Lý do vì sao lương 10 triệu vẫn đủ sống với rất nhiều người, còn bạn thì không?
Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, người trẻ đã phải tính toán đủ đường để không hết sạch tiền vào cuối tháng.
- 11-03-2024Được coi là "ngành hot" được ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất năm 2024, mức lương ngành Marketing "khủng" cỡ nào?
- 11-03-2024Giá chung cư cao ngất ngưởng, lương tháng 30 triệu cũng ngậm ngùi cất ước mơ mua nhà vào ngăn nhỏ trong tim
- 10-03-2024Lương tăng không kịp tốc độ tiêu tiền: Tốn 14 triệu đồng/năm ra cafe làm việc, mất sạch 6 triệu đồng/tháng đặt đồ ăn ngoài
Chi tiêu chật vật, rơi vào nợ nần với mức lương 10 triệu đồng/tháng
Thanh Khê (SN 1997, Hà Nội) từng cảm thấy chật vật vì chạy theo lối sống hưởng thụ, dù nhận lương 10 triệu đồng/tháng. Thanh Khê thừa nhận, khi vừa kiếm được tiền, cô không suy tính đến chuyện tiết kiệm. Nếu dư được đồng nào cuối tháng thì cô còn tự khen bản thân biết cách tính toán.
"Kiếm được 10 triệu đồng/tháng mà dám uống trà sữa ngày 2 ly, thiệt hại cũng hơn 100k đồng. Mình chỉ uống vài ngày trong tháng nhưng sau này mới thấy nhiều tác hại. Quần áo thì mặc cả tháng không trùng bộ nào, guốc dép hay túi xách cũng thay đổi liên tục. Giờ nghĩ lại với mức lương đó mà tiêu dã man thật.
Càng được tiếp xúc nhiều về quản lý tài chính cá nhân, mình càng nhận ra được quá khứ đã sai lầm thế nào. May mắn vẫn dừng lại được trước khi bước vào vòng xoáy nợ nần", Thanh Khê nhớ lại những lần vung tay quá trán.
Ảnh minh họa
Không kịp dừng lại như Thanh Khê nên Hoài Nam (SN 1996, Hà Nội) đã rơi vào cảnh nợ nần. Chàng trai cho hay, vì được sống trong một gia đình có điều kiện khá giả, không phải lo toan chuyện tiền bạc nên anh chàng đã trượt dài trên con đường tích lũy tài chính. Tuy nhiên, chính lối sống hưởng thụ dù chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng đã khiến anh chàng trả giá đắt.
"Lúc mới ra trường, được nhận vào công ty lớn và có mức lương cao hơn bạn bè cùng trang lứa, nên mình rất ảo tưởng về khả năng kiếm tiền của bản thân. Mình cứ nghĩ là siêu nhân trong việc kiếm tiền nên cứ vung tiền như nước: Mua chai nước hoa vài triệu không tiếc, bỏ chục triệu sắm điện thoại không suy nghĩ gì, hay những đôi giày thể thao giá ‘trên trời’ cũng được rinh về mà có lúc chẳng dùng đến. Mẹ phát điên mỗi khi mình đập hộp những thứ này nhưng cũng không ngăn cản được. Bản thân cứ quẹt tín dụng, vay bạn bè rồi nghĩ lấy lương là trả được liền".
Hoài Nam tỉnh ngộ khi dư nợ thẻ tín dụng báo về đúng lúc anh chàng bị cắt giảm nhân sự và giảm lương. Lúc đó, Hoài Nam đứng trên 2 sự lựa chọn: Một là tiếp tục làm việc với mức lương chỉ còn 2/3 so với trước, 2 là nghỉ việc và tìm công ty mới. Vì số dư nợ kia nên Hoài Nam đành chọn yên vị với công việc hiện tại, và chấp nhận trả góp cả gốc lẫn lãi vào hàng tháng.
"Nếu tiếp tục lối sống hưởng thụ của trước đây, có lẽ mình đã không thể làm lại cuộc đời", đó là lời tổng kết của Hoài Nam sau trải nghiệm nhớ đời kia.
Ảnh minh họa
Công thức nào để cuối tháng vẫn có tiền dư của hội lương 10 triệu đồng/tháng?
10 triệu đồng/tháng không phải là mức lương cao với nhiều người, đặc biệt là khi đặt cạnh các khoản chi tiêu đắt đỏ ở thành phố lớn. Tuy nhiên, có những bạn trẻ vẫn sống ổn với tổng thu nhập này, thậm chí còn để tiền dư được vào cuối tháng. Vậy họ đang áp dụng công thức tài chính nào?
Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại thành phố Bắc Ninh) là ví dụ. Được biết, cô nàng từng theo học một trường đại học lớn ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, do tìm được cơ hội ở Bắc Ninh - vốn cũng không phải quê nhà của Mai Anh nên cô đã chọn sinh sống ở đây lâu dài.
Và hàng tháng, với mức lương khoảng 10 triệu đồng thì cô nàng chỉ dùng 2 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Còn lại bao nhiêu tiền, cô đều đặn gửi hết vào tài khoản ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm vào đầu kỳ lĩnh lương. Riêng với tiền tích lũy đang có, Mai Anh muốn dùng chúng mua món đồ bản thân yêu thích, đầu tư học ngoại ngữ và sau đó là kinh doanh riêng.
Quay về với con số 2 triệu đồng, chi phí sinh này được cô phân bổ thành từng khoản cụ thể như sau:
- Tiền nhà: 1,1 triệu đồng.
- Tiền ăn: 400k đồng (bao gồm 200k đồng tiền mua đồ ăn vặt và 200k đồng tiền ăn uống với bạn bè vào ngày chủ nhật). Mai Anh chia sẻ, cô nàng được công ty hỗ trợ tiền ăn 3 bữa sáng - trưa - tối (trừ ngày chủ nhật). Do đó, cô nàng hầu như không mất chi phí mua thực phẩm hàng ngày.
- Tiền xăng xe: 200k đồng. Mai Anh cho biết khoản tiền này không nhiều vì cô thuê trọ ngay gần công ty.
- Tiền mua đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm: 100k đồng.
- Tiền mua quần áo: 200k đồng.
Ảnh minh họa
Trước ý kiến cho rằng người trẻ chỉ tiêu 2 triệu/tháng là "khó sống", cô nhận định: "Mình sống và làm việc ở Bắc Ninh nên chi phí khá rẻ. Mình nghĩ 2 triệu sẽ khó với mức sống ở thành phố lớn như Hà Nội, càng khó hơn với người đi làm mà công ty không hỗ trợ tiền ăn. Cá nhân mình đi làm được công ty cấp bữa ăn trong tuần nên có thể tiết kiệm được vậy, còn không thì cũng thấy khó.
Với mức chi tiêu trên, mình không thấy áp lực và cũng chẳng stress gì. Mình vẫn mua quần áo hàng tháng, vẫn đi chơi, uống trà chanh, trà sữa và đáp ứng nhu cầu cá nhân cơ bản".
Còn về phía Hoàng Linh (26 tuổi, Hà Nội) - một dân công sở cũng để dành được tiền tiết kiệm ngay khi có mức lương chỉ 10 triệu đồng/tháng. Bí quyết của cô nàng gói gọn trong 6 chữ: chia nhỏ từng khoản chi phí. Cụ thể, thu nhập hàng tháng được cô nàng phân bổ như sau:
- Tiền gửi cho bố mẹ: Đây là số tiền được Hoàng Linh trích ra đầu tiên, chiếm ít nhất 30% lương. Trong trường hợp bố mẹ không dùng đến, họ sẽ gom tiền lại rồi mua vàng để dành cho con gái.
- Tiền tiết kiệm: Chiếm ít nhất 20% lương
- Chi phí sinh hoạt bắt buộc: Đây là khoản tiền trọ mỗi tháng cùng những chi tiêu bắt buộc để sinh tồn ở Hà Nội, được cô gói ghém chỉ trong 1,3 triệu đồng/tháng.
- Tiền học cho em: Trung bình 3-4 tháng, cô nàng sẽ gửi về cho gia đình 5 triệu đồng.
- Chi phí khác: Hầu hết những chi phí phát sinh như ăn uống, quần áo, xe cộ, internet,... đa số là khoản tiền không cố định mỗi tháng sẽ được Linh sử dụng vào khoản tiền lương còn lại - chưa đến 3 triệu đồng.
Hoàng Linh cũng có những mẹo tiết kiệm khá hay ho trong cuộc sống thường ngày mà ít người để ý. Ví dụ như việc mua sắm. Trong 1 năm, Linh chỉ mua 5-6 bộ quần áo, giày dép, túi xách. Hầu hết đều là các món đồ đơn giản, chất liệu tương đối để dùng được lâu. Cô nàng rất hay làm bạn với chương trình khuyến mãi, xả hàng của siêu thị: "Có những đợt giảm giá 50%, 70% rẻ như cho nhưng chất lượng lại ổn áp vô cùng. Mình thấy mua sắm thế này cũng thiết thực."
Sau cùng, Hoàng Linh nhận định, đây chỉ là kế hoạch tạm thời của cô nàng để sống tốt với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại, cô vẫn đang nỗ lực trong công việc để nhanh chóng gia tăng thu nhập. "Tiết kiệm thì rất tốt, nhưng tốt hơn khi có nhiều tiền mà vẫn biết tiết kiệm!", Hoàng Linh tổng kết.
Phụ nữ mới