MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?

20-03-2020 - 15:35 PM | Doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ phòng (Occupancy Rate) của toàn ngành khách sạn giảm sâu từ 65-85% tùy từng khách sạn/khu nghỉ. Đặc biệt cơ sở nào có lượng khách chính từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ bị sụt giảm mạnh.

Ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã khiến ngành du lịch – khách sạn của Việt Nam gần như tê liệt. "Ngấm đòn" vì dịch bệnh, các khách sạn, khu nghỉ và công ty du lịch phải tìm cách xoay xở mong trụ vững qua thiên tai nặng nề này.

"Chào anh, tình hình công ty anh thế nào rồi?"

"Khó khăn lắm anh ạ, "hết phim" rồi". Công ty tôi phải giảm 80% nhân sự, các tour nội địa và nước ngoài bị hủy hết".

Trên đây là trích đoạn nội dung cuộc trò chuyện giữa người viết và ông Trần Văn Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt. Đây là doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch, khởi nghiệp với 6 nhân sự và sau hơn 10 năm phát triển hiện nay đã tăng lên 500 nhân sự với doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Khó khăn quá lớn xảy đến đột ngột đã khiến ông Long cảm thấy "sốc".

"Ngấm đòn" nặng từ tai ương không báo trước

Theo ghi nhận nhanh của người viết, gần như toàn bộ ngành du lịch, khách sạn Việt Nam đều lao đao bởi dịch bệnh. Tháng 3 lẽ ra là thời điểm kinh doanh tốt nhất của ngành khách sạn trong năm, rồi chuẩn bị đến dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam và Lao động Quốc tế 30/4-1/5 nhưng năm nay tháng 3 lại là tháng ảm đạm nhất.

"Cú đòn từ trên trời rơi xuống" (lời của lãnh đạo một công ty lữ hành) đã khiến cả ngành du lịch nội địa thực sự lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng nề.

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?  - Ảnh 1.

Khách sạn Melia Hà Nội

Tại Hà Nội, khách sạn 5 sao Meliá Hanoi là một trong những khách sạn có vị trí đẹp nhất nhì Thủ đô và được nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuê các phòng hội nghị hội thảo nhiều nhất, với các banquet rooms luôn kín chỗ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tình hình kinh doanh của khách sạn này.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Guillermo Pantoja, Tổng Giám đốc Meliá Hanoi cho biết khách sạn đã và đang đối mặt với tình hình sụt giảm booking nghiêm trọng, bắt đầu từ sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc.

"Tuần nào, ngày nào cũng có khách yêu cầu hủy booking với lý do thay đổi kế hoạch đi du lịch/đi công tác. Đối với thế mạnh của chúng tôi là tổ chức tiệc và hội thảo thì tình hình cũng hết sức ảm đạm", ông Pantoja nói.

Người đứng đầu khách sạn cho biết, mặc dù khách sạn của ông đang rất quyết liệt trong các kế hoạch phun khử trùng toàn bộ khách sạn định kỳ hàng tuần, kiểm tra thân nhiệt toàn bộ khách và nhân viên, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện tại, có rất ít buổi tiệc và hội nghị có thể diễn ra theo kế hoạch, mà phần lớn đều phải hoãn lại chờ một thời điểm thích hợp hơn.

Tổng Giám đốc Meliá Hanoi nói: "Chúng tôi vẫn có một số khách hàng trung thành tiếp tục ủng hộ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khi Chính phủ buộc phải ngừng cấp visa cho tất cả các quốc tịch trong vòng 30 ngày để ngăn chặn dịch bùng phát, thì tất cả các thị trường có khách hàng chính của chúng tôi đều không còn nữa".

Do tình hình phức tạp của dịch bệnh, ngày 11/3/2020 vừa qua lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm thời đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh từ 0h ngày 12/3/2020 trong vòng 2 tuần. Tỉnh dừng hoạt động dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, tạm ngừng đón khách tham quan các vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử và các di tích, danh lam thắng cảnh cũng như các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh.

Đại diện một khu nghỉ 5 sao ở tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, khu nghỉ này tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh nên đã đóng cửa khu nghỉ và áp dụng cho toàn bộ nhân viên đăng ký nghỉ phép không lương tự nguyện như một hình thức chia sẻ với công ty trong giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, mỗi nhân viên sẽ tự chọn tỷ lệ nghỉ từ 15-40% số giờ làm. Việc đóng cửa khu nghỉ tạo ra tình thế lưỡng nan cho các cấp lãnh đạo và nhân viên khu nghỉ này. Với dàn quản lý cấp cao, khi khu nghỉ đóng sẽ không có khách, không có doanh thu thì việc vẫn nhận "full" lương (hay có đăng ký giảm lương) họ vẫn có cảm giác không thoải mái vì nhiều lý do, chủ yếu là lòng tự trọng cá nhân.

"Nhưng nghỉ thì lấy gì nuôi gia đình khi cả ngành đều khó? Nhân sự cấp cao như chúng tôi rơi vào tình cảnh ở lại thì là gánh nặng (cho công ty) vì lương thưởng cao, mà ra đi thì lại trở thành gánh nợ (cho gia đình).

Các nhân viên cấp thấp còn khó khăn hơn bởi nghỉ việc sẽ khiến họ không có thu nhập để nuôi sống gia đình trong khi ở thời điểm này rất khó có một công việc mới, đặc biệt trong ngành du lịch – khách sạn.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Thủy, sáng lập kiêm CEO Công ty du lịch Travelink, một công ty lữ hành mạnh về các tour outbound, chia sẻ rằng công ty bà có tổng số 17 nhân viên thì hiện giờ đều cho nghỉ ở nhà chỉ lĩnh 50% lương vì không có khách outbound do các thị trường châu Âu, Mỹ đều đóng cửa. Travelink cũng đã phải hủy đoàn khách outbound lớn nhất của công ty, lên tới 110 người theo kế hoạch lên đường đi Thụy Sỹ và Ý ngày 26/2/2020 vừa qua.

"Thực sự chúng tôi rất khó khăn, chưa biết xoay xở thế nào", bà Thủy nói.

Theo quan sát của Công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search thuộc Navigos Group, trước tình hình này, các doanh nghiệp lớn có khả năng sẽ duy trì bộ máy nhân sự. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khả năng lớn sẽ phải tạm ngừng hoạt động. Các công ty nhỏ buộc phải thực hiện cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc, hoặc cho nhân viên nghỉ không lương ở nhà, có trường hợp phải cho đến ½ hoặc 1/3 nhân viên tạm thời nghỉ việc.

Qua cơn bĩ cực, tới ngày thái lai?

La Siesta, thương hiệu khách sạn boutique gồm chuỗi 6 khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội và 1 resort tại Hội An, thuộc Tập đoàn EHG (Elegance Hospitality Group) cũng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Được thành lập đầu những năm 2000 tại Hà Nội, chuỗi khách sạn này là lựa chọn yêu thích của du khách quốc tế và luôn trong tình trạng full phòng, song cũng đã chính thức đóng cửa cả 6 cơ sở tại Hà Nội từ 17/3/2010 và sẽ đóng cửa khu nghỉ tại Hội An.

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?  - Ảnh 3.

Trong một thông báo gửi tới nhân viên, Ban Giám đốc tập đoàn này cho biết trước tình hình diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19 buộc lòng họ phải đóng cửa tất cả các khách sạn trên địa bàn Hà Nội và toàn bộ cán bộ công nhân viên sẽ nghỉ làm từ ngày 1/4/2020 cho đến hết ngày 30/6/2020. EHG sẽ hỗ trợ cấp trưởng bộ phận 4 triệu đồng/người/tháng, cấp nhân viên 2 triệu đồng/người/tháng.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search, các công ty có quy mô lớn vẫn có khả năng duy trì được trong 6 tháng tới nên vẫn cho nhân viên đi làm và được hưởng lương, song nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt thì doanh thu các công ty lớn cũng bị ảnh hưởng nhiều, dẫn đến không còn khả năng duy trì việc trả lương như hiện nay.

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?  - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search

Lời khuyên của chuyên gia nhân sự cấp cao này đối với người lao động là: "Người lao động cần giữ gìn sức khỏe của cá nhân và cộng đồng theo đúng quy tắc phòng chống dịch bệnh của nhà nước và những quy định hạn chế lây nhiễm của doanh nghiệp. Đồng thời, hợp tác với doanh nghiệp trong những chiến lược về nhân sự để chia sẻ rủi ro, tận dụng thời gian thấp điểm trong công việc để phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt thông qua học tập trực tuyến (qua các nền tảng e-learning), tìm kiếm công việc mới qua website tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks. Khi công ty cắt giảm nhân sự, người lao động phải hiểu rõ về quyền lợi của mình như nhận bồi thường hợp đồng lao động, hưởng trợ cấp thất nghiệp…"

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết dịch Covid-19 khiến tập đoàn này buộc phải đóng cửa Công viên châu Á – Sun World Danang Wonders tại Đà Nẵng từ ngày 17/2 để bảo trì và cải tạo cảnh quan. Công trình Dragon Park tại tổ hợp giải trí Sun World Halong Complex (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng đóng cửa vào ngày thường và chỉ mở cửa cuối tuần. Vẫn theo ông, lượng khách đến Sun World trong 2 tháng qua sụt giảm mạnh, cụ thể Sun World Fansipan Legend giảm 70%; Sun World Ba Na Hills giảm 65%; Sun World Halong Complex giảm 85%, Sun World Hon Thom Nature Park và Sun World Ba Den Mountain giảm khoảng 50-60%. Tính chung, lượng khách đến với các khu vui chơi, giải trí du lịch Sun World trong quý I có thể sụt giảm ít nhất 75-80%.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ phòng (Occupancy Rate) của toàn ngành khách sạn giảm sâu từ 65-85% tùy từng khách sạn/khu nghỉ. Đặc biệt cơ sở nào có lượng khách chính từ châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ bị sụt giảm mạnh. Lấy ví dụ, khách sạn 5 sao "sang chảnh" bậc nhất Hà Nội là Sofitel Legend Metropole Hanoi do Tập đoàn Accor (Pháp) quản lý với 364 phòng thì tỷ lệ lấp đầy phòng dự báo sẽ chỉ đạt 14% và dự tính cả năm nay chỉ đạt 17,7%, giảm rất mạnh so với mức 81,9% năm 2019. Một số khách sạn 4 sao quy mô nhỏ hơn lại ít chịu ảnh hưởng hơn do có nguồn khách công ty lưu trú dài hạn, chẳng hạn như Novotel Suites Duy Tân (chủ yếu là chuyên gia Tập đoàn Samsung ở) hay Mercure Hải Phòng.

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?  - Ảnh 5.

Tỷ lệ phòng (Occupancy Rate) của toàn ngành khách sạn giảm sâu từ 65-85% tùy từng khách sạn/khu nghỉ

Bà Dư Mai Anh, Giám đốc Marketing và Truyền thông chuỗi khách sạn 5 sao Minor Hotels tại Bangkok, Thái Lan cho biết: bình thường công suất phòng 2 khách sạn của Minor Hotels dao động từ 80-100% thì sau khi dịch xảy ra giảm xuống chỉ còn 20-30%. Tỷ lệ phòng chung ở khu trung tâm Bangkok thậm chí chỉ còn khoảng 10%.

Theo thống kê của trang khảo sát du lịch STR, số liệu tính đến tuần thứ 2 của tháng 3/2020, tỷ lệ lấp đầy phòng của ngành khách sạn toàn cầu đã giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, Trung Quốc (nước đầu tiên bùng phát dịch) giảm tới 78%; Ý giảm 78%; Hàn Quốc giảm 78%; Singapore giảm 66%; Nhật Bản giảm 61%; Việt Nam giảm 58%; Thụy Sỹ giảm 40%; Thái Lan giảm 40%...

Bà Hoàng Thùy Trang, Phó Chủ tịch Marketing, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Hoiana tại Hội An, Quảng Nam (sắp khai trương) nói rằng rất may khu nghỉ Hoiana chưa khai trương nên ít chịu tác động từ dịch bệnh. Tuy vậy kế hoạch khai trương khu nghỉ này theo dự kiến ban đầu có thể sẽ phải lùi lại. Bà Trang nói: "Khu nghỉ Hoiana vẫn đang trong giai đoạn tiền khai trương nên chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều do việc lượng khách du lịch đang giảm xuống. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tích cực chuẩn bị cho việc khai trương trong thời gian sắp tới, và với diễn biến dịch phức tạp trên toàn thế giới đây là bài toán mà chúng tôi đang tìm lời giải để tìm ra nguồn khách tiềm năng."

Hiện nay Hoiana cho biết họ vẫn cố gắng bảo đảm giờ làm bình thường và chế độ lương, phúc lợi cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên Việt Nam, đồng thời đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Chủ đầu tư Hoiana tỏ ra lạc quan về tiềm năng của dự án và giá trị khu nghỉ sẽ mang lại cho ngành du lịch Việt Nam.

Đánh giá cao khả năng chống dịch của Chính phủ

Ông Pantoja, Tổng Giám đốc khách sạn Meliá Hanoi, đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam hiện nay. "Với các nỗ lực tích cực để quảng bá Việt Nam là một điểm đến an toàn của Tổng cục Du lịch, chúng tôi tin rằng ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên thế giới khả quan hơn, du lịch Việt Nam sẽ dần dần thu hút lại một lượng lớn du khách trong và ngoài nước để vực dậy ngành kinh tế không khói và tiếp tục phát triển bền vững".

Bà Nguyễn Phương Mai, Navigos Search, cũng khen ngợi khả năng kiểm soát nhanh chóng và khống chế chặt chẽ dịch bệnh của Chính phủ giống như hai đại dịch SARs và MERs trước đây. Bà cho rằng, cần chú ý những sự kiện này đều mang lại tác động trong những khoảng thời gian nhất định, và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường, nên Việt Nam vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo số liệu từ VietnamWorks.com (thuộc Navigos Group), trong 3 tháng đầu năm 2020 đã có sự giảm sút về nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch/Khách sạn. Cụ thể:

- Ngành Hàng không/Du lịch: giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019

- Ngành Nhà hàng/Khách sạn: giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019

Để đối mặt với đại dịch, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện ngay các phương án về nhân sự để duy trì hoạt động kinh doanh. Một số giải pháp:

- Sử dụng ngân sách dự phòng, giảm bớt các phúc lợi và các khoản đầu tư không cần thiết, thay vì cắt giảm nhân sự.

- Tái cơ cấu về mặt trách nhiệm công việc, cân nhắc tạm thời chuyển đổi sang làm những công việc không bị ảnh hưởng nhiều (các công việc thuộc khối hỗ trợ).

- Tiếp tục việc tuyển dụng các vị trí chủ chốt vì khi dịch bệnh qua đi thì cần những người tài để gia tăng hiệu suất và phát triển cho doanh nghiệp.

- Tận dụng thời gian để đào tạo và tái đào tạo cho nguồn nhân lực

Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search thuộc Navigos Group

Lượng khách sụt giảm tới 70-80%, các ông lớn ngành khách sạn Việt Nam đang xoay sở như thế nào?  - Ảnh 7.

Thành Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên