MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do cần hơn 10.600 tỷ đồng 'cứu' BOT thua lỗ

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, với các dự án BOT thua lỗ được mua lại, việc thanh toán dựa vào chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành khai thác, bảo trì, chi phí lãi vay, lợi nhuận trong giai đoạn khai thác. Tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ tính toán sơ bộ ban đầu.

Theo phương án xử lý các BOT thua lỗ kéo dài mà Bộ Giao thông vận tải ( GTVT) vừa trình Chính phủ, có 3 nhóm giải pháp được bộ này đưa ra với ngân sách dự kiến khoảng 10.650 tỷ đồng.

Nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn ngân sách. Với giải phải này, Bộ GTVT đề xuất hỗ trợ 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng số tiền cần bố trí là 1.557 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bổ sung vốn Nhà nước tham gia khoảng 49% đối với dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang), tương đương khoảng 533 tỷ đồng, đồng thời kéo dài thời gian hoàn vốn khoảng 22 năm.

Cùng với đó, dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vốn Nhà nước dự kiến tham gia 1.024 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm

Nhóm giải pháp thứ hai , Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh theo hướng hỗ trợ cơ chế của Nhà nước, áp dụng với 1 dự án. Cụ thể, Bộ này đề xuất bổ sung vốn ngân sách khoảng 2.280 tỷ đồng tham gia dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả để thay thế cơ chế hỗ trợ bằng quyền thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan và kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách.

Lý do cần hơn 10.600 tỷ đồng 'cứu' BOT thua lỗ- Ảnh 1.

Bộ GTVT đề xuất chi 2.850 tỷ đồng ngân sách để chấm dứt hợp đồng, mua lại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Nhóm thứ ba gồm 5 dự án thua lỗ không có khả năng tiếp tục vận hành, Bộ GTVT đề xuất bố trí hơn 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung ngân sách 892 tỷ đồng để mua lại dự án đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0-Km6 thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa.

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 (đoạn Km75-Km100), Bộ GTVT đề xuất chi 2.850 tỷ đồng, dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đăk Lăk) là 746 tỷ đồng, dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP Cần Thơ là 1.754 tỷ đồng. Cuối cùng là dự án BOT xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn, ngân sách Nhà nước đề xuất bỏ ra để thanh toán 571 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ GTVT - cho biết, việc đưa ra những con số trên được dựa vào chi phí đầu tư xây dựng chi phí vận hành khai thác, bảo trì, chi phí lãi vay, lợi nhuận trong giai đoạn khai thác. Những dự án này đến nay nhà đầu tư đã thống nhất giảm 30-50% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong giá trị thanh toán.

"Con số này cũng mới chỉ sơ bộ. Sau này nếu phương án xử lý được Quốc hội duyệt, Bộ sẽ tiếp tục lập hồ sơ, thuê kiểm toán độc lập rồi gửi sang kiểm toán Nhà nước xác định mức thanh toán", ông Thành nói.

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho hay, trong quá trình đàm phán có thể sẽ tiếp tục giảm nữa với nguyên tắc không vượt quá tổng mức này. Sau khi Nhà nước mua lại sẽ do Nhà nước/địa phương vận hành quản lý. Khi đó, ngân sách sẽ chỉ dùng để bảo trì, vận hành hàng năm, người dân sẽ không mất phí khi đi trên các tuyến đường.

Ngoài hỗ trợ về ngân sách và cơ chế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, để các dự án không phát sinh thêm lỗ hoặc tiếp tục phải giải cứu, bộ đang đàm phán với các ngân hàng có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư để khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ đối với dư nợ của các dự án BOT.

"Hiện, dư nợ của các BOT chỉ chiếm khoảng hơn 1% tổng dư nợ nền kinh tế, phía ngân hàng đã đồng ý phương án này, song họ cũng cần có chính sách của Chính phủ, Quốc hội để có căn cứ thực hiện”, đại diện ông Thành cho hay.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên