Lý do Ấn Độ vẫn chuộng dầu Nga dù giá tăng
Tờ báo Nga cho biết dầu hỗn hợp Urals tiếp tục là loại dầu thô rẻ nhất hiện có trên thị trường, mặc dù mức chiết khấu đang giảm dần.
- 08-09-2023Vườn thú Ấn Độ chi 2,4 triệu USD làm chuồng sư tử, chó sói và rái cá... nhưng lại không có thú
- 08-09-2023Cơ hội lớn của ngành khách sạn Ấn Độ tại thượng đỉnh G-20
- 07-09-2023Thời của Ấn Độ đã tới: Hiên ngang đi giữa những lằn ranh, góp mặt đủ trong những hội nhóm lớn nhưng kiên quyết không chọn phe
Ngày 8/9, nhật báo kinh doanh Kommersant đưa tin Ấn Độ sẽ vẫn là khách hàng mua dầu lớn của Nga, ngay cả khi mức chiết khấu đối với sản phẩm Urals hàng đầu của nước này giảm xuống.
Tờ báo trên trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Kpler cho biết, dầu Nga sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường Ấn Độ. Hiện mức chênh lệch chiết khấu giữa dầu Urals so với dầu Brent giảm xuống còn 4 - 5 USD/thùng.
Sức tiêu thụ dầu thô Nga của Ấn Độ đã tăng vọt kể từ năm ngoái, đẩy các nhà cung cấp truyền thống Trung Đông là Saudi Arabia và Iraq khỏi vị trí dẫn đầu. Mức giá ưu đãi mà Moskva đưa ra cũng giúp Ấn Độ vươn lên trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ lớn trên thị trường toàn cầu.
Hồi tháng 3, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga Rosneft đã ký thỏa thuận với Indian Oil Corp, nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ, để tăng đáng kể nguồn cung và đa dạng hóa các loại dầu được giao cho nước này. Moskva và New Delhi cũng đồng ý áp dụng tiêu chuẩn giá dầu Dubai ở châu Á trong thỏa thuận mới nhất, thay vì tiêu chuẩn Brent ở châu Âu.
Tháng 5/2023, Nga chiếm 46% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, so với mức dưới 2% nhập khẩu trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nước phương Tây đã chỉ trích New Delhi vì mua nhiên liệu giá rẻ của Nga. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã kêu gọi khối này ngăn chặn việc Ấn Độ tái xuất khẩu dầu tinh chế của Nga sang EU.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ hàng đầu Ấn Độ ONGC tin rằng việc mua dầu thô của Nga là có lợi cho Ấn Độ và nền kinh tế toàn cầu.
“Bằng cách nhập khẩu từ Nga, Ấn Độ cũng đã giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải phóng một lượng dầu ở vùng Vịnh cho các nước khác, đặc biệt là châu Âu. Vì vậy, đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi”, ông K.C. Ramesh phát biểu tại hội nghị năng lượng APPEC thường niên ở Singapore hôm 6/9.
Giá dầu thô toàn cầu tăng, do hoạt động cắt giảm sản xuất và xuất khẩu từ Nga và Saudi Arabia, đã khiến mức chiết khấu đối với dầu thô của Nga giảm xuống. Trước động thái này, một số quan chức Ấn Độ tuyên bố rằng nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga để chuyển sang các nhà cung cấp Trung Đông.
Tuy nhiên, ngay cả loại dầu nặng rẻ nhất của Saudi Arabia cũng có giá cao hơn 7,5 USD/thùng so với dầu Urals, trong khi dầu Basrah Medium của Iraq có giá cao hơn 7 USD/thùng. Số liệu cho thấy hỗn hợp Arab Light tiêu chuẩn của Saudi Arabia, tương tự như Urals, có giá cao hơn 10 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ đã giảm từ mức cao kỷ lục trong vài tuần qua, phần lớn do nhu cầu giảm theo mùa và ngừng hoạt động để bảo trì. Tuy nhiên, các chuyên gia đang dự đoán xu hướng phục hồi sẽ xảy ra sau đó.
Trước đó, Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nếu cả Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ, giá dầu có thể leo lên mức ba chữ số vào năm tới.
Trong một báo cáo, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho biết trong trường hợp OPEC+ duy trì toàn bộ các mức cắt giảm trong năm 2023 đến hết năm 2024 và Saudi Arabia chỉ nâng dần sản lượng, giá dầu Brent có thể tăng lên đến 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Tuy nhiên, Goldman Sachs nhấn mạnh đây không phải “quan điểm cố định” của ngân hàng này vì một chiến lược nguồn cung như vậy có thể phản tác dụng.
Dù giá dầu tăng có thể giúp Saudi Arabia cân bằng ngân sách và Nga có thêm nguồn thu, nhưng Goldman Sachs cho rằng giá dầu ở mức ba chữ số có thể thúc đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ gia tăng nguồn cung, từ đó hạ giá xuống. Bên cạnh đó, giá tăng cũng có thể thu hút nhiều đầu tư hơn vào năng lượng sạch.
Báo tin tức