MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương giáo viên chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp

14-12-2023 - 20:57 PM | Xã hội

Theo Bộ GD&ĐT, tiền lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Ngày 14/12, Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 8 tồn tại và hạn chế của giáo dục hiện nay sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, cụ thể:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao...

Thứ hai, việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".

Thứ ba, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.

Lương giáo viên chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp - Ảnh 1.

Thứ năm, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Thứ sáu, chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức.

Thứ bảy, cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền.

Thứ tám, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo, nhất là trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tiền lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Việc đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Tại Hội nghị, Bộ GD-ĐT kiến nghị cần đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới.


Theo T.Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên