MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương thấp, nhân viên nhà nước xin nghỉ việc

02-10-2017 - 08:39 AM | Xã hội

Việc một trưởng phòng đơn vị cấp sở ở Đắk Lắk xin nghỉ việc để đi bán hàng rong cho thấy lương thấp đang khiến một bộ phận công chức, viên chức không còn nhiệt huyết cống hiến.

Anh Nguyễn Như Hoàng (SN 1984, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk) vừa bất ngờ xin nghỉ việc.

Nghỉ việc đi bán hàng rong

Sau khi anh Nguyễn Như Hoàng (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), xin nghỉ việc, nhiều người đều thắc mắc vì sao anh không bị kỷ luật, cũng có cơ hội thăng tiến, đã được quy hoạch vào chức này, chức kia lại đột ngột rẽ ngang. Theo anh Hoàng, sau 11 năm đi làm, lương của anh chỉ được hơn 4 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho cuộc sống. "Lương thấp khiến tôi không còn nhiệt huyết để cống hiến, để làm việc. Vậy tiếp tục làm gì khi cả 2 yếu tố để tồn tại đều không có?" - anh Hoàng bộc bạch.

Biết UBND tỉnh Đắk Lắk quy hoạch 20 tuyến phố cho phép bán hàng trên vỉa hè, anh Hoàng quyết định làm 1 xe đẩy để bán gà, đồng thời nhận giao gà tận nhà. "Tôi thấy hạnh phúc với công việc này, tôi có thể phục vụ nhiều người hơn. Nếu tận tâm, tôi sẽ được ghi nhận và trả công xứng đáng. Tôi làm thật, sống thật sẽ được nhìn nhận. Điều này khi tôi làm nhà nước hoàn toàn không được ghi nhận" - anh Hoàng chia sẻ.

Theo ông Võ Đình Đoan, Chánh Văn phòng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình công tác, anh Hoàng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Tháng 7-2017, anh làm đơn xin nghỉ việc. Lãnh đạo sở đã chỉ đạo trung tâm, Công đoàn xuống tìm hiểu, nắm tâm tư nguyện vọng. Qua đó, anh Hoàng trình bày do mức lương không đủ sống nên xin nghỉ. Dù đã nhiều lần động viên nhưng anh Hoàng nhất quyết xin nghỉ việc nên ngày 18-7, lãnh đạo Sở Công Thương đã ra quyết định thôi việc đối với anh Hoàng.

Một công chức ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk kể vợ chồng ông công tác trên 20 năm nhưng tổng thu nhập 2 người chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng. Nhận lương xong, ông gửi 8-9 triệu đồng chu cấp cho 2 người con học ở TP HCM. Vợ chồng ở nhà mỗi tháng riêng chuyện ăn uống, chi tiêu tiết kiệm đã hết 6-7 triệu đồng nên phải tranh thủ làm nông kiếm thêm thu nhập. "Sáng đi ăn sáng cũng phải chọn quán nào rẻ để ăn chứ tiền thì không làm ra mà giá cả hiện nay quá cao" - người này nói.

Ngay tại Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, một số người sau ít năm công tác đã xin nghỉ việc vì lương quá thấp.


Anh Nguyễn Như Hoàng, trưởng phòng của một đơn vị thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, xin nghỉ việc để đi bán cá, bán gà Ảnh: CAO NGUYÊN

Anh Nguyễn Như Hoàng, trưởng phòng của một đơn vị thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, xin nghỉ việc để đi bán cá, bán gà Ảnh: CAO NGUYÊN

Dễ nảy sinh sách nhiễu, quan liêu

Tình trạng công chức, viên chức, người lao động xin nghỉ việc vì lương thấp, không đủ sống đang diễn ra khá nhiều tại tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2016, khoảng 300 cán bộ cơ sở của tỉnh này xin nghỉ việc; nhiều nhất là ở thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành A…

Một cán bộ ở thị xã Ngã Bảy tiết lộ phụ cấp của ông là hơn 300.000 đồng/tháng nên chỉ đủ… mua card điện thoại phục vụ công việc chứ nói chi đến lo cho gia đình. Vì thế, ông đã bỏ việc lên TP Cần Thơ làm công nhân. Ông Nguyễn Văn Ân, Trưởng Phòng Nội vụ TP Vị Thanh, cho biết đã mời lãnh đạo các xã, phường lên yêu cầu báo cáo tình hình. Đa số các địa phương đều báo cáo do chế độ thấp, trợ cấp không đáp ứng được mức sống tối thiểu nên nhiều người xin nghỉ.

Tại TP Cần Thơ, lương, phụ cấp của cán bộ khu vực, xã, phường cũng rất "bèo". Ông T. (phụ trách khuyến học tại một phường ở quận Cái Răng) than mỗi tháng, ông nhận được 1,2 triệu đồng, dù công việc không ít. Trưởng khu vực, phó khu vực, bí thư chi bộ… cũng nhận khoản lương tương tự.

Báo cáo về tình hình chính sách tiền lương của một số bộ ngành, địa phương vừa gửi Bộ Nội vụ cho thấy hầu hết đều cho rằng lương không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tỉnh Trà Vinh chỉ ra rằng tiền lương quá thấp dẫn đến sự thừa nhận mang tính phổ biến các nguồn thu nhập phi chính thức của một bộ phận CBCC, viên chức trong cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến một số tệ nạn sách nhiễu, quan liêu, cửa quyền, suy thoái đạo đức.

TP HCM vừa đề xuất tăng lương gấp đôi cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Bởi hiện nay, năng suất lao động của TP cao gấp 2,7 lần cả nước; năng suất lao động của CBCC cao gấp 1,5 lần cả nước và số thuế thu được bằng 3 lần tỉ lệ dân số. Theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, lương công chức, viên chức hiện thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Khối lượng công việc ở các tỉnh nhẹ hơn so với TP nhưng lương như nhau. Một xã ở các tỉnh chưa tới 10.000 dân, trong khi một xã Vĩnh Lộc A ở huyện Bình Chánh đã có trên 100.000 dân. Đó chưa kể mức sống ở TP cao hơn, các dịch vụ thì đắt đỏ.

Vay tiền để trả lương được không?

Từ xưa đến nay, chưa bao giờ công chức sống được bằng lương cả. Phải khẳng định như thế ! Nhưng ở đây tôi đánh một dấu hỏi lớn: "Tại sao công chức vẫn tồn tại, vẫn tranh nhau vào công chức. Thậm chí ở một số địa phương phải bỏ vài trăm triệu đồng để được làm công chức?".

Câu hỏi này nếu trả lời một cách căn cơ, hết các khía cạnh của sự thật cuộc sống thì nó rất nhức nhối. Biết rằng mỗi công chức phải có cách để mà sống, tồn tại, có cách trong sạch, có cách không chấp nhận được. Cái này nó làm trì trệ việc cải cách nền công vụ, trong sạch đội ngũ. Đầu tư vào lương là đầu tư cho phát triển. Đầu tư vào con người để họ có động lực làm việc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đây có một ý kiến rất mạnh bạo như một số nước đã làm là vay tiền để trả lương cho công chức. Nhưng trong bối cảnh nước mình, lòng tin của nhân dân với công chức giảm sút nhiều nên không thể chấp nhận phương án này. Nhiều vụ án tham nhũng lớn không phải do công chức nghèo. Trong khi đó, đội ngũ CBCC hưởng lương từ ngân sách quá lớn.

Bây giờ, tinh gọn được đội ngũ công chức trước mắt phải tinh gọn được bộ máy. Đó là nhất thể hóa một số chức danh của Đảng và nhà nước bởi hiện nay có nhiều chức danh giống nhau, trùng lắp. Bài học của Quảng Ninh cho thấy giảm được đầu mối, dẫn đến giảm được công chức. Thứ hai là tinh nhuệ hóa đội ngũ công chức bằng cách xác định vị trí việc làm. Cơ quan nào cần bao nhiêu vị trí việc làm, cần bao nhiêu người phải xác định chính xác. Những người đó phải tinh nhuệ, 1 người làm việc bằng 2, chứ 2 người làm việc bằng 1 thì không bao giờ tinh giản được. Song song đó, áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ ba là xã hội hóa những việc mà các thành phần khác làm được, nhà nước không nên ôm đồm thì mới giảm được số lượng công chức. Như thế mới có khả năng tăng lương cho công chức xứng đáng.

Nếu không làm mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ như thế thì khó có bước tiến trong cải cách tiền lương cho công chức. Chúng ta đã 4 lần tinh giản biên chế nhưng lần nào tinh giản xong cũng tăng. Vấn đề là do nể nang, không minh bạch, làm không công tâm. Nếu không tinh giản được bộ máy cồng kềnh, "đẻ" ra ban này, bộ kia thì không có cách gì tăng lương.

TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Nội vụ

Ph.Anh ghi

TS Võ Đại Lược
TS Võ Đại Lược

TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới:

Giảm biên chế để tăng lương

Muốn tăng lương, chỉ có một cách là giảm biên chế, hướng tới một bộ máy quản trị quốc gia hiện đại nhất, tinh gọn nhất, trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Muốn giảm biên chế thì bộ máy hành chính phải giảm xuống. Nếu ta giảm các cơ quan thì cơ chế xin - cho cũng sẽ giảm theo, thậm chí bị triệt tiêu. Đây là biện pháp căn cơ. Rõ ràng nhiều người không sống được bằng lương. Nhưng thực tế nhiều người vẫn cố gắng bằng cách này hay cách khác để được vào biên chế, bởi vì ở không ít vị trí việc làm, người ta có thể kiếm được nhiều bổng lộc.

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:

Không phải lương thấp thì có quyền vòi vĩnh

Lương thấp không phải là nguyên nhân chính vì thực tế có rất nhiều cán bộ làm việc làm bằng cái tâm, đạo đức. Không có chuyện lương thấp cán bộ được quyền või vĩnh, tiêu cực. Tuy nhiên, nếu đồng lương thật sự cải thiện thì vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ thuận lợi hơn. Ví dụ như ở Singapore, cán bộ, công chức tuyệt đối không ăn hối lộ bởi họ sống đủ bằng lương. Hơn nữa, họ không dám bởi một khi ăn hối lộ, vòi vĩnh sẽ bị sa thải, truy cứu trách nhiệm hình sự.

V.Duẩn - Ph.Anh ghi

Theo Nhóm PV

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên