Lương hấp dẫn vẫn khó... tuyển dụng
Nhiều công nhân ngành dệt may ở Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm giờ làm… đã không cầm cự được đành quay trở về quê hoặc tìm công việc khác. Do đó, khi có đơn hàng trở lại, doanh nghiệp (DN) lại “mỏi mắt” tìm kiếm công nhân.
- 30-09-2023Đã tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương
- 26-09-2023Đề xuất lùi thời điểm trình phương án tăng lương tối thiểu vùng đến cuối năm 2023
- 24-09-2023Cải cách tiền lương: Xây dựng 5 bảng lương mới
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, tại các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương như: Đại Đăng, Kim Huy, Đồng An, VSIP… có rất nhiều DN treo bảng thông báo tuyển dụng, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp ngành dệt may, đây là tín hiệu vui bởi thời gian qua, ngành nghề này thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động. Hiện nay, nhiều DN bố trí nhân sự, bàn ghế bên đường trong các khu công nghiệp để tuyển dụng song vắng công nhân đến nộp hồ sơ xin việc làm.
Các DN trong lĩnh vực dệt may có nhu cầu tuyển dụng lao động đều đưa ra mức thu nhập khá hấp dẫn, từ 7-15 triệu đồng/tháng, song yêu cầu phải có kinh nghiệm hoặc đã biết may. Công ty Cổ phần may mặc Leading Star Việt Nam (KCN Đồng An, Bình Dương) cần tuyển 1.000 công nhân may, kiểm hàng. Thời gian qua, trước cổng 2 khu nhà xưởng của công ty này thường bố trí nhân sự ngồi nhận hồ sơ.
“Công ty có đơn hàng trở lại, để đáp ứng nhu cầu sản xuất phải tuyển thêm lao động, tuy nhiên có rất ít người đến tìm việc làm. Dù túc trực tuyển dụng trong mấy ngày qua song hồ sơ nhận được chỉ vài chục trường hợp, trong đó số đông không đạt yêu cầu”- một cán bộ nhân sự (xin không nêu tên) của Công ty Cổ phần may mặc Leading Star Việt Nam chia sẻ.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thông tin, từ quý 3/2023, thị trường các đơn hàng đã dần trở lại, đây cũng là thời điểm các DN đẩy mạnh tìm kiếm các công nghệ, thiết bị mới để tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh toàn cầu.
Cầm trên tay bộ hồ sơ, anh Hồ Văn Đạt (32 tuổi, quê Vĩnh Long) chạy qua nhiều tuyến đường trong khu công nghiệp Đại Đăng (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một) để tìm việc làm. Anh Đạt cho biết, trước đây anh làm việc tại một công ty gỗ trên địa bàn thành phố Tân Uyên nhưng bị cắt giảm nhân sự nên thất nghiệp suốt hai tháng nay. “Thấy nhiều công ty may mặc tuyển dụng, tôi đến nộp hồ sơ nhưng họ cần lao động có tay nghề nên hồ sơ bị loại. Trong vài ngày tới, nếu không tìm được việc làm, tôi về quê vì hiện tại đang ăn, ở nhờ phòng trọ với hai người đồng hương”- anh Đạt nói.
Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay ngành dệt may kể cả DN có đơn hàng trở lại hoặc thiếu đơn hàng vẫn “mỏi mắt” tìm công nhân. Một số DN mở rộng sản xuất, hay bị thất thoát lao động trước đó, nay cần tuyển lao động thì gặp khó khăn. Ngoài ra, công nhân có tay nghề cũng nhảy việc liên tục nếu doanh nghiệp khác có đơn hàng và trả lương cao hơn. Chính vì vậy, ngành dệt may luôn trong tình trạng thiếu lao động.
“Dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên các DN trong lĩnh vực dệt may dự kiến vẫn chi thưởng ít nhất là lương tháng 13 cho công nhân dịp cuối năm”- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Doanh nghiệp không kén chọn khách hàng
Theo bà Phạm Thị Xuân Trang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hiện nay để duy trì hoạt động sản xuất, các DN phải tìm khách hàng nhỏ lẻ. Nếu như trước đây, một đơn hàng khoảng 500 sản phẩm, các DN sẽ từ chối nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, để có việc làm liên tục, các đơn hàng từ 100 sản phẩm, DN vẫn phải nhận.
“Để nhà máy luôn sáng đèn, ngoài duy trì đối tác tiềm năng, chúng tôi đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng nhỏ lẻ. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, công ty mở cửa chào đón tất cả đối tượng khách hàng”- ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty May mặc Nguyễn Hoàng (Bình Dương) cho hay.
Theo ông Hoàng, khó khăn hiện nay của ngành may đang gặp phải là vấn đề nhân sự. Trước đó, lương công nhân có tay nghề từ 13-15 triệu đồng/tháng nhưng đơn hàng sụt giảm khiến thu nhập của người lao động giảm xuống 40%. Việc thu nhập sụt giảm đã kéo dài nhiều tháng khiến người lao động không đủ trang trải cuộc sống, phải nghỉ việc để về quê và không trở lại.
Tiền phong