MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương giảm và những khoản vay chồng chất, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lo sợ: "Có lẽ cả đời này tôi không thể thoát khỏi cảnh nợ nần"

28-06-2022 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Lương giảm và những khoản vay chồng chất, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lo sợ: "Có lẽ cả đời này tôi không thể thoát khỏi cảnh nợ nần"

Các chủ doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang đối mặt với cảnh nợ tăng trong khi thu nhập đi xuống, cùng lúc đó là triển vọng tăng trưởng kinh tế kém khả quan.

Sau khi Fiona Hu rời vùng quê nhỏ bé ở nông thôn năm 18 tuổi, cô đã nỗ lực làm việc trong cả chục năm để mở một thẩm mỹ viện ở tỉnh Quảng Châu. Nhưng sau 2 năm kinh doanh bết bát do ảnh hưởng của đại dịch, cô chìm trong cảnh nợ nần và giấc mơ ngày nào nay biến thành cơn ác mộng.

Người phụ nữ 44 tuổi chia sẻ: "Bây giờ, tôi chẳng còn gì ngoài nợ."

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, do ảnh hưởng của những biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch Covid-19, đã gây ra những vẫn đề căng thẳng cho công việc kinh doanh cũng như khả năng tài chính của Hu. Hu và chồng đã phải chật vật để chi trả các loại hóa đơn trong khoảng 1 năm. Song đến tháng 5 năm nay, họ không đủ khả năng để thanh toán khoản thế chấp hàng tháng 9.000 NDT (1.341 USD). Căn hộ của họ sẽ bị niêm phong và mang đi bán đấu giá.

Hu nói: "Tôi nghĩ cả đời này mình sẽ không thể thoát khỏi cảnh nợ nần. Ai cũng gặp khó khăn, cuộc sống thực sự khắc nghiệt."

Nợ tăng trong khi thu nhập giảm không chỉ là vấn đề đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc – những người chịu ảnh hưởng nặng nề do kinh tế tăng trưởng trì trệ trong những tháng gần đây. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Tang Yin – thư ký 36 tuổi đang làm việc tại một công ty công nghệ nhỏ ở Quảng Châu.

Tang đang cố gắng tiếp tục làm việc nhưng lương hàng tháng đã giảm từ khoảng 5.000 NDT xuống còn khoảng 4.000 NDT. Mẹ của chị đã nghỉ hưu nhưng gần đây phải dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm để giúp con trả khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng 110.000 NDT.

Câu chuyện của Tang và Hu cho thấy tâm lý bất an ngày càng tăng lên đối với tầng lớp trung lưu của Trung Quốc. Nền kinh tế không ổn định trong 2 năm đã làm phá vỡ ý tưởng về việc bạn chỉ cần làm việc chăm chỉ, thì thu nhập sẽ tăng lên.

Đối diện với triển vọng kinh tế bất ổn, các hộ gia đình Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu. Theo Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits, chi nhánh fintech của JD.com, các khoản vay hộ gia đình mới trong 5 tháng dầu năm nay đạt 1,33 nghìn tỷ NDT – mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Shen cho biết, các khoản vay hộ gia đình ngắn hạn đạt mức 192,7 tỷ NDT, thấp nhất trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 kể từ năm 2009. Xu hướng này cho thấy hoạt động tiêu dùng trong nước đã suy yếu. Các khoản vay trung và dài hạn cũng ở mức thấp nhất trong 6 năm là 1,14 nghìn tỷ NDT trong 5 tháng đầu tiên, do nhu cầu mua bất động sản sụt giảm.

Ông nói thêm: "Các hộ gia đình Trung Quốc đang có xu hướng ‘thắt lưng buộc bụng’. Dựa theo xu thế từng diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, khi các hộ gia đình bắt đầu giảm chi tiêu, thì tác động đối với tăng trưởng kinh tế sẽ trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn."

Theo Shen, Trung Quốc cần đưa ra những chính sách kích thích lớn hơn để hỗ trợ thu nhập, việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát hàng quý của Viện Khảo sát Khoa học Xã hội tại Đại học Bắc Kinh và Viện nghiên cứu Ant Group, điều kiện hoạt động của các MSE tiếp tục đi xuống trong 3 tháng đầu năm 2022. So với cùng kỳ năm ngoái, các MSE chứng kiến lợi nhuận hoạt động, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận sụt giảm rõ rệt.

Khoảng 38% MSE có dòng tiền cực kỳ thấp và điều này sẽ khiến họ ít khả năng trụ vững trong chưa đầy 1 tháng, tăng từ 30% trong quý I/2021. Trong khi đó, kết quả khảo sát sẽ tồi tệ hơn trong quý II năm nay, khi các thành phố lớn ở Trung Quốc phong tỏa để phòng dịch.

Thu nhập hộ gia đình trong năm nay sẽ tăng với tốc độ chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với những "cơn gió ngược" cả ở trong và ngoài nước, bao gồm Covid-19 tái bùng phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng những bất ổn gia tăng từ xung đột Nga – Ukraine.

Theo báo cáo của Moody’s Investors Service công bố vào cuối tháng 4, gián bán trung bình của một bất động sản nhà ở tại Trung Quốc dự kiến cũng giảm nhẹ vào năm 2022, do các chủ đầu tư hạ giá để thúc đẩy doanh số và dòng tiền. Ngoài ra, nhu cầu cầu của người mua cũng đã giảm bớt, dù các biện pháp kích cầu đã được tung ra trong những tháng gần đây.

Trong bối cảnh đầy rối ren, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu của Trung Quốc dự đoán tương lai sẽ là bức tranh ảm đạm.

Zheng – một công chức ở Thâm Quyến, cho biết: "Điều mà chúng tôi không có hiện tại là niềm tin, kỳ vọng rằng tiền lương và nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng."

Anh cho biết, mức lương trong bộ phận mà mình đang công tác đã giảm khoảng 30% trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản thế chấp đối với 2 bất động sản mà anh đi vay nhờ sử dụng các khoản vay dựa trên thu nhập của gia đình.

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang cắt giảm một loạt các loại tiền thưởng, trong một phần của nỗ lực giảm áp lực chi phí.

Daisy Deng – luật sư ở tỉnh Quảng Châu, cho biết chị đang cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu và bỏ ý định mua ô tô mới do môi trường kinh tế khó khăn. Chị chia sẻ: "Niềm tin của mọi người vào thu nhập và khả năng trả nợ đang thay đổi nhanh chóng."

Tham khảo SCMP

https://cafef.vn/luong-giam-va-nhung-khoan-vay-chong-chat-tang-lop-trung-luu-cua-trung-quoc-lo-so-co-le-ca-doi-nay-toi-khong-the-thoat-khoi-canh-no-nan-20220628114617126.chn

Vu Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên