MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng khách du lịch đến với Phú Quốc cao nhất trong lịch sử

Sau hơn 2 năm ‘đóng băng’ vì COVID-19, ngành du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự ‘bật dậy’ trong 5 tháng đầu năm với tổng lượng khách đến khu vực này tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Khách nội địa cao nhất trong lịch sử

Với lợi thế có nhiều hòn đảo đẹp, ẩm thực phong phú đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa đặc sắc, tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.

Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc được mênh danh là "thiên đường" du lịch nghỉ dưỡng, nơi đây cũng được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế sau 2 năm tạm đống cửa vì đại dịch COVID-19.

Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, với việc triển khai đồng bộ các quy định về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành du lịch đang phục hồi tốt trong điều kiện bình thường mới, do đó kết quả phát triển ngành du lịch trong những tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc.

Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hút gần 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 51% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là khách nội địa với doanh thu ngành du lịch đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch đến Kiên Giang; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Kiên Giang đến du khách trong nước và quốc tế; triển khai các giải pháp kích cầu du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch… mục tiêu năm 2022 đón từ 7-8 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Là một trong 4 địa phương trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang, từ tháng 4 đến nay, khách du lịch đến Hà Tiên cũng tăng mạnh trở lại.

Bà Nguyễn Thị Mộng Quyên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và du lịch TP. Hà Tiên cho hay, các cơ sở lưu trú luôn "kín phòng" vào các ngày cuối tuần, tính từ đầu năm đến nay Hà Tiên đã đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch.

"Với đà thuận lợi như vậy, dự báo cả năm 2022, Hà Tiên sẽ hoàn thành mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương", bà Quyên cho biết.

Còn tại tỉnh An Giang - địa phương có thế mạnh du lịch tâm linh với dãy thất sơn huyền bí, trong đó có ngọn núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) với chiều cao trên 700m so với mực nước biển được mệnh danh là "nóc nhà", "Đà Lạt" của ĐBSCL, trong 5 tháng đầu năm nay, tỉnh đã đón trên 3 triệu lượt khách du lịch.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, trong thời gian qua, núi Sam, núi Cấm là điểm đến mà hầu hết du khách đều chọn trải nghiệm khi đến với địa phương, khi riêng hai địa danh này đã đón trên 1 triệu khách du lịch từ đầu năm.

Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, 5 tháng đầu năm nay lượng khách du lịch đến với Phú Quốc cao nhất trong lịch sử.

Cùng với đó, các đối tác lữ hành quốc tế cũng đã bắt đầu quay lại liên hệ, kết nối để đưa khách vào Việt Nam và Phú Quốc là điểm đến đầu tiên mà du khách quốc tế chọn.

Đây là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch của Việt Nam nói chung và Phú Quốc –Kiên Giang nói riêng đang hồi phục mạnh mẽ.

Lượng khách du lịch đến với Phú Quốc cao nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Chợ đêm Hà Tiên nhộn nhịp du khách. Ảnh An Hòa

 

Hấp dẫn du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL

Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước miệt vườn, đồi núi, biển đảo cùng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,… chính là nguồn tài nguyên để các địa phương phía Tây ĐBSCL phát triển các sản phẩm thuộc các loại hình du lịch khác nhau.

Đó là các sản phẩm thuộc loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, hệ sinh thái biển đảo; du lịch văn hóa, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp, cách chế những đặc sản vùng miền…

Nếu như An Giang có thế mạnh về du lịch tâm linh, Kiên Giang có thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, TP. Cần Thơ có thế mạnh du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) thì các địa phương còn lại có thế mạnh về du lịch khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc, du lịch nông nghiệp.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, với vị trí đặc biệt – điểm cực Nam của tổ quốc, Cà Mau có rừng, có biển, hệ sinh thái đa dạng, ẩm thực phong phú rất hấp dẫn khách du lịch.

Hiện Cà Mau có 3 tuyến du lịch chính gồm: thành phố Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau, thành phố Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc và tuyến thành phố Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm.

Trong đó, tuyến du lịch thành phố Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau đã được xác định là tuyến du lịch trọng điểm, địa phương đang tập trung phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Cà Mau đã có bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng, hướng đến phát triển thương hiệu Du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong cho rằng, ngoài đảo ngọc Phú Quốc, ĐBSCL không có "biển xanh, cát trắng" như nhiều địa phương ven biển miền Đông, miền Trung. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng nông nghiệp trù phú, ngư trường rộng lớn, giàu tài nguyên biển, văn hóa đa sắc tộc, ẩm thực phong phú – khu vực ĐBSCL vẫn có những nét hấp dẫn riêng.

"Điểm nghẽn" lớn nhất của khu vực ĐBSCL trong thời gian qua là hạ tầng giao thông kết nối rất hạn chế, cầu yếu, đường hẹp, nhiều ổ gà; thời gian di chuyển nhiều hơn cũng gây tâm lý e ngại cho du khách khi muốn đến với ĐBSCL.

"Với nỗ lực của Chính phủ cùng với nguồn vốn xã hội hóa, hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông của vùng này đã có sự cải thiện đáng kể. Việc di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây đã thuận lợi hơn; các chuyến bay kết nối từ các sân bay trong khu vực đến các vùng miền khác cũng đang được tăng chuyến, tăng tần suất, những điều kiện đó đã góp phần kích thích du lịch vùng ĐBSCL ngày càng phát triển hơn", ông Phong nhận định.

Theo số liệu của Hiệp hội du lịch ĐBSCL, trong 5 tháng đầu năm nay, khu vực ĐBSCL đã đón trên 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó các địa phương: Kiên Giang, An Giang, TP. Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau dẫn đầu khu vực về thu hút khách du lịch.

Theo An Hòa

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên