Lý do nguy hiểm khiến chứng khoán Mỹ cứ tăng điểm mãi
Trong thời điểm hiện nay, xu hướng biến động của chứng khoán Mỹ không có quá nhiều mối liên hệ với những đánh giá về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay sức khỏe của nền kinh tế nói chung.
Phiên giao dịch 9/9 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh nhất kể từ sau sự kiện nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đây là ngày tồi tệ nhất đối với các chỉ số chính như S&P 500, Dow Jones hay Nasdaq kể từ cuối tháng 6 đến nay.
Tất cả 10 nhóm chính của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm. Các loại trái phiếu và hàng hóa cũng có một ngày tồi tệ.
Lý do quan trọng nhất gây ra cơn bán tháo vừa qua là những diễn biến mới nhất cho thấy có thể thị trường đã đánh giá quá thấp về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp sắp tới cũng như trong những tháng còn lại của năm 2016.
Tuy nhiên, đến phiên hôm qua (12/9), thị trường đã hồi phục trở lại.
Cơn bán tháo vừa qua làm dấy lên một cuộc tranh luận khá thú vị về việc nhà đầu tư nên phản ứng như thế nào. Nhớ lại thì thị trường cũng từng bất ngờ bị “móc túi” trong năm ngoái, trong khi thông thường thì các sự kiện này hiếm khi xảy ra trong bối cảnh thị trường ổn định như thời gian vừa qua. Năm ngoái, thị trường đã nhanh chóng bình phục, các tác động chỉ là nhất thời.
Do đó các nhà đầu tư đang tranh luận liệu năm nay thị trường sẽ đi theo xu hướng nào. Một số khuyến nghị nhà đầu tư nên “bắt đáy” với hi vọng có thể lặp lại chiến thuật đã giúp họ có được lợi nhuận trong năm ngoái. Nhưng một số khác cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng hơn, thậm chí nên bán ra trước khi giá giảm sâu hơn nữa.
Trong thời điểm hiện nay, xu hướng biến động của chứng khoán Mỹ không có quá nhiều mối liên hệ với những đánh giá về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay sức khỏe của nền kinh tế nói chung. Thị trường đang bị chi phối quá nhiều bởi những biện pháp hỗ trợ thanh khoản từ cả Chính phủ và khu vực tư nhân cũng như những ẩn số trên chính trường. Dưới đây là một số điều đáng để lưu tâm.
1. Có vẻ như các yếu tố cơ bản sẽ không thể cải thiện ngay lập tức
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuần trước đã nói rằng IMF sẽ một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có nghĩa là kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và thất thường. Đồng hành cùng cỗ máy tăng trưởng đang rệu rã là những chính sách vĩ mô bị mất cân bằng, điển hình là sự phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp kích thích từ NHTW, sự rời rạc trong chính sách của các nước và sự thiếu hiệu quả của chính sách.
2. Các yếu tố chính trị và địa chính trị không hỗ trợ thị trường
Ở hầu hết các nước phương Tây, bộ máy chính trị không thể đưa ra được chính sách kinh tế hợp lý và bình tĩnh. Mỹ đang ở trong cuộc bầu cử 4 năm mới có 1 lần, Anh chìm trong đám sương mù của Brexit, Italy cũng đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý, Tây Ban Nha cũng đang đứng trước những tiếng nói ly khai và ở Đức, đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích thậm tệ và mất uy tín.
Các rủi ro địa chính trị làm thị trường thêm hỗn loạn, từ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đến mớ hỗn độn ở Trung Đông. Ngoài ra còn là mối đe dọa khủng bố từ những nhóm cực đoan.
3. “Thuốc giải độc” không còn phát huy tác dụng
Những yếu tố kinh tế chính trị kể trên không phải là mới xuất hiện. Thực tế cho thấy thị trường vẫn hồi phục dù những vấn đề không được giải quyết. Xu hướng giảm điểm được bù đắp bằng hoạt động bơm thanh khoản từ cả phía NHTW và phía các doanh nghiệp. Những công ty dư thừa tiền mặt vì không muốn đầu tư hay những NHTW nóng lòng triển khai những chương trình mua tài sản với khối lượng lớn chưa từng thấy đang bơm thanh khoản mạnh mẽ cho thị trường.
Kỳ vọng sẽ được bơm thanh khoản của nhà đầu tư khiến giá tài sản tăng lên nhanh chóng, đi kèm với mức độ chấp nhận rủi ro cũng tăng lên. Vì cả trái phiếu và cổ phiếu đều được hưởng lợi từ chương trình mua tài sản của các NHTW, nhà đầu tư còn coi thường cả việc đa dạng hóa danh mục đầu tư để phòng tránh rủi ro.
Tuy nhiên, cần phải nhận thấy một tác dụng phụ nguy hiểm: các NHTW bơm thanh khoản miệt mài mà chẳng thấy hiệu quả. Dù đã phải dùng đến chính sách lãi suất âm, NHTW Nhật Bản vẫn không thể đẩy tăng lạm phát cũng như giải thoát nền kinh tế khỏi cảnh trì trệ. Các biện pháp tiền tệ bất thường cũng khiến thị trường bị bóp méo, gây nên nguy cơ hệ thống tài chính bất ổn.
Thời gian gần đây, các NHTW đã phát tín hiệu rằng họ sẽ lưỡng lự hơn trong việc triển khai chính sách kinh tế. NHTW châu Âu (ECB) tuần trước đã gây bất ngờ cho thị trường khi giữ nguyên lãi suất cơ bản và không bổ sung thêm biện pháp kích thích. Trong khi đó tại Mỹ, Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren nhận định thị trường đã đánh giá quá thấp khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.
4. Các doanh nghiệp cũng loay hoay
Thị trường chứng khoán đã được hưởng lợi từ những chương trình bơm tiền mặt khổng lồ của các doanh nghiệp. Từ 2012 đến 2015, các doanh nghiệp Mỹ mua lại lượng cổ phiếu quỹ lên tới 1.700 tỷ USD, theo số liệu được Goldman Sachs tiết lộ với tờ Financial Times. Các công ty còn tăng mạnh lượng cổ tức chi trả.
Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện những dấu hiệu cục bộ cho thấy xu hướng hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ và chi trả cổ tức đều suy giảm. Nhưng điều đó lại không phải là những tín hiệu của một nền tài chính khỏe mạnh hơn.
Theo số liệu của Bloomberg, trung bình lượng tiền mặt của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm mà nguyên nhân là do lợi nhuận giảm sút. Các doanh nghiệp không còn mặn mà với các kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro (bao gồm phát hành trái phiếu để tài trợ cho việc mua lại cổ phiếu quỹ) do lo ngại về mức lợi suất tăng cao và triển vọng bấp bênh.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy một lần nữa thị trường chứng khoán sẽ lại buộc các NHTW phải bước vào một đợt bơm thanh khoản mới và thậm chí đẩy lãi suất xuống sâu hơn nữa. Không có lý do cụ thể nào để dự đoán các NHTW sẽ không thành công, nhưng xác suất thành công đang ngày càng giảm xuống và các doanh nghiệp cũng nhận thấy tương lai chẳng có gì tươi sáng.
Không có sự chuyển biến rõ rệt của các yếu tố cơ bản, nhà đầu tư tốt nhất là nên nhớ rằng thanh khoản được các NHTW tung ra sẽ không thể bảo vệ thị trường mãi mãi.