Lý do 3 gói thầu lớn dự án cao tốc Bắc - Nam chưa chọn xong nhà thầu
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trong tháng 1 này sẽ chọn được nhà thầu và đồng loạt thi công toàn bộ các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nhưng thực tế tới nay vẫn còn 3 gói thầu chưa chọn xong nhà thầu.
- 09-02-2022Bộ GTVT đề xuất chỉ định thầu để sớm hoàn thành 12 dự án cao tốc Bắc - Nam
- 04-02-2022Khánh thành Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn
- 26-12-2021Khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022
Tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) được chia thành 25 dự án thành phần với 25 gói thầu thi công xây lắp. Tới nay, chủ đầu tư đã chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công với 22 gói thầu.
Trong số các gói thầu đã chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, có 20 gói thầu đã triển khai thi công. Trong số 5 gói thầu còn lại, có 2 gói thầu đã chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, nhà thầu chuẩn bị thi công, gồm: Gói thầu số 1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và gói thầu số 3 đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Đặc biệt, có 3 gói thầu chưa hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng, gồm: Gói thầu số 1 đoạn Vũng Áng - Bùng giá trị hơn 5.300 tỷ đồng, gói thầu số 2 và 3 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đều trị giá trên 5.000 tỷ đồng.
Trong 25 gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn 5 gói thầu chưa triển khai thi công, trong đó có 3 gói thầu chưa xong thủ tục chọn nhà thầu.
Bộ GTVT cho biết, gói thầu số 2, 3 đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đều lớn, trong đó có 3 hầm đòi hỏi việc thi công phức tạp. Do đó, các nhà thầu được chọn phải đáp ứng về năng lực triển khai, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
“Các gói thầu chưa xong thủ tục chọn thầu đều có công trình lớn, nên quá trình lựa chọn nhà thầu phải chuẩn chỉnh trong quá trình lập dự toán, tránh phải điều chỉnh về sau, mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, đại diện Bộ GTVT thông tin.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài hơn 720km, được chia thành 12 dự thành phần, tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước (bình quân hơn 200 tỷ đồng/km).
Giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương bố trí gần 120.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn đầu tư phát triển hơn 47.000 tỷ đồng, từ nguồn chương trình phục hồi kinh tế trên hơn 72.000 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án được Quốc hội cho cơ chế đặc thù về chỉ định nhà thầu thay vì đấu thầu để rút ngắn thời gian triển khai.
Tiền phong