Lý do khách Trung Quốc tới Việt Nam thua xa Thái Lan
Gần 400.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay là tín hiệu vui với ngành du lịch. Các chuyên gia dự đoán lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tăng nhanh, song Việt Nam chưa thể cạnh tranh với điểm đến hấp dẫn như Thái Lan.
- 08-05-2023Khách Trung Quốc tăng mạnh, du lịch Việt thu gần 200.000 tỷ đồng chỉ 4 tháng
- 04-05-2023Việt Nam chưa phải là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc
- 04-05-2023Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến, nhưng vẫn chỉ tương đương 1/4 lượng du khách từ một nước khác
Tăng nhưng chưa bằng trước dịch
Riêng tháng 5, Việt Nam đón hơn 900.000 lượt khách quốc tế . Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 5 tháng đầu năm, với 1,3 triệu lượt khách. Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ 2, đạt gần 400.000 lượt khách.
Thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy, trong Top 10 thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam tháng 5, khách Trung Quốc đạt kỷ lục tăng trưởng mạnh nhất với gần 147.000 lượt, gấp hơn 1,3 lần so tháng 4.
CEO Hà Nội Tourism Nhữ Thị Ngần cho rằng, Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ 2 trong số các nước gửi khách đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là tín hiệu vui. Bà dự báo khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, có thể sớm vượt Hàn Quốc để chiếm vị trí cao nhất.
“Trung Quốc mới mở cửa du lịch. Việt Nam chưa thể kỳ vọng quá nhiều vào sự bùng nổ ngay lập tức. Giá vé máy bay từ Trung Quốc của các hãng hàng không Việt Nam tương đối cao, tâm lý e dè sau dịch cũng khiến khách Trung Quốc cân nhắc khi tới Việt Nam”, bà Nhữ Thị Ngần cho biết.
Bỏ xa Việt Nam với gần 400.000 lượt khách Trung Quốc sau 5 tháng, ngày 18/5 Thái Lan đón 1 triệu khách từ quốc gia tỷ dân. Ngành du lịch Thái Lan hưởng lợi từ nhu cầu du lịch bị dồn nén đã lâu của du khách Trung Quốc. Tổng cục du lịch Thái Lan dự báo, khách Trung Quốc tới nước này trong năm 2023 lên tới 5 triệu lượt, tạo ra doanh thu 446 tỷ baht, tương đương 12,8 tỷ USD.
Lý giải về sức hút của du lịch Thái Lan, bà Nhữ Thị Ngần khẳng định, tính sẵn sàng cung ứng dịch vụ của điểm đến là chìa khoá thành công. “Tài nguyên du lịch hạn chế hơn so với Việt Nam, bù lại, Thái Lan có nhiều chính sách hấp dẫn để chào đón khách quốc tế. Nhà cung ứng luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí… đều sẵn có. Người dân Thái Lan cũng cởi mở với khách nước ngoài”, bà Ngần phân tích.
Du khách đến Thái Lan cảm thấy yên tâm, thoải mái và sẵn sàng quay lại. Đó là nguyên nhân kích thích khách tiêu dùng, mua sắm.
Học hỏi để hút khách hạng sang
Tốc độ phục hồi của du lịch Việt Nam khá nhanh, song chưa đủ sức cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Nhà sáng lập Mekong Rustic Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng hệ thống dịch vụ chuẩn quốc tế, với tính đồng bộ, chuyên nghiệp. Từ đó, du khách được phục vụ với chất lượng tốt.
“Giá cả dịch vụ phải được thống nhất. Giả sử, khi bán vé cho khách đi tàu, cần quy định chi tiết mức giá cho từng loại tàu, tuỳ theo dịch vụ và sức chứa. Không thể tuỳ tiện tăng hoặc giảm giá”, ông Nguyễn Ngọc Bích nói. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nhu cầu, sở thích, thói quen du lịch của khách. Đây cũng là dữ liệu đầu vào quan trọng để phục vụ quá trình chuyển đổi số trong du lịch.
Lãnh đạo Hà Nội Tourism bày tỏ, Việt Nam sẵn sàng đón khách từ các quốc gia, không chỉ riêng Trung Quốc. Nhìn sang Nhật Bản sau COVID-19, ngành du lịch nước này chú trọng chất lượng thay vì số lượng. Việt Nam có thể học hỏi để thu hút khách hạng sang có chi tiêu cao, sử dụng nhiều dịch vụ cao cấp.
“Việt Nam nên có thêm các chiến dịch quảng bá, lan toả hình ảnh về điểm đến hấp dẫn và trải nghiệm chuyên sâu cho du khách. Các sản phẩm du lịch cần phong phú hơn, nhất là du lịch văn hoá. Các khu vui chơi giải trí, điểm bán quà lưu niệm cũng cần hấp dẫn du khách hơn. Sự kết hợp giữa quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm tạo điều kiện thúc đẩy du lịch”, bà Nhữ Thị Ngần nêu.
Những người làm du lịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hoá đội ngũ làm du lịch theo các tiêu chí: năng lực phục vụ, trình độ ngoại ngữ…
Tiền phong