Lương kỹ sư Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam lên tới 500 triệu đồng/năm
Mặc dù, nhu cầu về mảng công nghệ cao như big data, AI, blockchain…tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa nhiều, nhưng do cung quá ít nên những chuyên gia trong lĩnh vực này không những được trả lương năm 2019 rất cao mà còn được tăng lương rất nhiều. Họ thật sự là những ‘món hàng’ hot trên thị trường!
Mercer – Talentnet vừa công bố kết quả khảo sát lương năm 2019. Đây là khảo sát thường niên do công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới là Mercer và công ty tư vấn hàng đầu Việt Nam Talentnet phối hợp thực hiện.
Năm nay, khảo sát đã thu hút sự tham gia của tổng cộng 605 doanh nghiệp thuộc 16 ngành nghề khác nhau từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, đến hóa phẩm và sản xuất. Với nguồn thông tin dữ liệu được thu thập từ hơn 342.000 nhân viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khảo sát lương Mercer - Talentnet có thể xem là báo cáo chi tiết và chuẩn mực nhất về toàn cảnh tình hình lương thưởng phúc lợi của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Mặc dù, những kết quả khảo sát năm nay không khác quá nhiều với năm 2018, song nó vẫn có vài chi tiết khá thú vị, phản ánh chân thực diễn biến của thị trường cũng như thực trạng của nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo đó, ngành công nghệ cao, cụ thể như big data, AI, blockchain, trải nghiệm khách hàng… đang cho thấy sức hút ngày càng to lớn của mình khi tỷ lệ tăng lương hay mức lương đều cao nhất nhì thị trường; ngược lại, với sự thiếu ổn định trong năm 2019, ngành bất động sản và ngân hàng không còn giữ được phong độ như nhiều năm trước.
Ngành công nghệ cao lên ngôi
Theo kết quả khảo sát Mercer - Talentnet, tỷ lệ tăng lương năm 2019 của nhóm công ty nước ngoài là 8,6% và nhóm các công ty Việt Nam là 8,9%. Nhìn chung, tỷ lệ tăng lương này vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019.
Các ngành như công nghệ cao, hóa chất và thương mại là 3 ngành hàng có tỷ lệ tăng lương cao nhất, ở mức lần lượt là 10,2%, 9,0% và 8,6%. Trong năm 2018, công nghệ cao, dược phẩm, hóa chất là top 3 ngành có tỷ lệ tăng lương cao nhất Việt Nam với mức tăng lần lượt 9,7%, 9,1% và 9%. Theo đó, ngành dược phẩm đã văng ra khỏi top 3, để nhường chỗ cho thương mại. Ngược lại, trong năm 2019, các ngành nghề như dầu khí, giáo dục và ngân hàng có mức lương tăng thấp nhất, lần lượt là 4,5%, 6,6% và 6,9%.
Bà Phương Nguyễn đang trình bày báo cáo.
Ngành dầu khí là một trong 3 ngành có tỷ lệ tăng lương thấp nhất, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc lương trong ngành này thấp. Ngành dầu khí luôn là một trong những ngành trả lương rất cao, nên tỷ lệ tăng lương không thể quá cao. Ngành giáo dục là do cơ chế, nhất là khu vực giáo dục công, nên tỷ lệ tăng lương thấp là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Mặt khác, báo cáo từ TovDev cho thấy, ở Việt Nam mức lương của các kỹ sư trí tuệ nhân tạo đã lên đến 22.000 USD, tương đương hơn 510 triệu đồng/năm. Đây là mức lương thuộc nhóm cao nhất trong các lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin. Chuyên gia trong ngành - Anh Trần Đức Trí Quang, Giám đốc FWI của FPT Software, dự báo 5 đến 10 năm nữa, AI sẽ còn phát triển lên tới đỉnh cao.
Thế nên, không chỉ FWI, mà hiện nay nhiều trường đại học về công nghệ tại Việt Nam đang tập trung vào đào tạo ngành data & analytics (dữ liệu và phân tích), AI – trong đó có machine learning.
"Ngoài ngành công nghệ cao, các ngành liên quan đến điện tử như marketing digital, thương mại điện tử, thiết kế trải nghiệm khách hàng…cũng đang được trả lương rất cao. Hiện đang có một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các công ty nội và ngoại trong việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực này, đẩy mức lương trung bình của ngành này ngày càng cao hơn thực tế.
Để không lao vào cuộc chiến ‘đốt tiền’, không ít doanh nghiệp đã chọn các giải pháp như mượn người từ công ty mẹ, tuyển nhân sự từ nước ngoài hoặc đào tạo từ nội bộ để không phải đi giành giật với bên ngoài", bà Phương Nguyễn – đại diện của Talentnet cho biết.
Bên cạnh đó, trong ngạch chuyên viên, top 3 ngành được trả lương cao nhất là ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu, ngành quan hệ chính phủ (những người làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến giới công quyền), dịch vụ tài chính (trừ ngân hàng); thấp nhất có ngành chăm sóc khách hàng, kiểm tra chất lượng sản phẩm….
"Năm nay là một năm không thuận lợi với ngành bất động sản và ngân hàng. Như chúng ta đã biết, trong khoảng 2 năm vừa qua đã có khoảng gần 150 dự án bất động sản tại TP. HCM đã phải đình chỉ thi công để thanh tra, sự cố nói trên đã ảnh hưởng rất xấu đến thị trường bất động sản. Thêm nữa, với sự chế tài từ Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn đổ vào bất động sản bị siết chặt hơn trước đây.
Còn phía ngân hàng, năm nay có không ít ngân hàng nội địa đang tiến hành tái cơ cấu, xem lại chất lượng nhân sự và review lại lương. Cũng như thế, những biến động của nhiều ngân hàng trong khu vực cũng ảnh hưởng không tích cực lên ngành ngân hàng Việt Nam", bà Phương Nguyễn giải thích thêm.
Các công ty Việt Nam chú trọng thưởng, công ty nước ngoài chú trọng lương
Kết quả của bảng báo cáo có thể là một thông tin quan trọng để giới HR hoạch định các chế độ lương thưởng của công ty mình.
Mức lương năm 2019 trung bình của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn 26% so với các doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ chênh lệch giữa 2 nhóm công ty này khi xét theo từng cấp bậc như sau: nhân viên, chuyên viên và quản lý lần lượt là 14%, 25% và 33%. Mức chênh lệch lương có khuynh hướng tăng ở cấp quản lý do các công ty nước ngoài thường trả lương cao hơn cho vị trí quản lý cấp cao để tương thích với mức độ đóng góp và phạm vi công việc.
Tuy nhiên, xét theo một khía cạnh khác, tỷ lệ tăng về mức thưởng dự kiến của các công ty Việt Nam năm nay lại cao hơn tỷ lệ thưởng của khối các công ty nước ngoài (22,6% so với 17,5%), điều này cho thấy sự khác biệt về cơ cấu lương, thưởng của các công ty trong và ngoài nước. Các công ty Việt Nam chú trọng thưởng, công ty nước ngoài chú trọng lương.
Về thưởng, do đặc thù của ngành, các công ty trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp nước ngoài bao gồm: các công ty không thuộc nhóm ngân hàng (gồm các công ty cho vay tiêu dùng, quản lý quỹ và bảo hiểm) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng cao nhất trong năm qua, với tỷ lệ thưởng lần lượt là 30,4% và 22,9% so với lương năm. Đặc biệt, năm 2019 ghi nhận tỷ lệ thưởng tăng vượt trội của nhóm ngành nông nghiệp ở mức 19,4%.
Ở phía bên kia, các ngành dịch vụ vận tải – hậu cần, bán lẻ và giáo dục có mức thưởng thấp nhất lần lượt là 13,8%, 14,8% và 15,4% so với lương năm.
Còn một điểm thú vị nữa, mức lương mà các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam trả cho nhân sự học trong nước và du học có bằng cấp càng cao càng ít chênh lệch: với bằng đại học, các du học sinh được trả cao hơn nhân sự học trong nước 34%, nhưng lên cao hơn – tức là mức thạc sỹ hoặc chuyên gia, mức chênh lệch chỉ là 5%.
"Số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát lương Mercer - Talentnet ngày càng tăng phản ánh nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp về việc sử dụng một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy trong việc tối ưu hóa chính sách lương thưởng, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược nhân sự, thu hút nhân tài và nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường.
Bên cạnh đó, dữ liệu về lương sẽ là nguồn thông tin quý giá cho các nhà quản lý và ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc ra quyết định phát triển kinh doanh cũng như lên kế hoạch cho đội ngũ kế thừa", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet kết luận.