MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lưu Bị cả đời lấy 4 chữ này làm tôn chỉ, nhờ đó cứu mạng ông trước Tào Tháo: Ngàn đời sau vẫn đúng

28-12-2023 - 21:13 PM | Sống

Câu chuyện trong bữa rượu luận anh hùng giữa Lưu Bị và Tào Tháo đã nói lên triết lý sinh tồn đỉnh cao của ông.

Trong văn hóa Trung Quốc, thành ngữ là một phương tiện giao tiếp đặc biệt, thể hiện ngắn gọn, sinh động kinh nghiệm sống và trí tuệ của con người. Trong số đó có câu thành ngữ "Ẩn mình chờ thời" mang ý nghĩa rất sâu sắc. 

Vậy cụ thể "Ẩn mình chờ thời" dùng để diễn tả điều gì? Tại sao Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị (161-223) - Hoàng đế khai quốc của Thục Hán thời Tam Quốc - lại lấy làm triết lý sinh tồn trong bối cảnh lịch sử đầy rối ren?

"Ẩn mình chờ thời" - Phẩm chất & Chiến lược 

Lưu Bị cả đời lấy 4 chữ này làm tôn chỉ, nhờ đó cứu mạng ông trước Tào Tháo: Ngàn đời sau vẫn đúng - Ảnh 1.

Thành ngữ "Ẩn mình chờ thời".

Thành ngữ "Ẩn mình chờ thời" đã tồn tại hàng nghìn năm trước trong lịch sử Trung Quốc. Thành ngữ này lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn "Cựu Đường thư" của Lưu Hú (888-947) thời Hậu Tấn biên soạn. Đây là tác phẩm lịch sử kinh điển đầu tiên về triều đại nhà Đường từ thời Đường Cao Tổ năm Vũ Đức nguyên niên (618) cho tới thời Đường Ai Đế năm Thiên Hữu thứ tư (907), Baidu thông tin.

Theo đó, "Ẩn mình chờ thời" có hai vế. Vế "ẩn mình" có nghĩa là không bộc lộ tài năng/khả năng của bản thân. Giữ mọi chuyện thật kín đáo, không phô trương ưu điểm và thành tích bản thân, giữ thái độ thật khiêm tốn để "chờ thời". 

"Chờ thời" là chờ đợi thời điểm thích hợp để thể hiện tài năng đúng lúc. Vế "chờ thời" qua đó cũng thể hiện tài quan sát, đánh giá của một người khôn ngoan, trí tuệ tinh thông. Bởi, nếu hành sự khi chưa đúng thời điểm, vạn sự sẽ khó thành.

Chinanews trích dẫn lời của Zhao Qizheng, Trưởng khoa Báo chí tại Đại học Nhân dân Trung Quốc thế này: "Ẩn giấu sức mạnh và chờ đợi thời cơ không những là một chiến lược mà còn là một phẩm chất".

Như vậy, "Ẩn mình chờ thời" (có thể hiểu cụ thể hơn là "Giấu sức mạnh và chờ đợi thời cơ") chủ yếu được dùng để mô tả chiến lược và thái độ của một người khi đối mặt với các tình huống phức tạp giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội.

Chiến lược và thái độ này đòi hỏi một người không nên vội vàng thể hiện bản thân mà phải quan sát, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khả năng, đồng thời chờ đợi thời điểm tốt nhất để bộc lộ. Điều này không chỉ phản ánh sự khiêm tốn và sức mạnh tĩnh tại của con người mà còn phản ánh sự khôn ngoan và tài quan sát của họ.

Trong lịch sử Trung Quốc, một trong những người giỏi nhất trong việc giữ im lặng và chờ đợi thời cơ không ai khác chính là Lưu Bị.

Đôi đũa rơi và bữa rượu luận anh hùng giữa Lưu Bị - Tào Tháo

Trong "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung đã mô tả rất sinh động phẩm chất đặc biệt này của Lưu Bị.

Trước khi cùng Thục Hán xưng hùng xưng bá với Tào Ngụy và Đông Ngô, Lưu Bị đã thành công khi "ẩn thân" cải trang thành một người bình thường, không có tham vọng.

Tào Tháo (Hoàng đế của Tào Ngụy) rất coi trọng tài năng của Lưu Bị và cho rằng ông là người phi thường nên đã lên kế hoạch phong cho ông một chức vụ chính thức nào đó. Tuy nhiên, Lưu Bị đã từ chối với lý do mình kém cỏi và thất bại. Không nản ý, Tào Tháo lo ngại một ngày nào đó Lưu Bị sẽ trở thành đối thủ của mình nên đã để Lưu Bị sống trong lãnh địa của mình để quan sát xem Lưu Bị có thực sự tài giỏi và có chiến lược như ông nghĩ hay không.

Lưu Bị cả đời lấy 4 chữ này làm tôn chỉ, nhờ đó cứu mạng ông trước Tào Tháo: Ngàn đời sau vẫn đúng - Ảnh 2.

Lưu Bị - Hoàng đế khai quốc của Thục Hán thời Tam Quốc. Hình minh họa từ phim ảnh.

Lưu Bị đương nhiên biết rất rõ ý đồ của Tào Tháo, nên cố gắng che đậy, che giấu suy nghĩ thật của mình. Hàng ngày, Lưu Bị trồng rau và hoa ở sân sau nơi ở, tự mình gánh nước tưới rau và bón phân cho rau, luôn tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại và không mong cầu bất cứ điều gì. Điều này khiến Tào Tháo bối rối.

Quan Vũ và Trương Phi vốn tính tình mạnh mẽ, bộc trực không thể hiểu được ý đồ sâu xa của Lưu Bị, thấy Lưu Bị say sưa với những việc vặt vãnh trồng rau hoa mỗi ngày liền bất mãn mà nói với Lưu Bị rằng: "Huynh đã quên đi tham vọng thủa xưa rồi sao?"

Lưu Bị không tiện giải thích ý đồ của mình, lo lắng hai anh em chính trực không giấu được sẽ làm hỏng chuyện lớn nên nói: "Đây không phải chuyện hai ngươi có thể hiểu được".

Một hôm, khi Lưu Bị đang tưới rau ở sân sau, Tào Tháo sai người đến mời Lưu Bị, nói có việc khẩn cấp. Khi Lưu Bị vào phủ yết kiến, Tào Tháo nói thẳng: "Ở nhà ông đã làm được việc lớn!".  Lưu Bị sợ đến biến sắc mặt, cho rằng Tào Tháo đã nhìn thấu lòng mình.

Nhưng Tào Tháo lại nói tiếp: "Học trồng rau không dễ chút nào!"

Lưu Bị thở phào nhẹ nhõm, biết mình đã lừa được Tào Tháo nên nói: "Ta không có việc gì, chỉ làm để tiêu khiển mà thôi".

Lưu Bị cả đời lấy 4 chữ này làm tôn chỉ, nhờ đó cứu mạng ông trước Tào Tháo: Ngàn đời sau vẫn đúng - Ảnh 3.

Đối diện trước Tào Tháo đa nghi, Lưu Bị ứng phó thông minh như thế nào?

Sau đó, Tào Tháo mời Lưu Bị dùng rượu. Hai người ngồi đối diện nhau và uống rượu vui vẻ. Tào Tháo nói: "Huyền Đức (tên tự của Lưu Bị) đã đi khắp thế gian, chắc hẳn bao anh hùng thiên hạ đời này ông đều biết hết. Nói ta nghe".

Khi đó, Lưu Bị cố tình kể về một vài cái tên nhưng đều bị Tào Tháo xua tay: "Thiên hạ anh hùng phải là người mưu cao, chí lớn, có tài bao bọc cả đất trời kia".

Nói xong, Tào Tháo chỉ tay vào mình và Lưu Bị rồi nói tiếp: "Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và ta".

Lưu Bị nghe vậy, đánh rơi đôi đũa trên tay, cho rằng Tào Tháo đã nhìn thấu được mình.

Đúng lúc đó, trời sắp mưa thì có tiếng sấm lớn. Lưu Bị giả vờ bình tĩnh, nghiêng người cầm đôi đũa lên vào nói: "Tiếng sấm làm bỉ nhân sợ hãi". Đáp lại là tiếng cười lớn của Tào Tháo.

Bằng cách này, Tào Tháo đã bị lừa. Từ đó, Tào Tháo tin rằng Lưu Bị chẳng qua chỉ là một người bị sấm sét làm rơi đũa, không phải là anh hùng, không có tham vọng thống trị. Nên không cử người theo dõi nữa. 

Chẳng bao lâu sau, chiến tranh xảy ra và đích thân Tào Tháo mang quân chinh chiến. Lưu Bị nhờ đó thoát khỏi sự kiểm soát của Tào Tháo, tựa như "rồng xuống biển", bắt đầu tranh giành quyền bá chủ với Tào Tháo và Tôn Quyền.

Câu chuyện này cho chúng ta nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khi chúng ta ở trong một môi trường sống không có lợi cho sự phát triển của bản thân, thậm chí còn nguy hiểm, do thân phận và vị trí khác nhau nên chúng ta phải học cách kín đáo, che giấu điểm mạnh của bản thân, chờ ngày phát huy. 

Lưu Bị cả đời lấy 4 chữ này làm tôn chỉ, nhờ đó cứu mạng ông trước Tào Tháo: Ngàn đời sau vẫn đúng - Ảnh 4.

Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi từng bước lập nên đại nghiệp.

Trên thực tế, cũng giống như Lưu Bị, việc che giấu lợi thế của mình không phải là một sự nhượng bộ tầm thường mà là tìm kiếm thời điểm thích hợp để trỗi dậy. Trong hoàn cảnh lúc đó, nếu Lưu Bị không giữ thái độ khiêm tốn thì có thể đã bị Tào Tháo xuống tay.

Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta thường gặp phải những tình huống buộc mình phải “che giấu năng lực và chờ đợi thời cơ”. Ví như, tại nơi làm việc, khi mới bước vào môi trường làm việc hoặc đối mặt với thử thách mới, chúng ta có thể cảm thấy căng thẳng và bối rối. Lúc này, chúng ta cần khiêm tốn, quan sát và học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và năng lực, sau đó tìm thời điểm tốt nhất để thể hiện tài năng và khả năng của mình.

Tham khảo: Baidu, ChinaNews

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên