"Lướt sóng" ở dự án điện gió?
Hai dự án điện gió ở Gia Lai nhanh chóng được cấp chủ trương đầu tư và bán phần lớn cổ phần cho các nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc).
Tháng 4-2020, Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai cùng được thành lập (trụ sở tại số 18 Hùng Vương, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), đều do bà Nguyễn Thị Sen (trú TP Pleiku) nắm nhiều cổ phần, chi phối trực tiếp.
Tháng 6-2020, dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền núi và dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Một tháng sau, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án này với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng cho 2 công ty trên, trong đó yêu cầu phần vốn tự có bắt buộc của mỗi dự án là 20%, tương đương hơn 380 tỉ đồng. Trong khi đó, thời điểm được cấp chủ trương đầu tư, vốn điều lệ của 2 công ty này chỉ lần lượt là 21,1 và 35 tỉ đồng. Tới tháng 9-2020, 2 dự án cùng được khởi công tại huyện Chư Prông, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2021, tổng sản lượng điện 319,5 triệu KW/năm, doanh thu 627,6 tỉ đồng, nộp ngân sách 125 tỉ đồng/năm.
Một trong 2 dự án điện gió của bà Nguyễn Thị Sen ở tỉnh Gia Lai
Tới ngày 15-4-2021, cả 2 dự án trên đã được sang nhượng phần lớn cổ phần. Cụ thể, Công ty EPVN W2 (HK) Company Limited (trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc) mua 53,9% vốn điều lệ của Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai và 60% cổ phần của Công ty Điện gió Chư Prông Gia Lai. Việc này khiến dư luận hoài nghi các doanh nghiệp của bà Sen được tỉnh Gia Lai "ưu ái" không bình thường.
Trả lời báo chí, ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, nói sau khi 2 dự án được bổ sung vào quy hoạch thì đã đăng thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trong 30 ngày. Sau thời gian này, chỉ có 2 công ty trên quan tâm thực hiện dự án nên được chọn làm nhà đầu tư là công khai, minh bạch, đúng trình tự. Việc UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án trên và 14 dự án điện gió khác đều bảo đảm thời gian và tuân thủ các quy định của pháp luật. Về năng lực tài chính, tại 2 dự án này, chủ đầu tư bảo đảm điều kiện cơ cấu vốn thuộc sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư, ngân hàng cũng cam kết cấp tín dụng tối đa bằng 80% tổng mức dự án.
Cũng theo ông Thành, việc góp vốn, mua cổ phần và thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đơn vị đầu tư 2 dự án nói trên bảo đảm đúng quy định pháp luật. Do đặc thù các dự án điện gió có quy mô đầu tư lớn nên việc các nhà đầu tư liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài huy động thêm về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm là hoàn toàn hợp lý.
Ở tỉnh Gia Lai, ngoài các công ty trên, bà Nguyễn Thị Sen còn là chủ tịch HĐQT của 3 doanh nghiệp: Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, Công ty CP Chè Bàu Cạn, Công ty CP Công trình đô thị Gia Lai. Đây là các công ty tiền thân của nhà nước, sau khi cổ phần hóa thì đều được bà Sen thu mua. Ngoài ra, bà Sen cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Quang Anh.
Người lao động