MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải nguyên nhân Bình Dương xuất siêu 6,6 tỷ USD trong 7 tháng

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Chiều 9/8, UBND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong 7 tháng năm 2022. Thông tin đáng chú ý về tình hình xuất nhập khẩu đó là tỉnh đã xuất siêu 6,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Cụ thể, lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt 21,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Cùng thời gian, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ; qua đó duy trì thặng dư thương mại là 6,6 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bình Dương, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết rất ấn tượng về năng lực xuất siêu của tỉnh Bình Dương trong 7 tháng qua.

Ông Xô cho rằng nguyên nhân xuất siêu gia tăng là nhờ doanh nghiệp trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 đã mua nguyên liệu đầu vào trước đây có giá thấp, nhưng chưa xuất được. Nhưng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thị trường nối lại thông thương, thì như “bình nén oxy được xả ra”, các doanh nghiệp bắt đầu lấy lại đà sản xuất và xuất khẩu tăng nhanh. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc đóng cửa nên đơn hàng dồn về Việt Nam, từ đó sức mua tăng cao đột biến, doanh nghiệp liên tục nhận đơn hàng, tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương đánh giá về cả năm 2022 thì hiện doanh nghiệp gặp khó về giá cả nguyên liệu đầu vào tăng quá cao; cước logistics liên tục tăng ảnh hưởng chuỗi cung ứng. Khó khăn cản trở còn liên quan đến việc thiếu container, thiếu tàu, thiếu chuyến, nguồn nhân lực hạn hẹp, chi phí cho nhân công tăng gấp đôi so với trước đây.

Trong khi đó, theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ngoài xuất khẩu duy trì tăng trưởng tốt, về các chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 ước cũng tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, lũy kế 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 10,8%... Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ ước đạt trong 7 tháng qua là  155.230 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Dương đánh giá chung cho thấy các chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cả hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa có dấu hiệu giảm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ lập quy hoạch của tỉnh còn chậm…

Trước những thách thức trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ban, ngành trong thời gian còn lại của năm 2022 tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất của hộ gia đình, doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Các sở, ban, ngành tập trung tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay. Đồng thời, phân tích, đánh giá các hạn chế, yếu kém trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch.

Song song với đó, các sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao…

Theo Chí Tưởng

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên