Lý do giá vàng giảm trong thời kỳ bất ổn và lạm phát cao
Vàng được trưng bày tại ngân hàng Deutsche Bundesbank ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá vàng tăng vọt vào đầu tháng Ba năm nay, do lo ngại về hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, kể từ đó, các nhân tố khác tác động tới thị trường đã xuất hiện.
- 26-09-2022USD tăng mạnh, giá vàng tiếp tục xuống dốc
- 25-09-2022Đang ở đáy 2 năm rưỡi, giá vàng sẽ thế nào trong tuần tới?
- 24-09-2022USD tăng mạnh, euro, yen và giá vàng giảm sâu phiên cuối tuần
Theo truyền thống, kim loại quý này thường tăng giá khi lạm phát cao, vì nó là một khoản đầu tư vật chất có thể đóng vai trò như một “kho lưu trữ giá trị”. Vàng cũng thường là một tài sản được ưa thích trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, bởi nó được coi là "nơi trú ẩn an toàn".
Tuy nhiên, giá vàng đã không tăng. Trên thực tế, giá kim loại quý này đã giảm gần 20% so với mức đỉnh xác lập hồi tháng Ba. Điều này đưa vàng hướng tới thị trường giá xuống. Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, cho hay: “Các nhà đầu tư không muốn nắm giữ vàng trong môi trường hiện tại”.
Giá vàng tăng vọt vào đầu tháng Ba năm nay, do lo ngại về hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, kể từ đó, các nhân tố khác tác động tới thị trường đã xuất hiện.
Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang tăng mạnh lãi suất trong nỗ lực giảm lạm phát, vốn ở mức cao trong nhiều thập niên, đặc biệt là khi cuộc xung đột ở Ukraine đẩy giá thực phẩm và năng lượng leo thang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21/9 vừa qua, một động thái chưa từng có tiền lệ. Ngân hàng này cũng để ngỏ khả năng có thể tăng lãi suất đáng kể trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Động thái đó đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hai thập kỷ. “Đồng bạc xanh” đã tăng 16% so với rổ tiền tệ trong năm nay, một mức tăng khá mạnh. Những diễn biến này đã và đang làm tổn hại nặng nề thị trường cổ phiếu và vàng cũng không thoát khỏi tác động của nó, một phần là do các giao dịch hàng hóa, bao gồm vàng và các kim loại quý khác, thường được định giá bằng đồng USD. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ các đồng tiền khác, qua đó làm giảm nhu cầu và đẩy giá đi xuống. Một yếu tố khác là ảnh hưởng của chu kỳ tăng lãi suất mạnh của Fed đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu của Mỹ, vốn biến động ngược chiều với giá vàng, đã tăng vọt khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 3,77%, tăng mạnh từ khoảng mức 1,5% vào đầu năm nay.
Vàng cũng cạnh tranh với trái phiếu chính phủ như một khoản đầu tư trú ẩn an toàn. Và khi các nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận tốt hơn từ tài sản nào thì tài sản còn lại đương nhiên sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều.
Rõ ràng rằng các ngân hàng trung ương chưa hề có kế hoạch sớm thay đổi chiến lược lãi suất của họ, với việc đặt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát là ưu tiên của họ.
Sau khi Fed công bố đợt tăng lãi suất mới nhất, một loạt ngân hàng khác cũng “theo chân” trong cuộc chiến đẩy lùi lạm phát. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Các ngân hàng trung ương tại Thụy Điển, Indonesia, Na Uy, Thụy Sỹ... cũng đồng loạt tăng lãi suất. Điều đó có nghĩa là vàng khó có khả năng tăng trở lại trong thời gian tới.
Báo tin tức