Lý do điện thoại phải chuyển chế độ máy bay, tắt khi cất - hạ cánh
Hành khách không tắt điện thoại hoặc không để chế độ máy bay dù không sử dụng nhưng nó cũng sẽ liên tục bắt sóng và làm nhiễu sóng các thiết bị liên lạc, kiểm soát tàu bay của phi công; nguy cơ khủng bố cũng là lý do lo ngại và phải hạn chế khách sử dụng điện thoại...
- 07-07-2023Đây là những mẫu điện thoại thống trị doanh số của chuỗi bán lẻ trong nửa đầu năm 2023
- 06-07-2023Nếu iPhone quá nhàm chán, thử ngay mẫu điện thoại lắp ghép như "đồ chơi lego" đang gây sốt thị trường
- 06-07-2023Thợ sửa điện thoại lần đầu tiết lộ: Đây là thói quen sai lầm của người dùng khiến máy ngày càng hỏng nhanh
Quy định hàng không
Mỗi quốc gia sẽ có một quy định về việc sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay riêng. Hiện tại, các quy định về việc sử dụng điện thoại, tablet, laptop… trên máy bay đã được nới lỏng hơn rất nhiều so với trước đây.
Tại một số quốc gia như Mỹ, Canada hay tại châu Âu, hành khách được sử dụng các thiết bị di động trong toàn bộ chuyến bay. Lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay đầu tiên trên thế giới được Ủy ban truyền thông Liên Bang của Mỹ (FFC) ban hành năm 1991.
Tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ thị gửi các hãng hàng không về việc khuyến cáo hành khách sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử xách tay trên máy bay.
Văn bản số 3747/CT-CHK ban hành ngày 18/9/2018 yêu cầu các hãng hàng không chấn chỉnh đội ngũ tiếp viên hàng không phải nghiêm túc, kiên quyết nhắc nhở hành khách không sử dụng các thiết bị thu phát sóng, điện thoại di động, máy tính cá nhân, iPad, tai nghe nhạc trên tàu bay trong quá trình cất, hạ cánh.
Theo đó, các hãng hàng không cũng quy định rõ ràng về điều việc sử dụng điện thoại di động trên máy bay. Cụ thể, trong quá trình đi máy bay hành khách có thể sử dụng điện thoại với chế độ máy bay, nhưng hành khách phải tắt hoàn toàn chiếc điện thoại là lúc cất và hạ cánh của chuyến bay. Vì sự an toàn tuyệt đối mà hành khách nên tuân thủ mọi quy định của hãng và nghe theo các chỉ dẫn của tiếp viên hàng không.
Vì sao nên tắt điện thoại khi lên máy bay?
Đã từng có sự cố được phát hiện kịp thời khi một phi công của Hãng hàng không AirChina để ý và phát hiện trước khi tới Bắc Kinh máy bay bị lệch 30 độ khỏi đường bay. Khi tìm kiếm nguyên nhân, cơ quan chức năng xác định được một hành khách vẫn để điện thoại di động ở chế độ mở.
Báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết đã có 75 sự cố điện tử mà các phi công cũng như thành viên tổ bay tin rằng có liên quan tới điện thoại di động và các thiết bị điện tử. Báo cáo này thống kê các sự cố điện tử trong thời gian từ 2003 tới 2009 dựa trên trả lời khảo sát của 125 hãng hàng không trên toàn cầu. Thiết bị cá nhân bị nghi ngờ nhiều nhất là điện thoại di động.
Vì thế hành khách đi máy bay sẽ nghe các tiếp viên hàng không yêu cầu tắt điện thoại trước thời gian máy bay cất cánh. Tuy nhiên nhiều hành khách chưa thật sự tin rằng sử dụng điện thoại có thể gây mất an toàn cho chuyến bay.
Những lý do sau đây hãng yêu cầu hành khách tắt điện thoại:
Hành khách không tắt điện thoại hoặc không để chế độ máy bay dù không sử dụng nhưng nó cũng sẽ liên tục bắt sóng và làm nhiễu sóng các thiết bị liên lạc, kiểm soát tàu bay của phi công. Nếu trên chuyến bay có hàng trăm hành khách cùng sử dụng điện thoại, sóng từ các thiết bị này làm nhiễu nặng khiến phi công không thể tập trung liên lạc.
Sóng vô tuyến của các thiết bị điện tử có thể gây nhiễu các hệ thống điện tử nhảy cảm của máy bay.
Hành khách sử dụng điện thoại dễ lơ đễnh, không tập trung vào nghe hướng dẫn an toàn của tiếp viên hàng không như thắt dây an toàn, mở cửa sổ, đeo mặt nạ dưỡng khí. Vì thế khi gặp tình huống khẩn cấp hành khách sẽ phản ứng chậm hơn, nguy hiểm tính mạng hơn.
Nguy cơ khủng bố cũng là lý do để các hãng hàng không lo ngại và hạn chế khách sử dụng điện thoại. Ngày nay chỉ với chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể kích bom nổ hay tấn công vào hệ thống điều khiển của máy bay. Nếu hành khách có nhu cầu chụp ảnh thì cũng hãy chuyển chế độ để mọi người đều được an toàn hạ cánh.
Cố tình sử dụng điện thoại trên máy bay bị xử phạt như nào?
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Theo quy trình, trên tàu bay, nếu phát hiện vi phạm, tiếp viên phát hiện sẽ báo cho cơ trưởng lập biên bản ngay trên máy bay. Sau đó, vụ việc sẽ được chuyển cho cảng vụ hàng không ra quyết định xử phạt.
Tùy theo mức độ vi phạm thực tế mà hãng hàng không sẽ có quyết định cụ thể. Trong trường hợp kiên quyết không nộp phạt thì hình thức phạt cao nhất dành cho hành khách sẽ được thực hiện là cấm bay.
Bên cạnh đó, các tiếp viên hàng không cũng phải theo dõi hành khách nếu phát hiện vi phạm mà không nhắc nhở, không báo cáo lại cũng có thể bị xử phạt.
Vì thế khi đi máy bay, bạn nên chú ý theo dõi những thông tin hướng dẫn của tiếp viên và nghiêm chỉnh chấp hành. Điều này là để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, đồng thời cũng là an toàn cho chính bạn và các hành khách khác trên máy bay.
Tiền Phong