Lượng thép nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm nay
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là về cuối năm, khi nhu cầu xây dựng tăng cao.
- 23-06-2016Mỹ áp thuế chống bán phá giá với thép nhập khẩu Trung Quốc, Nhật
- 08-06-2016Thép Việt Nam kiện thép nhập khẩu
- 24-05-2016Gia hạn kết luận sơ bộ điều tra chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, số liệu về tình hình nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm mới nhất của các thành viên trong Hiệp hội, tính riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép các loại, với tổng kim ngạch khoảng 3,42 tỷ USD; trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thép đã tăng khoảng 48% về lượng (cùng kỳ khoảng hơn 5 triệu tấn); và chỉ tăng khoảng 1% về giá trị (cùng kỳ là 3,38 tỷ USD).
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh thép trong nước đã có những tăng trưởng trong thời gian qua, nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu lượng lớn thép, đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ bảy trên thế giới. Trong năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 18,7 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại.
Hiện, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm mặc dù Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ tạm thời với các sản phẩm này từ 14,2-23,3%.
Ông Sưa nói: “Với tình hình dư thừa nguồn cung từ phía Trung Quốc, dự kiến thép giá rẻ từ nước này sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam vào cuối năm nay, khi bước vào mùa xây dựng. Sức tiêu thụ của thị trường trong nước là có giới hạn.
Nếu Việt Nam không có các biện pháp tự vệ, phòng vệ, thép Trung Quốc giá rẻ sẽ khiến doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục gặp khó và rơi vào tình trạng giảm công suất, thậm chí phá sản."
Cũng theo ông Sưa, trước mắt, các giải pháp có thể thực hiện là việc xem xét thực hiện việc áp thuế tự vệ. Về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước vẫn cần sự liên kết với nhau để cùng lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hơn nữa.../.
Vietnam+