viên một công ty quảng cáo ở thành phố Quảng Châu.
Là một người mẫu ảnh, thu nhập của Trịnh từng đạt mức 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) mỗi tháng khi cô mới bắt đầu công việc hai năm trước. Nhưng từ năm ngoái, khi hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu sa sút, mức lương của cô bị giảm dần, đỉnh điểm là vào tháng 2 vừa qua, thu nhập của Trịnh chỉ còn bằng một nửa so với trước đây.
"Tôi đã vô cùng sốc" , Trịnh chia sẻ với CNN. Cô cho biết mình đã lập tức cắt giảm chi tiêu để phù hợp với mức lương mới. Điều đó đồng nghĩa với việc không còn Louis Vuitton, Chanel hay Prada - những thương hiệu yêu thích trước đây của cô.
Laurel Gu, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Thượng Hải) cho biết, sự suy thoái kinh tế "rõ ràng" đã khiến lượng tìm kiếm các sản phẩm "dupe" trên mạng xã hội tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến 2024.
Ngày nay, Trịnh và bạn bè của cô đang chi tiêu hạn chế hơn vào những sản phẩm được gọi là "pingti" - bản sao chất lượng cao của các sản phẩm thương hiệu, được biết đến trong tiếng Anh là "bản dupe". Một số sản phẩm "pingti" gần như không thể phân biệt được với hàng thật, trong khi một số khác được lấy cảm hứng từ thiết kế ban đầu và cung cấp nhiều màu sắc hoặc kết cấu hơn. Theo các nhà phân tích, mức độ phổ biến của danh mục sản phẩm này đang tăng vọt khi niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc gần chạm mức thấp kỷ lục.
Gu cho biết, không giống như 10 năm trước, khi người tiêu dùng Trung Quốc - những người chi tiêu xa xỉ hàng đầu thế giới - tranh nhau mua sắm hàng hóa phương Tây từ các thương hiệu nổi tiếng, thì hiện tại, họ đang ngày càng chuyển sang các lựa chọn thay thế có giá cả phải chăng hơn, một xu hướng đang trở thành "chủ đạo mới".
Hàng "dupe" có thể rẻ hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh mang thương hiệu mạnh. Chẳng hạn, một chiếc quần yoga Align của Lululemon (LULU) có giá 750 nhân dân tệ (2,6 triệu đồng) trên trang web chính thức của hãng tại Trung Quốc. Ngược lại, tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử phổ biến bao gồm Tmall cho ra hàng tá lựa chọn khác, thường sử dụng từ "Lulu" trong tên cửa hàng, chào bán những chiếc quần legging tương tự với giá chỉ 35 nhân dân tệ (120.000 đồng) và khẳng định có chất lượng tương đương.
Tình yêu ngày càng lớn của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng "dupe" không chỉ là vấn đề của các thương hiệu lâu đời như Louis Vuitton. Doanh số bán hàng tại LVMH - tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ - đã giảm 10% trong sáu tháng đầu năm nay tại khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) so với năm 2023. Thị trường này vốn bị chi phối bởi Trung Quốc.
Xu hướng "pingti" đang góp phần vào mức tiêu thụ và doanh số bán lẻ ảm đạm chung, chỉ tăng 2,1% trong tháng trước, thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 2,5% của các nhà kinh tế mà Reuters đã khảo sát. Việc Bắc Kinh không thể thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững trong tiêu dùng hộ gia đình trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản đang diễn ra cũng gây ra những tác động to lớn trên toàn cầu.
Người tiêu dùng thận trọng
Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nomura đã viết trong một lưu ý nghiên cứu vào ngày 4/9 rằng, một năm rưỡi sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch Covid-19, niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang chật vật để phục hồi.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của nước này đã giảm từ 86,2 trong tháng 6 xuống 86,0 trong tháng 7, chỉ cao hơn một chút so với mức thấp kỷ lục 85,5 được ghi nhận vào tháng 11/2022 - thời điểm đất nước tỷ dân vẫn đang chìm trong đại dịch. (Chỉ số đo lường niềm tin của người tiêu dùng trên thang điểm từ 0 đến 200, với 100 cho biết quan điểm trung lập.)
Các nhà kinh tế cho biết người mua sắm đang đứng ngoài cuộc chơi do giá cổ phiếu giảm, dòng vốn chảy ra và tăng trưởng tiền lương "ảm đạm". Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn của CNN với người tiêu dùng ở nhiều nơi khác nhau của Trung Quốc, việc giữ được mức lương hiện tại đã được coi là một chiến thắng.
Một giáo viên dạy toán tiểu học đến từ Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, người tự xưng là Tân Tân, nói với CNN rằng trước đây cô là một người hâm mộ trung thành của serum Advanced Night Repair của Estée Lauder.
Nhưng sau khi bị cắt giảm lương "khủng" hơn 20% trong năm nay, điều mà cô cho là do "vấn đề tài chính" trong ngành của cô gây ra bởi những thách thức kinh tế, cô đã chuyển sang các lựa chọn thay thế thân thiện với ngân sách hơn. Cô đã tìm thấy một loại serum có cùng thành phần chính với mức giá chiết khấu lớn, khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng) cho 20 ml, so với 720 nhân dân tệ (khoảng 2.500.000 đồng) cho 30 ml của Estée Lauder.
"Tại sao lại là hàng "dupe"? Tất nhiên là vì lương bị cắt giảm!", cô nói đùa.
Tân Tân và Trịnh - cô người mẫu ảnh - cho rằng bản thân họ may mắn khi còn có việc làm. Hôm thứ Sáu, Trung Quốc tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 18 đến 24 (không bao gồm sinh viên) đã tăng lên 18,8% trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được công bố trở lại vào tháng 1. Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu này trong vài tháng sau khi nó liên tục đạt mức cao kỷ lục vào mùa hè năm ngoái.
Sụt giảm nghiêm trọng
Nhiều nhà kinh tế tin rằng nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề kinh tế của Trung Quốc là lĩnh vực bất động sản đang ốm yếu, lĩnh vực từng chiếm tới 30% hoạt động kinh tế của nước này. Ngành này bắt đầu nguội lạnh vào năm 2019 và rơi xuống vực sâu khoảng hai năm sau đó, sau chiến dịch siết chặt vay nợ của các nhà phát triển do chính phủ dẫn đầu.
Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của giá bất động sản và mất niềm tin của người tiêu dùng. Các cá nhân và doanh nghiệp đã cố gắng bảo toàn tài sản của mình bằng cách bán tài sản và cắt giảm tiêu dùng, cũng như đầu tư.
Nomura cho biết giá nhà ở hiện tại đã giảm gần 30% so với năm 2021, viện dẫn nghiên cứu từ Beike - một nền tảng theo dõi các giao dịch nhà ở - dựa trên mẫu của 25 thành phố lớn.
“Không giống như hiệu ứng tài sản tích cực rất lớn được chứng kiến ở Mỹ sau Covid, các hộ gia đình Trung Quốc đã phải gánh chịu khoản lỗ tài sản khổng lồ từ cuộc khủng hoảng nhà ở, ước tính lên tới 18 nghìn tỷ USD”, các nhà kinh tế của Barclays viết trong một lưu ý nghiên cứu vào ngày 12/9.
Để dễ hình dung, họ cho biết, điều đó giống như việc mỗi hộ gia đình ba người ở Trung Quốc đã mất khoảng 60.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng), một khoản tiền gần gấp 5 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc.
Nicole Hal, một nữ doanh nhân tự do 33 tuổi ở Quảng Châu, nói với CNN rằng việc cô thiếu lạc quan vào nền kinh tế đất nước đã khiến cô phải cắt giảm chi tiêu, mặc dù cô dự kiến sẽ kiếm được ít nhất 4 triệu nhân dân tệ trong năm nay (14 tỷ đồng) cùng với chồng.
Cô chia sẻ: "Tôi đã ngừng mua sắm hàng hóa xa xỉ và các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, bao gồm cả quần áo đắt tiền. Tôi cũng ngừng ăn ngoài, thay vào đó tôi tự nấu ăn ít nhất bốn ngày một tuần".
“Vòng luẩn quẩn” của việc giảm tiêu dùng, vốn đã góp phần vào một loạt dữ liệu kinh tế bi quan, đã khiến một số ngân hàng đầu tư tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống dưới mức mục tiêu 5% được công bố vào tháng 3.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt do lĩnh vực bất động sản gây ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phần lớn tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất, bao gồm cả lĩnh vực xe điện (EV). Nhưng chiến lược "tràn ngập" thị trường nước ngoài của nước này đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu, đặc biệt là trong số các nhà sản xuất EV ở châu Âu.
“Ở Trung Quốc, nhu cầu trong nước yếu và tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ đã đẩy thặng dư thương mại hàng hóa lên mức cực kỳ cao”, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs viết trong một báo cáo ngày 13/9, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với thuế quan bổ sung từ các đối tác thương mại nếu tiếp tục xuất khẩu thặng dư.
Theo CNN
Thanh niên Việt