MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do xử lý các dự án thua lỗ chưa triệt để

23-09-2023 - 13:37 PM | Doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Vướng mắc đang tập trung ở 3 nhóm vấn đề.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây có báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước trong phạm vi toàn quốc.

Báo cáo chỉ ra, 3 nhóm vướng mắc trong việc xử lý các dự án thua lỗ hiện nay, trước hết là việc xử lý dứt điểm tranh chấp để quyết toán hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC). Ngoài ra, điểm nghẽn còn nằm ở vấn đề tài chính, trong việc cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án thoái vốn.

“Đến nay, 3 dự án đã được Bộ Chính trị cho chủ trương tháo gỡ, 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách và đã có cơ chế, giao cho các công ty mẹ xử lý theo quy định hiện hành. Bốn dự án vẫn đang tiếp tục xử lý, song tình hình hoạt động rất khó khăn, còn thua lỗ hoặc dang dở, dừng hoạt động”, Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

Dù hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cơ bản được ổn định, tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, vẫn còn một số doanh nghiệp thua lỗ. Số khác chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Một số dự án chậm triển khai, việc thực hiện các dự án đầu tư mới không được đốc thúc.

Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế. Tỷ trọng đóng góp hiện nay vào GDP khoảng 29%. Bên cạnh đó, tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 còn rất chậm.

8 tháng năm nay, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ước đạt 1,13 triệu tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 680 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với 2021. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6%.

Tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước 8 tháng ước đạt 1,13 triệu tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đạt 350.525 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đạt 250.000 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đạt 169.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV đạt 112.100 tỷ đồng…

Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 27.095 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm trước liền kề (tính gộp tất cả các tập đoàn, tổng công ty có lãi và lỗ).

Trong đó, các doanh nghiệp lãi lớn như: PVN đạt 35.897 tỷ đồng (bằng 103,3% kế hoạch năm); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đạt 6.534 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC đạt 5.295 tỷ đồng (bằng 94% kế hoạch năm và 182% so với cùng kỳ năm 2022); Petrolimex đạt 3.000 tỷ đồng (bằng 92,9% kế hoạch năm).

Nhóm ngân hàng gần hoàn thành kế hoạch năm. Đến cuối tháng 8, tổng doanh thu của 4 ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trực thuộc ước tính là 487.899 tỷ đồng, đạt 82,2% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao.

Tổng lợi nhuận trước thuế của của các đơn vị này trong 6 tháng đầu năm là 59.315 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch năm 2023. Ước tính tổng lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm là 92.009 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch năm.

Theo Việt Linh

Tiền phong

Từ Khóa:
Trở lên trên