MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do SoftBank hoàn toàn có thể để WeWork phá sản và tiết kiệm được 9,5 tỷ USD nhưng lại đợi đến khi startup này sắp cạn tiền ‘đến chết’ mới ra tay cứu trợ

06-11-2019 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

SoftBank đã cứu WeWork bằng gói cứu trợ gần 10 tỷ USD. Không ít người đặt câu hỏi tại sao tập đoàn của tỷ phú Masayoshi Son không để WeWork phá sản hoặc để một đơn vị khác như JPMorgan cứu WeWork?

Ngay trước khi WeWork chỉ còn vài tuần nữa là hết sạch tiền mặt, tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã quyết định đưa ra gói "cứu trợ" trị giá 9,5 tỷ USD và sẽ nắm giữ 80% cổ phần của startup chia sẻ văn phòng.

Đây là một chiến lược rủi ro. Được biết, trước đó, SoftBank đã đầu tư hơn 9 tỷ USD vào WeWork, cả trực tiếp và thông qua Quỹ Vision. Họ biết rằng mình có thể phải đầu tư nhiều hơn nữa do WeWork đốt tiền quá nhanh, quá nhiều và phải đợi nhiều năm trước khi startup này làm ăn có lãi.

Sau khi WeWork nộp hồ sơ IPO vào tháng 8 tiết lộ các khoản lỗ khổng lồ trong thời gian ngắn, công ty đã rơi vào tình trạng tồi tệ chưa từng có: Buộc phải hoãn IPO vô thời hạn, nhà sáng lập Adam Neumann rời ghế CEO, định giá giảm thê thảm từ 47 tỷ USD xuống còn trên dưới 10 tỷ USD và sẽ hết tiền mặt trong vòng vài tuần. Ban đầu, WeWork dự định sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí nhưng họ đã phải hoãn lại vì không đủ tiền mặt để bồi thường hợp đồng cho người lao động.

Ngay lúc này, SoftBank đã cứu WeWork bằng gói cứu trợ gần 10 tỷ USD. Không ít người đặt câu hỏi tại sao tập đoàn của tỷ phú Masayoshi Son không để WeWork phá sản hoặc để một đơn vị khác như JPMorgan cứu WeWork?

Lý do SoftBank hoàn toàn có thể để WeWork phá sản và tiết kiệm được 9,5 tỷ USD nhưng lại đợi đến khi startup này sắp cạn tiền ‘đến chết’ mới ra tay cứu trợ - Ảnh 1.

Tỷ phú Masayoshi Son.

Các chuyên gia kinh doanh cho biết nguyên nhân chủ yếu là SoftBank cảm thấy buộc phải cứu WeWork để củng cố Quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD của họ. Cả WeWork và Uber đều từng là "con cưng" được SoftBank rót rất nhiều tiền với hy vọng họ sẽ trở thành những kỳ lân hàng đầu thế giới. Sự thất bại hoàn toàn của startup chia sẻ văn phòng sẽ làm tổn hại đến cả lợi nhuận và uy tín của Quỹ Vision trong cộng đồng đầu tư.

SoftBank đang trong quá trình huy động vốn cho Quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD thứ hai. Định giá WeWork càng giảm càng làm ảnh hưởng đến Quỹ Vision đầu tiên và SoftBank. Theo một chuyên gia, việc để WeWork "chết" hoàn toàn cũng có thể ảnh hưởng đến cả hoạt động gọi vốn của Quỹ Vision thứ hai.

Một phần khác, có thể SoftBank tin rằng WeWork vẫn còn giá trị và họ vẫn thấy được một số loại lợi tức đầu tư. Khi đó, cách tốt nhất là SoftBank kiểm soát ngay trước khi công ty phá sản.

Có thể nói, SoftBank vẫn có niềm tin vững chắc vào WeWork. Trong tuyên bố thỏa thuận cứu trợ, tập đoàn Nhật Bản nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng thế giới đang trải qua một sự thay đổi lớn trong cách mọi người làm việc. Và WeWork là một đơn vị đi đầu trong cuộc cách mạng này. SoftBank vẫn giữ nguyên tầm nhìn và quyết định tiếp tục đầu tư".

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, cũng phải đến lúc WeWork đã ở ngay sát bờ vực phá sản, SoftBank mới dang tay cứu giúp bởi khi WeWork càng ít giá trị, tập đoàn Nhật Bản sẽ phải trả ít tiền hơn.

Filippo Mezzanotti, Giáo sư tại trường Quản lý Kellogg chia sẻ: "Quyết định của SoftBank là hoàn toàn có thể hiểu được. Không thể phủ nhận rằng WeWork ít nhiều vẫn còn giá trị bởi đây là một thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực cho thuê văn phòng. Vẫn có không ít nhu cầu về dịch vụ do công ty này cung cấp. Các doanh nhân, người làm việc tự do hay nhóm khởi nghiệp nhỏ… đều cần đến WeWork".

Tuy WeWork đã được cứu nhưng điều này cũng khó lòng giúp họ giữ chân được những nhân viên giỏi nhất. Sau khi nhà đồng sáng lập Adam Neumann từ chức CEO, không ít giám đốc cấp cao đã rời đi trước khi công ty có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, tình trạng kinh doanh bất ổn còn khiến khách hàng quay lưng với WeWork và chuyển sang dùng dịch vụ của công ty đối thủ.

Lý do SoftBank hoàn toàn có thể để WeWork phá sản và tiết kiệm được 9,5 tỷ USD nhưng lại đợi đến khi startup này sắp cạn tiền ‘đến chết’ mới ra tay cứu trợ - Ảnh 2.

Adam Neumann, nhà sáng lập WeWork.

Một doanh nhân cho biết ông khuyên công ty trong danh mục đầu tư của mình tránh các không gian WeWork vì nhiều lý do và một trong số đó là "toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ có thể biến mất trong 6 tháng".

Bloomberg cho biết JPMorgan đã đưa ra kế hoạch cứu trợ để "cạnh tranh" với SoftBank với trị giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nó được cho là không ảnh hưởng gì đến sự kiểm soát còn lại của nhà sáng lập đối với công ty trong khi theo gói cứu trợ của SoftBank, Neumann sẽ rời vị trí trong hội đồng quản trị công ty cùng khoản tiền 1,2 tỷ USD giá trị cổ phiếu của WeWork, hạn mức tín dụng 500 triệu USD từ SoftBank và khoảng 185 triệu USD phí tư vấn. Ngoài ra, thỏa thuận của JP Morgan cũng không đưa ra bất kỳ khoản thanh toán nào cho các cổ đông không còn muốn liên quan đến WeWork.

Theo Gia Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên